Lấy đất nhà dựng chợ cho dân nghèo Sài Gòn mưu sinh

Tạp Chí Nhân Đạo
Có một khu chợ không tên được hình thành ở góc đường Kênh 19/5 – T1 (quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) mà các “tiểu thương” trong chợ trước đây đều là những người bán hàng rong. Năm 2009, ông Năm Hấp đã dành 800m2 đất để dựng lên khu chợ cho người dân nghèo vừa có chỗ mưu sinh, vừa giúp sắp xếp lại trật tự địa phương.

Mới nghe tưởng chuyện xưa tích cũ thế nhưng người thật, việc thật lại xảy ra ở ngay tại TP.Hồ Chí Minh, do ông Năm Hấp tên đầy đủ là Lý Văn Hấp, năm nay 70 tuổi xây dựng lên.

lay-dat-nha-dung-cho-cho-dan-ngheo-sai-gon-muu-sinh
Ông Năm Hấp trò chuyện với phóng viên

Chợ của những gánh hàng rong

Hơn 8 năm nay dân nghèo ven phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh không thể nào quên được cái ngày đầu tiên được vào trong chợ để ngồi bán hàng. Các bà, các chị khi đó chỉ là dân “buôn thúng bán bưng” từ gánh hàng rong nhỏ lẻ dọc kênh 19-5. Họ bị lực lượng quản lý đuổi chạy tứ tán khắp nơi. Nhiều lúc còn bị bắt mất trắng vốn liếng. Rồi một ngày, có người đàn ông hiền hậu tìm đến mời họ vào khu chợ kiên cố, xây sàn bê tông bóng loáng ngồi bán hàng.

Khu chợ kiên cố với mái tôn che chắn cẩn thận, từng sạp hàng phân chia ngăn nắp, sạch sẽ, rộng hơn 800m2 tọa lạc trên mặt tiền đường T1 giao đường Kênh 19-5, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh. Chợ được mọi người quen miệng gọi là chợ ông Năm Hấp. Như là một sự tri ân đối với ông Lý Văn Hấp là chủ đất đồng thời cũng là người đã phần nào thấu hiểu cuộc sống cơ cực mưu sinh ở đất Sài Gòn hoa lệ.

Chị Huê, quê tỉnh Bắc Ninh, hiện đang có sạp trong chợ cho biết: “Thời điểm năm 2009, khi nhận được thông báo họp để đưa vào chợ, gần 40 người bán hàng rong như tôi vô cùng lo lắng. Tiền đâu mà thuê mặt bằng trong chợ, chúng tôi là dân ngoại tỉnh lưu lạc vào đây kiếm sống, tiền kiếm được chẳng đủ ăn, chính quyền làm thế khác nào đánh đố”.

lay-dat-nha-dung-cho-cho-dan-ngheo-sai-gon-muu-sinh
Tiểu thương ở chợ cảm kích trước tấm lòng thiện nguyện của ông Năm Hấp.

Ngay lúc đó, “chủ chợ” đứng lên thông báo giá thuê mặt bằng kinh doanh mỗi ngày chỉ 5 ngàn đồng (thời điểm năm 2009) các bà, các chị không dám tin vào tai mình. Chưa dừng lại, “chủ chợ” cam kết “nếu ai có hoàn cảnh quá khó khăn” tạm thời chưa phải đóng phí. Họ dù bán tính bán nghi nhưng chẳng ai có thể cưỡng lại lời mời chào “kỳ lạ” ấy. Và cứ thế, người bán hàng rong quanh khu vực rục rịch kéo về khu chợ mới.

Có nằm mơ người dân nghèo của khu vực này cũng không nghĩ là mình có được chỗ buôn bán đàng hoàng trong một cái chợ đúng nghĩa. Trong đó, giá trị một chỗ ngồi bán hàng có thể cả gia tài của họ cũng không mua được.

Chợ “ông Năm Hấp” bắt đầu đi vào hoạt động năm 2009. Từ đó đến nay, ngày hai buổi khu chợ lại tấp nập người mua kẻ bán.

Ông Năm Hấp cho biết: “Tận mắt chứng kiến cảnh người ta lao động khổ cực, thiếu thốn trăm bề, ăn uống tạm bợ, tôi manh nha ý tưởng hiến một phần đất xây chợ. Trằn trọc suy nghĩ mãi, tôi cảm thấy việc làm của mình là đúng nên bắt tay tiến hành ngay”. Bây giờ, mỗi khi thấy chợ tấp nập người bán người mua vui vẻ, ông Hấp cảm thấy lòng mình thanh thản nhẹ  nhàng.

