Phòng chống, giảm nhẹ thiên tai: Từ ứng phó đến hành động sớm

Nguyễn Diệp Linh
Trong năm 2023, Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM).

Chú thích ảnh Người dân xã Minh Hóa (Quảng Bình) phải di chuyển bằng thuyền trong mưa lũ năm 2020. Ảnh (tư liệu) minh họa: Văn Tý/TTXVN

Với việc đưa ra chủ đề “Từ ứng phó đến hành động sớm và tăng cường chống chịu: ASEAN hướng đến mục tiêu lãnh đạo toàn cầu trong quản lý thiên tai”, Việt Nam sẽ đóng vai trò là cầu nối hiệu quả, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ giữa ASEAN với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Thành viên tích cực và uy tín cao

Là một thành viên tích cực, uy tín cao trong khối ASEAN, Việt Nam đã và đang thể hiện tinh thần “chủ động, tích cực và có trách nhiệm” trong hợp tác ASEAN, trong đó quản lý thiên tai là một nội dung quan trọng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối tích cực tham gia hoạt động theo Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa - Ứng phó khẩn cấp và Hiệp định thành lập Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai (Trung tâm AHA).

Năm 2022, với vai trò Phó Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai (ACDM), những đóng góp và sáng kiến của Việt Nam được Ban Thư ký ASEAN, các quốc gia thành viên ASEAN và Thái Lan (Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai năm 2022) ghi nhận và đánh giá cao.

Theo ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2023 đến nay, với vai trò là Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai, đối tác ASEAN và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai chương trình và huy động nguồn lực để thực hiện các hoạt động quản lý thảm họa và ứng phó khẩn cấp trong năm.

Từ 12 - 20/2/2023, tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai tổ chức đào tạo Đội đánh giá và ứng phó khẩn cấp thiên tai ASEAN (ASEAN - ERAT) cho các cán bộ phòng, chống thiên tai của 10 nước thành viên ASEAN. Đây là một trong những hoạt động thiết thực trong cơ chế hợp tác khu vực. Đội Đánh giá và ứng phó khẩn cấp thiên tai ASEAN được thành lập nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng và năng lực đảm bảo ứng phó nhanh, đồng bộ, thống nhất trong nội khối; đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của khu vực trong hỗ trợ các nước thành viên bị ảnh hưởng bởi thảm họa, thiên tai. Các thành viên của Đội Đánh giá và ứng phó khẩn cấp thiên tai ASEAN luôn là nòng cốt trong các hoạt động cứu trợ của khu vực. Điển hình là những hỗ trợ thiết thực của Đội trong ứng phó với bão Mocha ở Myanmar.

"Thực hiện vai trò Chủ tịch Ban Quản trị Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai, Việt Nam đã trao đổi với các quốc gia thành viên ASEAN triển khai hỗ trợ nhân đạo của ASEAN cho người dân Myanmar cũng như huy động Đội đánh giá và ứng phó khẩn cấp thiên tai ASEAN đến Myanmar để hỗ trợ cơ quan Quản lý thiên tai Myanmar trong việc ứng phó với bão Mocha vào đầu tháng 5/2023. Việt Nam huy động hàng dự trữ cứu trợ thiên tai của ASEAN để hỗ trợ người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão nhằm khắc phục hậu quả và ổn định cuộc sống", ông Phạm Đức Luận cho biết.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận, để chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống thiên tai cũng như các thành tựu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai với các nước trong khu vực, Việt Nam đã tổ chức một số cuộc hội thảo, diễn đàn chuyên môn, xây dựng chương trình tham quan thực tế cho đại diện các cơ quan phòng, chống thiên tai trong khu vực trọng điểm, cũng như các công trình phòng, chống thiên tai lớn, quan trọng tại Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai và Chủ tịch Ban Quản trị Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai năm 2023, Việt Nam đã chủ động dẫn dắt và định hướng cho hợp tác ASEAN trong quản lý thiên tai.

Bên cạnh việc chủ trì, tổ chức Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về quản lý thiên tai lần thứ 11, Hội nghị các Bên tham gia Hiệp định ASEAN về Quản lý thảm họa và Ứng phó khẩn cấp, Hội nghị cấp Bộ trưởng với các Đối tác của ASEAN (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản), các cuộc họp thường niên lần thứ 42, 43 của Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai, Việt Nam còn chủ động tham gia các hoạt động trong khu vực nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEAN và các đối tác.

