Triều cường đạt đỉnh tại TP.HCM và Cần Thơ, nước dâng nhanh bất ngờ

Nguyễn Diệp Linh
Các phương tiện lưu thông lúng túng khi dòng nước tràn lên bất ngờ, chỉ sau gần 20 phút, mực nước tại nhiều điểm nhanh chóng dâng đến gần 40cm khiến nhiều phương tiện bị chết máy.

 

Đường Đồng Khởi, Cần Thơ ngập sâu tối 12/10. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)Đường Đồng Khởi, Cần Thơ ngập sâu tối 12/10. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Trong ngày thứ 5 của đợt triều cường đầu tháng Chín âm lịch, mực nước triều cường ở Cần Thơ đã lập đỉnh lịch sử mới với 2,27m, cao hơn báo động III là 0,27.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ, mực nước đo được trên sông Hậu vào lúc 19 giờ ngày 12/10 là 2,27m. Với mực nước này triều cường Rằm tháng Chín âm lịch năm nay đã vượt mức lịch sử năm 2019 là 0,02m.

Như vậy, với mực nước của đỉnh triều đo được tối 12/10 cao hơn mức lịch sử là 2cm và đây có thể là mức nước cao nhất trong đợt triều cường này.

Ghi nhận của phóng viên, nhiều tuyến đường trong nội đô của Cần Thơ bị ngập sâu, khiến giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống của người dân bị đảo lộn trong những ngày qua. Nhiều điểm ngập rất sâu, có nơi gần nửa mét khiến xe máy qua lại hầu hết chết máy.

Lực lượng Công an, dân quân tự vệ, Đoàn thanh niên, các lực lượng xung kích đã bố trí lực lượng để hỗ trợ người dân đẩy xe và phân luồng, điều tiết giao thông.

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ, mực nước cao nhất tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu ghi nhận tối 12/10 đã vượt mức lịch sử ghi nhận năm 2019 khiến cơ quan chuyên môn bất ngờ.

Nguyên nhân có thể do sự thay đổi về hướng gió từ biển nên bất ngờ đẩy triều cường lên cao.

Triều cường xuất hiện buổi sáng từ 7-9 giờ và buổi chiều từ 19-20 giờ. Trong những ngày tới, triều cường bắt đầu xuống nhưng vẫn ở mức cao. Vì vậy, các địa phương cần chú ý triều cường kết hợp với mưa lớn có thể gây ngập úng trên diện rộng, khu vực trũng thấp, vùng nội đô, ven sông và có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Để ứng phó với đợt triều cường cao nhất trong năm, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Cần Thơ đã chủ động tăng cường lực lượng xuống cơ sở để hỗ trợ cho các địa phương trong phòng, chống ngập đô thị và phòng, chống sạt lở đê bao, bảo vệ vườn cây ăn trái, rau màu, vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Tại các cồn trên sông Hậu (cồn Sơn, cồn Khương) trong những ngày qua xuất hiện tình trạng nước tràn bờ, rò rỉ gây sạt lở một số nơi.

Nhiều diện tích vườn cây ăn trái tại cồn Sơn bị ngập do triều cường kết hợp nước thượng nguồn đổ về. Tại các điểm đê bao xung yếu, rò rỉ nước, sạt lở được chính quyền địa phương huy động lực lượng gia cố, khắc phục sạt lở.

Triều cường dâng cao ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh, sinh hoạt của người dân. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Triều cường dâng cao ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh, sinh hoạt của người dân. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Bên cạnh đó, các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng… đã huy động lực lượng là quân đội, công an, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên, chữ thập đỏ… túc trực tại các tuyến đường ngập sâu, hỗ trợ phương tiện giao thông chết máy; tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông hạn chế ùn tắc cục bộ, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường…

Trước khi lập kỷ lục mới, đỉnh triều cao nhất từng được ghi nhận ở Cần Thơ là 2,25m, xuất hiện vào ngày 30/9/2019.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, chiều 12/10, triều cường đạt đỉnh, vượt mức báo động 3 khiến nhiều tuyến đường, hẻm, khu dân cư ở thành phố ngập sâu, giao thông di chuyển khó khăn, đặc biệt là khu vực quận 7. Nhiều người dân chật vật vượt qua các điểm ngập để về nhà trong giờ tan tầm.

Khoảng 16 giờ 30 phút, tại đường Trần Xuân Soạn (Quận 7), nước từ kênh Tẻ kết hợp với nước từ các hố ga dâng cao, tràn lên hai bênh đường và tràn cả vào nhà người dân sinh sống quanh khu vực này.

Nhiều hộ dân và các cửa hàng kinh doanh, quán ăn, quán nước đã nhanh chóng dùng bao cát, ván gỗ, bạt để che chắn trước cửa nhà, khiêng bàn ghế, vật dụng trang trí và các thiết bị điện lên khu vực cao để tránh hư hại song cũng chỉ hạn chế được phần nào nước tràn vào nhà.