Khi vợ chồng chung lòng thiện nguyện

Người đầu tiên ông Năm chia sẻ ý tưởng “kỳ lạ” là vợ ông - bà Nguyễn Thị Lùng. Nghe ý tưởng của chồng bà Lùng không hề phản đối, ngược lại còn động viên ông sớm hoàn thành việc ý nghĩa. Thậm chí bà còn cùng ông thuyết phục 5 người con cho mượn đất để lập chợ cho người nghèo.

Ông Hấp cho biết, toàn bộ chi phí san lấp mặt bằng, mua vật liệu xây dựng khu chợ tạm mất khoảng 50-60 triệu đồng. Đây là số tiền lớn, đặc biệt ở giai đoạn năm 2009, nhưng với quyết tâm và tấm lòng thiện nguyện ông Hấp tiếp tục hoàn tất khu chợ.

Cuối năm 2015, một lần nữa ông Năm Hấp ra tay nghĩa hiệp giúp người bán cải thiện tình hình.

Ông Năm kể: “Tôi thường ra chợ, nên biết vì không có mái che lúc trời mưa gió, nắng gắt cả người bán kẻ mua đều rất khổ. Tôi lại bàn với vợ bỏ tiền túi mua vật liệu xây dựng thành khu chợ kiên cố hẳn. Lúc biết tôi chuẩn bị làm mái che, anh chị em buôn bán sợ tiền thuê mặt bằng sẽ lên cao không trả nổi, tôi phải giải thích rõ muốn giúp bà còn kinh doanh tốt hơn chứ không vì lợi nhuận kinh tế. Bây giờ, mọi người đều phấn khởi. Họ lại xem tôi như ân nhân. Hiện tại do giá điện nước, phí phát sinh lên cao nên tôi buộc phải thu khác trước. Nhưng người nộp cao nhất chỉ khoảng 30 ngàn đồng trên ngày, có người chỉ mười mấy hai chục ngàn thôi”.

Những câu chuyện về hành động nghĩa hiệp của ông chủ chợ “lập dị” được minh chứng bởi hàng chục tấm giấy khen từ Đoàn, Hội, tổ chức treo kín góc tường nhà. Thế nhưng ông Năm Hấp chỉ cười xuề xòa: “Việc làm của tôi rất nhỏ, chẳng thấm vào đâu so với những tấm lòng hảo tâm khác trong xã hội. Tôi chỉ mong ngày càng bớt đi những cảnh đời bất hạnh, đói rách”.

Bên cạnh khu chợ cho người nghèo, hàng tháng ông Năm Hấp vẫn âm thầm làm từ thiện để ủng hộ người gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn và bất cứ trường hợp nào ông biết được. Ngoài ra, ông tự nhận về mình phần trách nhiệm hỗ trợ chi phí mai táng cho người không may qua đời mà gia đình túng quẫn. Hàng năm, ông Năm Hấp lại thuê 3 chiếc xe chở những người nghèo làm từ thiện trong tổ đình Tây Thạnh đi du lịch miễn phí.

Lão nông chia sẻ, muốn tìm thấy cuộc sống an yên, thanh thản nên không chú tâm đến mục đích kinh tế. Theo lời ông, bao nhiêu năm qua hàng chục cá nhân, doanh nghiệp hỏi thuê lại mặt bằng chợ “ông Năm Hấp” làm ăn. Hiện tại có người đưa ra mức giá gần 100 triệu đồng thuê lại nhưng vẫn bị ông Năm Hấp cự tuyệt.

Nhắc chuyện này ông Năm Hấp chia sẻ: “8 năm khu chợ tồn tại, anh chị em buôn bán xem tôi là ân nhân, tôi không thể vì tiền mà phụ bạc lòng tin từ họ. Tôi sẽ tiếp tục duy trì khu chợ đến thời điểm lâu nhất có thể. Việc làm đó giờ các con tôi cũng ủng hộ vì chúng đã ổn định cơ nghiệp. Bản thân tôi chỉ mong người buôn bán trong khu chợ, bà con, công nhân ngụ trên địa bàn được hưởng lợi thực sự do khu chợ mang lại. Niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi chỉ có vậy”.