Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cứu trợ người dân vùng bị ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn

Đặng Thu Hằng
Thời gian qua, hạn, mặn đến sớm và kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long gây tổn hại, khó khăn trước mắt và lâu dài.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ 350 triệu đồng để Hội Chữ thập đỏ các tỉnh mua nước sạch và can nhựa dung tích 20 lít đựng nước để hỗ trợ các gia đình nghèo, cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt.

Trong đó, hỗ trợ tỉnh Cà Mau 100 triệu đồng, tỉnh Long An 100 triệu đồng, tỉnh Tiền Giang 100 triệu đồng, tỉnh Bến Tre 50 triệu đồng.

440399378-837421755095111-5517144188701469448-n-1714301961.jpg
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cứu trợ người dân vùng chịu ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn

Thời gian qua, hạn, mặn đến sớm và kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gây tổn hại, khó khăn trước mắt và lâu dài.

Theo cơ quan khí tượng nhận định, từ đầu năm 2024 đến nay, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và năm 2023. Trong tháng 2 – 3/2024, tại khu vực này đã diễn ra 3 đợt xâm nhập mặn tăng cao gây ảnh hưởng đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Cục Thủy lợi lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là nguồn nước thượng lưu về Đồng bằng sông Cửu Long tháng 4/2024 ở mức thấp, kết hợp với nắng nóng kéo dài, lượng nước bốc hơi cao. Các địa phương đồng loạt xuống giống vụ hè thu làm mực nước nội đồng giảm nhanh.

Bên cạnh đó, công trình phân ranh nguồn nước nội vùng chưa hoàn thiện, nước mặn từ Biển Đông qua hệ thống thủy lợi Quản Lộ - Phụng Hiệp phục vụ nuôi trồng thủy sản cho tỉnh Bạc Liêu đã làm gia tăng độ mặn nguồn nước của hệ thống Cái Lớn - Cái Bé.

Theo thống kê, đến nay Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1.580 ha lúa (Sóc Trăng 1.530 ha, Bến Tre 50 ha), 4.640 ha chanh và cây ăn trái khác tại Long An có nguy cơ giảm năng suất. 43 ha lúa tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng. Khoảng 73.900 hộ (2,1% số hộ dân nông thôn) bị thiếu nước sinh hoạt tập trung tại bảy tỉnh Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau, thấp hơn so với năm 2019-2020 (96.000 hộ).

004-1714301961.jpg
Xe chở nước sạch hỗ trợ người dân vùng hạn mặn.

Nguồn nước cạn kiệt đã gây sụt lún đất, sạt lở ven kênh, rạch, đường giao thông kết hợp ven bờ kênh tại các vùng ngọt hóa ở Cà Mau, Kiên Giang. Tổng cộng đã có 901 điểm sụt lún, sạt lở đất với tổng chiều dài 23,4 km (Cà Mau 601 điểm, dài 15,9 km; Kiên Giang 310 điểm, dài 7,5 km).

Dự báo, ở vùng các cửa sông Cửu Long, từ tháng 5 xâm nhập mặn giảm, không còn ảnh hưởng đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp từ đầu tháng 6. Ở vùng sông Vàm Cỏ, xâm nhập mặn có xu thế tăng, khả năng đạt đỉnh cao nhất vào ngày 23-27/4 hoặc 6-10/5 và duy trì ở mức cao đến hết tháng 5. Từ cuối tháng 6, hạn mặn giảm nhanh.

TH