Trên đường, các phương tiện lưu thông lúng túng khi dòng nước tràn lên bất ngờ. Chỉ sau gần 20 phút, mực nước tại nhiều điểm nhanh chóng dâng đến gần 40cm khiến nhiều phương tiện bị chết máy phải dắt bộ, nhiều người dân phải dựng xe lên lề đường chờ nước rút, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn.

Triều cường gây ngập các tuyến đường ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Triều cường gây ngập các tuyến đường ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Anh Phạm Minh Đăng, chủ một cơ sở kinh doanh ăn uống trên đường Trần Xuân Soạn chia sẻ, đường Trần Xuân Soạn có địa thế trũng thấp, lại nằm sát con kênh Tẻ nên thường xuyên bị ngập sâu do triều cường.

Dân cư sinh sống, buôn bán trên tuyến đường này hàng năm đều phải sống chung với nước ngập khoảng từ tháng 10- 12.

Mỗi khi triều lên, mọi sinh hoạt của người dân đều bị đảo lộn, công việc kinh doanh đình trệ, chỉ biết ngồi chờ đến khi nước rút.

Người chạy xe máy qua đoạn đường này nếu không quen rất dễ bị té ngã, nhất là phụ nữ và các em học sinh.

Mỗi khi thấy có người bị ngã, anh Đăng cùng người dân xung quanh liền nhanh chóng hỗ trợ bởi khu vực này có nhiều hố ga, miệng cống khi nước lên sẽ bị che khuất, nếu chẳng may té ngã vào sẽ rất nguy hiểm.

Trong khi đó, tại đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), nhiều tuyến hẻm nước ngập gần đến đầu gối, người dân phải mò mẫm qua từng đoạn đường nước ngập để về nhà.

Rác từ miệng cống, đường phố trôi theo dòng nước vào các khu dân cư khiến nhiều hộ gia đình phải vất vả rào chắn ngăn rác và nước bẩn tràn vào nhà.

Người dân và lực lượng dân quân cũng cùng nhau dựng nhiều cọc chắn gần nơi có miệng cống, hố ga để cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường.

Theo người dân sinh sống tại đây, tình trạng ngập nước tại khu vực này xảy ra đều đặn vào đầu tháng và cuối tháng.

Mỗi lần nước ngập, nhiều người dân không dám về hoặc không dám ra khỏi nhà vì trời về đêm không nhìn rõ đường, người dân lo ngại vật sắt nhọn dưới nước có thể làm bị thương hoặc đi trúng hố ga, miệng cống.

Đáng quan ngại nhất là trong các hẻm có nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống, các tụ điểm giải trí sử dụng các thiết bị điện, nếu không kịp di dời những thiết bị này khi ngập nước, gây chập điện thì sẽ trở thành mối nguy lớn cho người dân di chuyển trên đường.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước vùng hạ lưu sông Đồng Nai-Sài Gòn lên nhanh và ở mức cao trong 24 giờ qua.

Trong ngày 12/10, đỉnh triều đạt mức từ 1,65-1,7m tại các trạm Phú An và Nhà Bè (cao hơn báo động 3 từ 0,05 đến 0,1 m). Dự báo, mực nước triều cao trên mức báo động 2 sẽ còn duy trì đến hết ngày 13/10.

Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ khoảng 5-7 giờ và 17-19 giờ hàng ngày, mực nước triều hạ dần về đêm. Người dân vùng trũng thấp, ven sông cần chú ý an toàn khi xảy ra ngập úng, hạn chế ra đường khi triều lên nếu không thật sự cần thiết.

Nhằm ứng phó với đợt triều cường lần này, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự-Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đã đề nghị thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư như vải bạt, bao tải đất, cát… để gia cố bờ bao xung yếu, không để xảy ra tình trạng bể, tràn bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân quận 12 và các huyện Hóc Môn, Củ Chi chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị nhằm xử lý kịp thời nếu xảy ra sự cố thuộc các gói thầu của Dự án Bờ hữu ven sông Sài Gòn trên phạm vi địa bàn quản lý.

Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước đô thị Thành phố Hồ Chí Minh cũng phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức và các quận, huyện chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị xử lý vị trí bờ bao, cống kiểm soát triều; vận hành hiệu quả các cửa xả, trạm bơm để thoát nước.

Các đơn vị cũng phối hợp với Công an thành phố bố trí máy bơm nước di động để kịp thời khắc phục các điểm ngập úng do triều cường gây ra cũng nhưng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn như lắp biển cảnh báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng… nhằm tránh xảy ra tai nạn khi ngập nước./.

Theo TTXVN