"Thằng bé nó chết rồi, giờ thằng lớn cũng sắp bỏ tôi mà đi nốt !"

Tạp Chí Nhân Đạo
Đẩy xe lăn cho con lớn đi dọc hành lang, nước mắt bác lại giàn giụa khi ngang qua qua chiếc giường số 39. Đó là chỗ nằm của em Phong trước khi mất, giờ đến anh Chung run rủi thế nào lại được sắp vào nằm giường số 38 ngay bên cạnh khiến người mẹ sức tàn, lực kiệt như bác lại quằn quại trong đau đớn khi nghĩ về cả hai con.

Thân hình gầy rộc, nhỏ và đen đúa, bác Phạm Thị Hội cứ ngồi suốt ngoài hành lang bệnh viện mà khóc nức nở. Giọng run run, lẩy bẩy bác bảo: “Đưa thằng anh lên viện điều trị, tôi lại nhớ thằng em nó mất cách đây 1 năm rồi cô ạ. Hai anh em nó đều mắc bệnh máu khó đông nhưng nhà tôi nghèo quá không cho con đi điều trị thường xuyên được thành ra các con mới ra nông nỗi này”.

Đi chăm con trai lớn ở viện, bác Hội luôn bị ám ảnh bởi chiếc giường bệnh nơi mà con trai thứ đã nằm điều trị trước khi chết ở đây.

Nghe tiếng mẹ khóc, ở phía xa xa, anh Trần Hữu Chung đang cố sức dùng đôi bàn tay đã biến dạng, cong queo và bé như 1 thanh củi của mình điều khiển thật nhanh chiếc xe lăn lại gần. Gương mặt rầu rĩ, anh xin mẹ đừng khóc nhưng chính đôi mắt mình cũng đã hoe đỏ từ khi nào. Đã ngoài 30 tuổi nhưng anh lại không thể đứng, không thể đi mà hoàn toàn di chuyển trên chiếc xe lăn với những cơn đau hành hạ thấu tận xương trong những ngày không được lên bệnh viện điều trị.

Mắc bệnh máu khó đông nhưng vì hoàn cảnh gia đình nghèo khó không được đi viện điều trị nên đến nay khớp của anh Chung đã teo và hỏng hết.

Anh Chung nhớ lại những năm trước khi được em trai đẩy xe lăn cho ở ngay chính hành lang bệnh viện này.

“Ở nhà có anh và em trai là bị bệnh, bố của anh thì tàn tật và cũng không được khôn ngoan, nhanh nhẹn như người ta nên mọi gánh nặng đều dồn cả lên vai của mẹ. Bình thường mẹ vẫn đi phân loại đồng nát thuê với giá 100 nghìn đồng/ngày để lo cái ăn cho cả nhà của anh. Em trai anh năm ngoái cũng lên viện điều trị nhưng bệnh nặng quá nên em ấy ra đi rồi, giờ chỉ còn anh ở đây thôi em ạ”.

Luôn cúi gằm mặt để cố giấu đi những giọt nước mắt đang chảy dài ướt hết xuống cổ, anh Chung tâm sự khi mọi kí ức về em trai lại ùa về. Và cũng ngay tại nơi đây, những năm về trước đã có lần cả hai anh cùng được đi viện, Phong còn đi lại được nên thường xuyên đẩy xe lăn cho anh Chung… Vậy mà giờ cũng đã qua giỗ đầu của em.

Bác Hội chỉ vào chiếc giường mà em Phong đã nằm trước khi mất.

Sau cái chết của Phong, bác Hội cũng thất thần không làm được gì trong 1 thời gian dài nhưng rồi những cơn đau đớn của anh Chung lại dồn dập khiến bác lần nữa phải gượng dậy để đi vay tiền cho con đến viện. Chứng kiến hoàn cảnh bi đát của gia đình bác Hội, ThS.BS. Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Trung tâm Hemophilia, Viện Huyết học Truyền máu TW có những tâm sự: “Bệnh nhân bị bệnh hemophilia là bệnh rối loạn đông máu di truyền do thiếu hụt yếu tố đông máu. Điều cốt yếu nhất của bệnh này đó là bệnh nhân phải được điều trị đầy đủ, được bổ sung yếu tố đông máu theo định kỳ. Tuy vậy với bệnh nhân Chung vì không được đi điều trị thường xuyên, đến viện khi mà thể trạng bệnh đã ở mức độ rất nặng nên khớp đã bị teo và hỏng hết. Hiện tại cuộc sống của người bệnh phải phụ thuộc hoàn toàn vào sự giúp đỡ của người nhà bởi đã không thể tự đi lại được nữa, đó là 1 cái vô cùng khó khăn đối với gia đình bệnh nhân’.

Giờ đây chỉ còn lại Chung, bác sợ một ngày con cũng bỏ đi nốt vì không có tiền cho theo chữa trị.

Hơn ai hết hiểu được căn bệnh cũng như tình hình sức khỏe của mình nên anh Chung càng thương mẹ. Nhìn dáng hao gầy, tội nghiệp của mẹ ngày nào cũng đội chiếc nón rách cóc lóc đạp xe đi làm, anh tự trách bản thân mình đã không thể làm gì khác được. Giá như có thể chết ngay được để giảm gánh nặng cho mẹ, anh bảo sẽ bình yên đón nhận nhưng liệu mẹ có thể sống khi mất đi 1 đứa con rồi, giờ lại đến đứa thứ 2?. Nhưng để có tiền điều trị tiếp tục thì gia đình cũng không biết xoay sở ở đâu ra nữa bởi bác Hội nghỉ làm, đồng nghĩa với việc cả nhà cũng đói ăn, thiếu mặc.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Bác Phạm Thị Hội (Khu thi đua 2, xã Trà Minh, huyện Kiến An, Hải Phòng)

Số ĐT: 0169.9611.784