Hành động ứng phó thiên tai, thảm họa cho động vật đồng hành ở Việt Nam

Đặng Thu Hằng
Sáng ngày 08/1, Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng phối hợp với Tổ chức Humane Society International tổ chức Hội nghị khởi động dự án và lập kế hoạch hoạt động năm 2024 thuộc dự án ‘Hành động ứng phó thiên tai, thảm họa cho động vật đồng hành ở Việt Nam’ do Tổ chức Humane Society International tài trợ với tổng số vốn là 70.000 USD thực hiện trong thời gian 3 năm.

Đến tham dự Hội nghị có sự tham gia của đại diện Sở phát triển Nông thôn và Nông nghiệp thành phố, Đại diện lãnh đạo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai Đà Nẵng, Đại diện Chi cục thú y thành phố Đà Nẵng, Giám đốc Tổ chức Humane Society International tại Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ thành phố và 7 quận huyện cùng 20 xã/phường triển khai dự án.

Công tác phòng chống thiên tai và cứu trợ của Việt Nam ngày càng triển khai theo quy trình chuẩn hóa và giảm thiểu đáng kể thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân. Tuy vậy chưa có ghi nhận chính thức nào về hoạt động phòng ngừa thảm họa ở Việt Nam dành cho động vật đồng hành. Động vật đồng hành gần gũi với con người và xứng đáng được đối xử nhân đạo, nhất là trong bối cảnh thiên tai, thảm họa và dịch bệnh. Đây là xu thế tất yếu vì một xã hội phát triển mà Việt Nam đang hướng tới.

toan-canh-hoi-nghi-khoi-dong-du-an-1704702096.jpg
Toàn cảnh hội nghị khởi động Dự án.

Nhìn chung, các hoạt động nhân đạo vì động vật vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các bên. Các tổ chức hỗ trợ các hoạt động về thiên tai, thảm họa … thời gian qua đã chú trọng cứu trợ, viện trợ nhân đạo cho người dân và sinh kế của họ “trước”, “trong” và “sau” thiên tai, các hỗ trợ cho vật nuôi đồng hành gần như chưa được quan tâm triển khai.

Trên thực tế, việc người dân liều lĩnh quay lại khu vực ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa để mang theo vật nuôi đồng hành bị bỏ quên đã xảy ra, đôi khi gây nguy hiểm tới tính mạng của chủ vật nuôi khi cố gắng tìm kiếm và cứu hộ vật nuôi của mình. Việc mất đi những vật nuôi này trong thiên tai, thảm họa cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của những thành viên trong gia đình.

Để giúp tăng cường tính chủ động trong công tác ứng phó và giảm thiểu tác động của thiên tai, thảm họa, Dự án sẽ hỗ trợ, lồng ghép yếu tố bảo vệ vật nuôi đồng hành trong quy trình sơ tán, điểm chăm sóc an toàn cũng như chuẩn bị thức ăn, nước uống, hỗ trợ y tế và kết nối với gia đình chăm sóc cho những vật nuôi này.

Vì vậy, Dự án đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt theo Quyết định số 2334/QĐ-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2023 nhằm nâng cao nhận thức nhân văn về hành động ứng phó cho động vật đồng hành và tổ chức cứu trợ trước, trong và sau thiên tai phù hợp với bối cảnh của thành phố Đà Nẵng và phù hợp với tầm nhìn và nguyên tắc của Tổ chức Humane Society International.

Đây là một tổ chức phi chính phủ quốc tế, hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi động vật và có các văn phòng được thành lập tại hơn 25 quốc gia. Hoạt động cứu hộ động vật đồng hành khi thiên tai như động đất, núi lửa, bão lụt… là lĩnh vực hoạt động đầu tiên khi tổ chức tiền thân của HSI là Humane Society United State (HSUS) được thành lập tại Mỹ cách đây gần 70 năm.

1-1704702185.jpg
Đoàn khảo sát hộ dân có động vật đồng hành tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được triển khai mục đích của dự án là nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hoạt động phúc lợi đối với động vật đồng hành (chó và mèo) trong bối cảnh thiên tai, thảm họa, hướng tới bảo vệ động vật đồng hành khi thiên tai, thảm họa xảy ra tại Việt Nam thông qua các hoạt động cụ thể sẽ được triển khai 3 năm tại thành phố Đà Nẵng: Lồng ghép nội dung đánh giá thiệt hại và nhu cầu của đồng vật đồng hành vào Quy trình đánh giá thiệt hại và nhu cầu khi thiên tai, thảm họa xảy ra; thiết lập quy trình hỗ trợ, chăm sóc và tìm kiếm thân nhân (hoặc gia đình mới) cho động vật đồng hành trước, trong và sau khi thiên tai, thảm họa xảy ra; nâng cao năng lực cho đội ngũ phòng chống thiên tài cấp xã, huyện và tỉnh/ thành về bảo vệ vật nuôi trong tình huống khẩn cấp như tìm kiếm những vật nuôi bị mắt kẹt hoặc bỏ quên, sơ cứu, cứu hộ vật nuôi, cứu trợ tạm thời và kết nối thông tin tìm kiếm chủ nhân hoặc gia đình mới cho động vật đồng hành; Xác định điểm sơ tán an toàn cho vật nuôi khi thiên tai, thảm họa xảy ra; hỗ trợ phương tiện, thiết bị cho điểm sơ tán (chuồng trại, thức ăn, thiết bị sơ cứu,…); hỗ trợ phương tiện, thiết bị bảo hộ cho đội hỗ trợ tìm kiếm, sơ tán và chăm sóc động vật đồng hành; thử nghiệm mô hình bảo vệ động vật đồng hành trước, trong và sau thiên tai và lồng ghép và quy trình ứng phó thiên tai của địa phương; truyền thông, đúc kết bài học kinh nghiệm, cải thiện các hoạt động trong tương lai và thúc đẩy mở rộng phạm vi triển khai trên toàn quốc.

Được biết, trước đó, ngày 07/1/2024, Ban điều hành dự án tại Đà Nẵng đã cùng Tổ chức HIS đã tổ chức khảo sát thực địa tại địa phương nhằm đánh giá tình hình động vật đồng hành và thăm mô hình sơ tán khi có thiên tai, thảm họa xảy ra tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang và phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.

Nhật Yến