Trà Vinh: Chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Nguyễn Diệp Linh
Do tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến thất thường làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống người dân. Vì vậy, việc chủ động thực hiện tốt các phương án phòng, chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) có ý nghĩa quan trọng, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tổ tuần tra Hải đội Biên phòng 2, Bộ đội Biên phòng Trà Vinh tổ chức tuần tra, kiểm soát trên vùng biển Duyên Hải. Ảnh: SARÂY

Theo dự báo, mùa mưa năm 2023 đến sớm hơn trung bình nhiều năm, bắt đầu vào khoảng cuối tháng 4. Thời kỳ chuyển mùa từ giữa tháng 5, đây là giai đoạn có thể xảy ra mưa lớn cục bộ, dông, lốc, sét, sạt lở xuất hiện nhiều với cường độ mạnh. Dự báo năm 2023, sẽ có từ 11 - 13 cơn bão trên Biển Đông, trong đó, có 05 - 07 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Bão hoạt động nhiều hơn trên Biển Đông từ tháng 8 - 10/2023 và giảm dần từ tháng 11. Đồng thời, những tháng đầu năm, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật trên các vùng miền. Cả nước xảy ra 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó, có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê.

Trà Vinh có bờ biển dài 65km, thuộc khu vực tiếp giáp của 02 vùng biển Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ; có 05 đơn vị hành chính cấp huyện giáp biển, có 06 xã, thị trấn được công nhận là xã đảo, hàng năm đều bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu.

Theo đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Trà Vinh, năm 2023, để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh tích cực thông tin tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến (nhất là bão, mưa lớn, triều cường, sạt lở) bằng nhiều hình thức, bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phối hợp cùng các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai. Phương án đảm bảo yêu cầu về nội dung phù hợp với Sổ tay hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT và TKCN. Trong đó, xây dựng phương án cụ thể với từng loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn tỉnh ứng với từng cấp độ rủi ro thiên tai khu vực trọng điểm, phương án di dời, sơ tán dân. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ cấp tỉnh đến cơ sở. Nâng cao chất lượng và năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy.

Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng cho cán bộ phụ trách để thực hiện tốt, kịp thời và hiệu quả công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Đẩy mạnh công tác huấn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng thực hành cho bộ đội trong PCTT, TKCN. Phát huy hiệu quả các công trình phòng, chống thiên tai;

Xây dựng và triển khai, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia PCTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Chủ động PCTT, xây dựng cộng đồng an toàn” giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, xác định công tác TKCN, khắc phục hậu quả thiên tai là những tình huống tai nạn nguy cấp, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân, thời gian diễn ra nhanh, tính chất phức tạp, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh thường xuyên quán triệt, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời, hiệu quả. Phát huy tốt phương châm 04 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 giờ, nắm chắc tình hình mọi mặt, báo cáo tham mưu đề xuất triển khai các biện pháp ứng phó kịp thời và xử lý hiệu quả.

Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, khả năng chỉ đạo, điều hành, hiệp đồng và khả năng cơ động ứng phó TKCN của các lực lượng có liên quan. Thường xuyên tổ chức luyện tập, diễn tập nâng cao trình độ chuyên môn của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiêm nhiệm; tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ TKCN, góp phần nâng cao khả năng điều hành TKCN trên địa bàn. Tổ chức duy trì thông suốt 02 đài canh của đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ ứng phó, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Năm 2022, triều cường đã làm sụp lún kè bảo vệ bờ biển xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải; nước biển dâng cao cuốn trôi dãy rừng phi lao xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải dài khoảng 200m, sâu vào bờ 10m. Sạt lở đất do dòng chảy, sụt lún (kè, bờ biển, bờ sông, bờ bao, bờ kênh, đường đal nông thôn) ở các huyện Duyên Hải, Tiểu Cần, Càng Long, Cầu Kè và thị xã Duyên Hải. Thiệt hại do mưa làm hư hỏng gần 100ha lúa, màu, mưa nhiều làm vỡ kết cấu đất gây sạt lở 64m đường nông thôn huyện Châu Thành.

Trên địa bàn khu vực biên giới biển của tỉnh, xảy ra 23 vụ thiên tai, tai nạn. Hậu quả làm chết 12 người; sập, hư hỏng 13 căn nhà. Xảy ra 05 vụ tại nạn trên biển, trong đó, có 01 vụ chìm tàu nghiêm trọng trên vùng biển thuộc thị xã Duyên Hải, vụ tai nạn làm 03 thuyền viên bị trôi dạt trên biển, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã tổ chức cứu hộ, cứu nạn, kịp thời đưa 03 thuyền viên vào bờ an toàn. Ước tính tổng thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2022 hơn 10,7 tỷ đồng.

Đồng thời, thực hiện tốt công tác triển khai các biện pháp ứng phó với 01 cơn bão (bão số 02) và 01 đợt áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông. Các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã sử dụng hệ thống thông tin liên lạc kêu gọi, thông báo cho trên 2.500 lượt phương tiện đang hoạt động trên biển biết sự ảnh hưởng và hướng di chuyển của bão, áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng, tránh an toàn. Thông báo cho hàng trăm lượt phương tiện hoạt động trên vùng biển của tỉnh nắm tình hình, tăng cường quan sát, phát hiện, sẵn sàng tham gia cứu nạn khi được yêu cầu. Song song đó, duy trì tốt 02 điểm bắn pháo hiệu và 02 đài canh TKCN thường xuyên duy trì liên lạc với ngư dân để thực hiện tốt nhiệm vụ TKCN trên biển.

Tin rằng, với sự chủ động trong công tác PCTT và TKCN, năm 2023, các địa phương sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, ổn định đời sống, sản xuất, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

SƠN TUYỀN