Quận Hoàng Mai, Hà Nội: Chuẩn bị 5.000 người và 36 đầu phương tiện phòng, chống thiên tai

Nguyễn Diệp Linh
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT, TKCN) quận Hoàng Mai vừa tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023. Chủ tịch UBND quận Nguyễn Minh Tâm đã tham dự hội nghị.

Lễ Tổng kết phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 triển khai kế hoạch năm 2023. Ảnh: ATLễ Tổng kết phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 triển khai kế hoạch năm 2023. Ảnh: AT

Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 14/4/2023 của UBND Thành phố Hà Nội, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN quận Hoàng Mai đã tiến hành tổng kết phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022 triển khai kế hoạch năm 2023.

Quận Hoàng Mai là địa bàn có hơn 8,4 km đê, 10 điếm canh, 1 kè, 2 cống và 2 trọng điểm đê xung yếu, có tới 14.000 nhân khẩu sinh sống ngoài đê sông Hồng, tiềm ẩn những nguy hiểm nếu không làm tốt công tác PCTT, TKCN. Năm 2022, quận Hoàng Mai đã chuẩn bị chu đáo phương án PCTT, TKCN nên không có thiệt hại về người, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. Diễn tập PCTT, TKCN của Hoàng Mai được Bộ NN & PTNN, Bộ Tư lệnh Thủ đô, UBND Thành phố đánh giá cao về tính linh hoạt trong hiệp đồng.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: AT.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: AT.

Nhận định tình hình thời tiết năm 2023 sẽ có bão, áp thấp nhiệt đới, giông, lốc, sét, mưa đá ngay từ cuối tháng 6, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN quận Hoàng Mai đã xây dựng kế hoạch từ sớm. Trong đó sớm phân tích, đánh giá mặt mạnh - yếu của công tác PCTT, TKCN năm 2022 để đưa ra các giải pháp tốt hơn cho công tác năm 2023.

Trưởng phòng Kinh tế Lê Thị Thu Hương, Phó trưởng Ban Chỉ huy PCTT, TKCN quận Hoàng Mai cho biết: “Quận chủ động xây dựng phương án theo phương châm “4 tại chỗ”, theo sát với tình hình, điều chỉnh, bổ sung phương án sát theo thực tế, phát hiện xử lý sự cố ngay từ giờ đầu”.

Đối với công tác PCTT, Ban Chỉ huy PCTT, TKCN quận do đích thân Chủ tịch UBND quận Nguyễn Minh Tâm đứng đầu đã xây dựng 3 phương án: Phương án phòng, chống bão lũ; Phương án phòng, chống úng ngập; Phương án trong và sau khi xảy ra mưa, bão, úng ngập, thiên tai. Đối với từng phương án đều có cách xử lý khác nhau với cùng mục tiêu giảm thiểu thiệt hại thấp nhất.

Đối với công tác TKCN năm 2023, căn cứ vào tình hình địa phương, quận Hoàng Mai đã xây dựng 5 tình huống: Khi có mưa, bão, lụt, vỡ đê, kè; Khi có thảm họa cháy nổ nhà cao tầng, khu đô thị, trạm biến áp; Khi có động đất, sập đổ công trình; Khi có sự cố rò rỉ chất phóng xạ, chất độc; Khi có tai nạn tàu thuyền trên sông, đường bộ và đường sắt.

Diễn tập cứu nạn trên sông. Ảnh: AT

Diễn tập cứu nạn trên sông. Ảnh: AT

Theo đó, ngoài lực lượng tại chỗ, quận Hoàng Mai đã lên phương án có sự tham gia của lực lượng cứu nạn chuyên ngành, công an, quân đội trong đó Ban CHQS quận là cơ quan thường trực. Phòng Tài chính-Kế hoạch quận là đấu mối tổng hợp bố trí ngân sách cho nhiệm vụ PCTT, TKCN, các phòng, đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ, các tổ chức đoàn thể và lãnh đạo 14 phường là các thành viên Ban Chỉ huy PCTT, TKCN quận.

Theo kế hoạch, quận Hoàng Mai đã chuẩn bị 5.140 người, 36 đầu phương tiện chuẩn bị đối phó với tất cả tình huống xấu nhất. Ngoài 4.435 lực lượng dân quân, tự vệ tại chỗ thì 7 đơn vị quân đội như Sư đoàn 308, Sư đoàn 361, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ… cũng chuẩn bị 705 quân nhân, 16 xe tải, 3 xuồng để sẵn sàng tăng cường khi cần. Chế độ trực chỉ huy, phối hợp hành động đã được bàn bạc, thống nhất, tập trung đầu mối.

Chủ tịch UBND quận, Trưởng ban Chỉ huy PCTT và TKCN quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm khẳng định: “Với việc xây dựng kế hoạch chi tiết, trang bị phương tiện đầy đủ, tổ chức huấn luyện, diễn tập tốt, quận Hoàng Mai tin tưởng sẽ làm tốt công tác PCTT, TKCN 2023. Đây là năm quận tổ chức kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập, nên chúng tôi lại càng phải làm tốt công tác này, bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân”

Đông Hùng