Hành động sớm để giảm nhẹ rủi ro do thiên tai

Đặng Thu Hằng
Sáng 25/1 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Đối tác giảm nhẹ rủi ro thiên tai tổ chức hội thảo “Vai trò của các tổ chức phi Chính phủ quốc tế và khu vực tư nhân trong việc tăng cường hành động sớm ứng phó thiên tai ở Việt Nam”.
thu-truong-nguyen-hoang-hiep-dong-bo-cac-giai-phap-trong-hanh-dong-som-truoc-thien-tai-17061600075141711126097-1706251127.jpg
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ về một trong các định hướng nổi bật trong công tác phòng, chống thiên tai của Việt Nam và thế giới. Đó là "Hành động sớm trong phòng, chống thiên tai" thông qua giới thiệu Tuyên bố Hạ Long về Tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai với 3 trụ cột chính gồm: cải thiện thông tin về rủi ro thiên tai, hệ thống dự báo và cảnh báo sớm; tăng cường lập kế hoạch triển khai các hành động sớm và chủ động bố trí về tài chính.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phó trưởng ban Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định, "hành động sớm để tăng cường khả năng chống chịu" là chủ đề được Liên Hợp Quốc phát động và định hướng xuyên suốt trong những năm qua nhằm nâng cao nhận thức của các quốc gia về cảnh báo, dự báo và chuẩn bị ứng phó trước thiên tai. Các chính sách, Chiến lược của Liên Hợp Quốc đã và đang được Việt Nam hưởng ứng và tích cực triển khai trong nhiều hoạt động, trên nhiều lĩnh vực ở cả Trung ương và địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: "Chúng ta cần có giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện theo đúng "3 trụ cột" của Hành động sớm. Về thông tin, quan trọng nhất là cảnh báo, dự báo phải làm thế nào để càng ngày càng chính xác hơn. Làm thế nào để những thông tin cảnh báo đến được với đối tượng tác động, thậm chí còn quan trọng hơn cả cảnh báo đúng vì nếu chỉ cảnh báo đúng mà không truyền tải kịp thông tin đến đối tượng dễ bị tổn thương thì cũng không thể giảm nhẹ thiệt hại của thiên tai"

Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam, Đồng Chủ tịch Đối tác chia sẻ, trong bối cảnh, thiên tai ngày một tăng về cường độ và tần suất, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu, viết lên câu chuyện kiên cường ứng phó với thiên tai. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang đòi hỏi sự quan tâm thích đáng cũng như sự hợp tác. Điều quan trọng là các hành động và chiến lược chúng ta theo đuổi cần phù hợp với bối cảnh trong tương lai.

Bà Pauline Tamesis cho rằng: "Hành động sớm và các hoạt động phòng ngừa có thể giảm nhẹ tác động của thiên tai. Như trường hợp của Bangladesh vào năm 2020, hành động sớm trong ứng phó với lũ lụt đã giúp giảm thiểu thiệt hại. Chung tay hành động sớm trên quy mô lớn có thể làm được và hiệu quả trước thiên tai, giúp người dân được hỗ trợ sớm, nhanh hơn với chi phí giảm một nửa so với giai đoạn ứng phó".

Bà Nguyễn Hiền Thi, Quản lý cấp cao chương trình Giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu, Tổ chức CRS cho rằng, cần có hướng dẫn chung cho các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân khi tham gia các hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai. "Chúng tôi mong muốn Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) sẽ là đơn vị đầu mối tập hợp các chuyên gia cũng như các nguồn tài chính từ các tổ chức để đưa ra hướng dẫn chung. Qua đó, các tổ chức có thể là áp dụng tài liệu hóa và hoàn thiện để nhân rộng tới các tỉnh, thành phố của Việt Nam", bà Nguyễn Hiền Thi nhấn mạnh.

Tuyên bố Hạ Long về tăng cường hành động sớm trong quản lý thiên tai trong khu vực ASEAN là sáng kiến của Việt Nam và đã được các nước thành viên ASEAN cùng đồng thuận thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11 diễn ra tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh. Tuyên bố Hạ Long nhằm nhấn mạnh định hướng mới trong quản lý thiên tai, chuyển từ ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa, chủ động chuẩn bị để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai thông qua "hành động sớm". Trong đó, 3 trụ cột chính gồm: Cải thiện thông tin về rủi ro thiên tai, hệ thống dự báo và cảnh báo sớm; tăng cường lập kế hoạch, vận hành và thực hiện các hành động sớm trong phòng ngừa và ứng phó thiên tai; thúc đẩy nguồn tài chính được bố trí sẵn nhằm thực hiện thành công các hành động sớm trong quản lý thiên tai./.

TH