Gió Ô Quý Hồ nguy hiểm xuất hiện, dễ dẫn đến nguy cơ cháy rừng ở Sapa

Đặng Thu Hằng
Gió Ô Quý Hồ - một loại gió khô ấm đặc trưng đang xuất hiện tại vùng rừng núi Sa Pa khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng tăng cao.

Thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, gió Ô Quý Hồ bắt đầu xuất hiện từ trưa 18/2 với cường độ khá mạnh. Hồi 19h ngày 18/2, nhiệt độ cao nhất tại Sa Pa lên tới 22,2 độ C, còn độ ẩm giảm xuống chỉ còn 36%.

Ngày 19/2, do chịu ảnh hưởng của không khí lạnh suy yếu, kết hợp với tác động của vùng áp thấp nóng phía Tây, nhiệt độ các khu vực trong tỉnh Lào Cai đồng loạt tăng nhanh, vùng thấp tiết trời nóng nực.

ttxvn-o-quy-ho-1902-6732jpg-1708339561.webp
Dãy Hoàng Liên Sơn khu vực đèo Ô Quý Hồ. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

Hiện, tác động của loại gió này tới địa phương vẫn có xu thế tăng cao hơn. Dự báo khả năng kéo dài tới hết ngày 23/2, do đó cảnh báo chính quyền và cơ quan chức năng cần chủ động tăng cường, ứng phó.

Phát biểu tại cuộc họp thường kì tháng 2 của chính quyền tỉnh Lào Cai, ông Lê Tân Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, bảo vệ rừng cũng là một trong số nhiệm vụ hàng đầu của ngành trong thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

“Hiện nay, tất cả các chốt, trạm, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng chúng tôi đã triển khai, rà soát. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tổ chức các đoàn vừa thăm, chúc Tết, vừa kiểm tra tình hình triển khai phương án phòng, chống cháy rừng tại các địa bàn, địa điểm trọng yếu, bao gồm cả phương án quản lý, chống xâm hại rừng”, ông Lê Tân Phong nói.

Cùng với sự xuất hiện của gió Ô Quý Hồ, không khí lạnh ảnh hưởng tới Lào Cai cũng suy yếu, kết hợp với ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng khiến nhiệt độ các địa phương trong tỉnh đồng loạt tăng, tiết trời oi bức.

Trước đó, để chủ động phòng ngừa, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã có công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng, Ủy ban Nhân dân cấp xã, chủ rừng trên địa bàn không chủ quan, lơ là trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; nghiêm túc tổ chức thực hiện nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, dụng cụ, hậu cần, sẵn sàng tổ chức ứng phó hiệu quả nếu có cháy rừng.

Khi có dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V, các cấp chính quyền phải tổ chức canh phòng, tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng ở những khu vực xung yếu, nguy cơ cháy rừng cao; cấm mọi hoạt động sử dụng lửa, đốt nương, đốt xử lý thực bì trong rừng, gần rừng và thông báo cho nhân dân biết, thực hiện để phòng ngừa nguy cơ cháy lan vào rừng.

Công điện nêu rõ, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai chỉ đạo các phòng chức năng, đơn vị trực thuộc bố trí lực lượng sẵn sàng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương trong triển khai phòng cháy, ứng phó cháy rừng khi có yêu cầu.

Công an tỉnh Lào Cai chỉ đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh tổ chức kiểm tra đột xuất công tác phòng cháy, chữa cháy rừng ở các địa bàn xung yếu khi có dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V./.

Gió thổi từ đèo Ô Quý Hồ tràn xuống trung tâm thị xã Sa Pa và các vùng lân cận nên được người dân địa phương đặt tên là gió Ô Quý Hồ. Với bản chất là ấm khô, mỗi khi xuất hiện, loại gió này đẩy cấp báo động cháy rừng tăng cao.

TH