Cầu nối hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia các cơ chế hợp tác về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, cam kết thực hiện có trách nhiệm các hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận hợp tác quốc tế.

“Việt Nam sẽ đóng vai trò là cầu nối hiệu quả, thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ giữa khối ASEAN với các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đối với những giải pháp mang tính chiến lược để giải quyết cùng một lúc nhiều rủi ro”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp khẳng định.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, đối với Việt Nam, để khắc phục tình trạng dễ bị tổn thương trước thiên tai, biến đổi khí hậu đòi hỏi nhiều nỗ lực và nguồn lực, bao gồm việc chuyển giao khoa học và công nghệ giữa các quốc gia.

Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cần hỗ trợ hơn nữa đối với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương để tăng cường khả năng tiếp cận với các quỹ đa phương và toàn cầu. Nguồn lực được huy động cho các chương trình và dự án cần tập trung vào tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trước các tác động ngày càng gia tăng của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Chủ động tham gia các hoạt động trong khu vực nhằm thúc đẩy hợp tác trong ASEAN và các đối tác, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, nhiều công việc cụ thể đã được Việt Nam xây dựng kế hoạch như: Hướng dẫn các đơn vị liên quan (cứu hộ cứu nạn, y tế, các địa phương) tham gia diễn tập khu vực ASEAN về ứng phó khẩn cấp tại Indonesia từ 31/7 - 4/8/2023; phối hợp Singapore, Ban Thư ký ASEAN, Trung tâm Điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong thiên tai tổ chức các sự kiện lớn nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Ủy ban ASEAN về Quản lý thiên tai vào tháng 8/2023 tại Singapore. Việt Nam tổ chức các diễn đàn, hội thảo để các quốc gia ASEAN giới thiệu về kinh nghiệm phòng, chống thiên tai, đồng thời giới thiệu về con người, tự nhiên, văn hóa và thành tựu của Việt Nam với bạn bè quốc tế vào tháng 11/2023; xây dựng “Tuyên bố Hạ Long về Hành động sớm trong quản lý thiên tai ASEAN” để tạo dấu ấn năm Chủ tịch vào tháng 10/2023 tại Quảng Ninh.

Theo ông Phạm Đức Luận, đối với hợp tác ASEAN về phòng, chống thiên tai, Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ, đối thoại, phối hợp với các nước ASEAN và cơ quan, tổ chức khác trong ứng phó với thiên tai, đặc biệt là đối với các loại hình thiên tai lớn, ảnh hưởng đến nhiều nước trong khu vực, hướng tới Tuyên bố: “Một ASEAN, Một Ứng phó chung: ASEAN cùng ứng phó với thảm họa như một thực thể thống nhất cả trong và ngoài khu vực”. Đây là Tuyên bố được Ban Thư ký ASEAN phối hợp với Bộ Nội Vụ của Ấn Độ và Văn phòng Liên hợp quốc về giảm nhẹ rủi ro thảm họa (UNISDR) ra mắt ngày 4/11/2016 tại New Delhi (Ấn Độ). Tuyên bố là một cam kết từ 10 thành viên ASEAN nhằm cung cấp ứng phó nhanh hơn, tập trung hơn với thảm họa cả trong và ngoài khu vực.

Theo đó, Việt Nam mong muốn, nguồn lực, thông tin, kinh nghiệm về phòng, chống thiên tai giữa các nước trong khu vực ASEAN ngày càng được chia sẻ. Các hoạt động hợp tác nghiên cứu về thiên tai giữa các nước thành viên ASEAN cũng như các đối tác được triển khai mạnh mẽ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về công tác này trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các hình thái thiên tai đang diễn biến phức tạp, cực đoan, khó lường cả về phạm vi và cường độ trong khu vực.

Cùng với đó, việc huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai trong khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng được quan tâm, đảm bảo đáp ứng được yêu cầu. Công tác phát triển nguồn nhân lực trong phòng, chống thiên tai được thúc đẩy, phù hợp với nhu cầu của các quốc gia thành viên ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Các chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng được quan tâm, đầu tư đúng mức trong cộng đồng các quốc gia thành viên ASEAN, đảm bảo giảm thiểu rủi ro thiên tai, đặc biệt đối với các đối tượng dễ bị tổn thương.

Theo báo Tin tức