Mẹ chết, bố tâm thần, hai đứa trẻ sống trong đói khát

Tạp Chí Nhân Đạo
Lần nào nhìn tấm di ảnh mẹ hai chị em cũng khóc rồi lại ngậm ngùi ngồi viết từng trang nhật kí nhớ thương. Mẹ mất rồi chẳng còn ai trò chuyện, chẳng còn ai che chở, vỗ về sớm tối bởi người bố của em bị mắc chứng bệnh tâm thần đã lâu chẳng biết điều gì cả.

Hoàn cảnh đáng thương đó là của hai chị em cô bé Nguyễn Thị Dung (lớp 3) và Nguyễn Hoàng Hiệp (lớp 2) tại xóm 10, xã Hợp Lí, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Nằm sâu trong 1 con ngõ nhỏ, ngôi nhà của 3 bố con tuềnh toàng đến đáng thương khi nó trống huơ, trống hoác với độc bộ bàn ghế tạm bợ người ta cho và 2 chiếc giường cũ kĩ. Trên bàn thờ phía cao là tấm di ảnh của người mẹ trẻ đã mất vì căn bệnh ung thư phổi gần 1 năm qua như một điều ám ảnh trong đôi mắt trẻ thơ của hai đứa bé.

Mẹ chết, bố tâm thần, hai đứa trẻ sống trong đói khát

Mẹ các em bị ung thư phổi đã chết cách đây gần 1 năm.

Mẹ chết, bố tâm thần, hai đứa trẻ sống trong đói khát

Gương mặt ngây thơ của cô bé Dung sớm đã buồn vì nhớ mẹ.

“Mẹ con chết rồi cô ạ. Mẹ con không về với chúng con nữa đâu, chúng con nhớ mẹ lắm”. Cô bé Dung chợt òa khóc khi ngước nhìn ảnh mẹ rồi lại đứng nép mình sau cánh cửa vừa như xấu hổ, vừa lại tủi thân. Thấy chị khóc, cậu bé Hiệp nước mắt cũng nhạt nhòa, em mếu máo: “Con cũng nhớ mẹ, con chỉ thích ở với mẹ thôi”.

Mẹ chết, bố tâm thần, hai đứa trẻ sống trong đói khát

Gương mặt cậu bé Hiệp chùng xuống khi nhớ mẹ.

Trong kí ức của hai chị em, mẹ đẹp và hiền lắm. Mẹ cũng tần tảo sớm hôm đi làm cố kiếm cái ăn cho hai đứa đến độ căn bệnh ở mức nặng quá rồi đau ngất ra đấy thì mới đi viện. Nhớ lại những ngày tháng đó, ông nội của hai cháu là bác Nguyễn Văn Trưởng còn ngậm ngùi: “Nó siêng làm lắm, lúc nào cũng lo con đói ăn nên ra sức làm. Nó bị đau từ lúc nào không ai biết vì nó cứ cố đi làm, đến lúc bệnh quá ra rồi thì mới hay thì đã muộn. Lúc nó chết, tôi cứ nhớ là nó đã nắm chặt tay hai đứa con mà khóc rồi lịm dần đi…”

Mẹ chết, bố tâm thần, hai đứa trẻ sống trong đói khát

Bố của các em bị tâm thần phân liệt từ năm 2009.

Mẹ chết, bố tâm thần, hai đứa trẻ sống trong đói khát

Bệnh án tâm thần của bố các em.

Mẹ không còn, hai chị em Dung, Hiệp chỉ còn bố nhưng lại không thể dựa dẫm vì từ năm 2009 bố các em đã được xác định bị tâm thần phân liệt không nhận biết được điều gì cả. Khuôn mặt đờ đẫn, dại khờ, anh chỉ ngồi im không nói trong bộ quần áo xộc xệch của người ta cho. Chúng tôi thử hỏi gì anh cũng lắc, rồi anh ra sân hay đi đâu đó 1 lúc mới lại về. Nhìn bố, cô bé Dung kể chuyện: “Có hôm đêm hai chị em con còn đi tìm bố vì không biết bố đi đâu nữa. Ông nội con soi đèn pin đi trước, hai chị em con đi sau vì sợ bố ngã xuống ao sẽ chết mất cô ạ”.

Lời kể thật thà, hồn nhiên của cô bé khiến chúng tôi nhói lòng. Giá như bố các em được bình thường, các em còn có một chỗ dựa, đằng này… bố chẳng biết gì cả, chỉ ăn, ngủ rồi lên cơn là bỏ đi hay đập phá đồ đạc khiến hai chị em nhiều phen khiếp sợ. Thương hai chị em Dung, Hiệp bác Đỗ Văn Thích là bí thư xóm có tâm sự: “Nhà tôi thì ngay gần đây thôi nên cũng thường xuyên chạy tới thăm hai đứa. Bình thường chúng tôi có bơ gạo hay quả trứng cho thì gửi ông nội các cháu nấu cho các cháu ăn nhưng còn tiền học hành của các cháu thì đúng là nan giải vì ông không lo được. Bệnh của bố các cháu thì từ lâu rồi, chú ấy lên cơn là đập phá la hét sợ lắm nên chúng tôi cũng hết sức lo lắng cho hai cháu”.

Mẹ chết, bố tâm thần, hai đứa trẻ sống trong đói khát

Ngôi nhà đã sơ sài lại còn vá chằng, vá đụp của 3 bố con.

Mẹ chết, bố tâm thần, hai đứa trẻ sống trong đói khát

Lần nào nhớ mẹ Dung cũng viết thư cho mẹ.

Mẹ chết, bố tâm thần, hai đứa trẻ sống trong đói khát

Những dòng nhớ thương em gửi đến mẹ thân yêu.

Cùng tâm trạng với bác Thích, bác Nguyễn Đức Quân – Trưởng thôn bày tỏ sự ái ngại khi chứng kiến cảnh sống của 3 bố con và nỗi lo lắng cho quãng đời sau này của các cháu khi ở bên cạnh người bố bệnh tật như vậy. Tuy vậy nhưng bác Quân cho biết: “Cả hai đứa nó yêu bố lắm, bố thì ngẩn ngơ chả biết gì mà đứa thì xúc cho bố ăn, đứa lại lấy khăn rửa mặt, mũi cho bố. Mỗi lần đi qua nhìn cảnh ấy chúng tôi vừa thương, vừa thấy tội cho hai cháu”.

Tự ý thức được hoàn cảnh gia đình mình nên Dung, Hiệp ngoan lắm, em chẳng bao giờ đòi hỏi hay dám xin bất cứ thứ gì bởi nhà chẳng có tiền. Lâu lắm đến manh áo, tấm quần cũ rách, em cũng tự vá chằng chịt hay có ai cho gì thì mặc đấy. Cơm thì bữa no, bữa đói nhưng em chẳng dám than phiền. Em bảo giờ chỉ có 1 điều ước là bố đừng lên cơn để cứ sống bình yên bên hai chị em như này mãi vì mẹ mất rồi, em chỉ còn mỗi bố thôi.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Bác Nguyễn Văn Trưởng (xóm 10, xã Hợp Lí, huyện Lí Nhân, tỉnh Hà Nam)

Số ĐT: 0169.271.9748