Thanh Hóa sẽ nằm trong top 10 các địa phương trên cả nước về chuyển đổi số

Đặng Thu Hằng
Sáng ngày 19/10, tại Thanh Hóa, Bộ TT-TT phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số khu vực miền Trung. Sự kiện nhằm hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2023.

Tham dự sự kiện có ông Nguyễn Huy Dũng,Thứ trưởng Bộ TT-TT, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đại diện UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở TT-TT tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan đơn vị, các nhà cung ứng dịch vụ CNTT…

Theo đó, phát biểu khai mạc hội thảo, ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Thanh Hóa, cho biết tỉnh Thanh Hóa xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong giai đoạn hiện nay. Cùng với đó, Thanh Hóa đang thực hiện chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, ưu tiên lĩnh vực quản lý hành chính, cung cấp dịch vụ công, trước hết là trong lĩnh vực liên quan tới người dân, doanh nghiệp. Nội dung của chuyển đổi số lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực của chuyển đổi số.

Cũng theo ông Mai Xuân Liêm đến tháng 6/2023, 100% thôn, bản trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có điện lưới. Tỉnh cũng đã xây dựng và đưa vào hoạt động cổng dữ liệu mở, bước đầu cung cấp 195 cơ sở dữ liệu thuộc 15 lĩnh vực, phục vụ việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu tới doanh nghiệp và người dân.

anh-1-lanh-dao-bo-tt-tt-cung-lanh-dao-tinh-thanh-hoa-chung-kien-le-ky-ket-bien-ban-ghi-nho-thoa-thuan-ho-tro-cds-trong-1-so-linh-vuc-uu-tien-trong-tinh-1697718218.jpg
Lãnh đạo Bộ TT-TT cùng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hỗ trợ CĐS trong 1 số lĩnh vực ưu tiên trong tỉnh.

Cùng ngày, lãnh đạo Bộ TT-TT, tỉnh Thanh Hóa và các cơ quan, đơn vị chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi số giữa doanh nghiệp công nghệ thông tin với các đơn vị tỉnh Thanh Hóa.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa cũng đã thực hiện việc xử lý văn bản và hồ sơ công việc, gửi/nhận văn bản hoàn toàn trên môi trường điện tử ở tất cả các cấp tỉnh, huyện, xã. Cổng dịch vụ công của tỉnh và Hệ thống một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã đã có hơn 85.000 tài khoản người dân, doanh nghiệp với hơn 27.662.427 lượt truy cập.

Cổng dịch vụ công cung cấp 890 dịch vụ công trực tuyến một phần và 872 dịch vụ công trực tuyến toàn trình; đã tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.202 dịch vụ; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết trước và đúng hạn đạt 97,61%. Đã hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử với hơn 152 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP và 11.361 sản phẩm đặc trưng của các địa phương; cung cấp hơn 105.815 tem truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ trên 854.000 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán các dịch vụ thiết yếu. Ngoài ra, các giao dịch thanh toán với cơ quan chính quyền trong việc trả phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính; thanh toán viện phí, học phí; thanh toán dịch vụ điện, nước… đã trở thành phương thức thanh toán chủ đạo của người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ TT-TT, cho biết Thanh Hóa đứng thứ 15 trong 63 tỉnh, thành phố trên môi trường số và mong muốn đến năm 2026, Thanh Hóa sẽ nằm trong top 10 các địa phương trên cả nước về chuyển đổi số.

Theo ông Nguyễn Huy Dũng: "Tỉnh Thanh Hóa cũng như các địa phương miền Trung cần xác định phát triển công nghiệp ICT là cơ hội để đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn, hiệu quả cao và bền vững hơn. Lực lượng sản xuất đang có những biến đổi to lớn từ người lao động đến tư liệu sản xuất. Sự biến đổi của lực lượng sản xuất đã kéo theo sự thay đổi, cách vận hành của nền kinh tế. Nền kinh tế truyền thống đã được thay thế một cách phổ biến bằng kinh tế số".

anh-2-lanh-dao-bo-tt-tt-va-lanh-dao-tinh-thanh-hoa-nhan-nut-khai-truong-ung-dung-chuyen-doi-so-thanhhoa-s-1697718218.jpg
Lãnh đạo Bộ TT-TT và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhấn nút khai trương ứng dụng chuyển đổi số ThanhHoa-s

Trước khi diễn ra buổi hội thảo, Bộ TT-TT và UBND tỉnh Thanh Hóa đã khai mạc triển lãm các sản phẩm, giải pháp, mô hình chuyển đổi số, an toàn thông tin với sự tham gia của hơn 20 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa, với 22 gian hàng trưng bày, giới thiệu về công nghệ, sản phẩm của các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin. Cùng với đó, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã khai trương cổng dữ liệu mở (ứng dụng ThanhHoa-s) để cung cấp các thông tin hữu ích cho người dân và doanh nghiệp; đại diện các cơ quan, đơn vị tỉnh Thanh Hóa đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi số trong một số lĩnh vực với các doanh nghiệp cung ứng công nghệ chuyển đổi số.

Thông qua triển lãm, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ có cơ hội tiếp cận các giải pháp công nghệ mới, tiếp xúc với các chuyên gia về công nghệ để được tư vấn, trải nghiệm và lựa chọn phương pháp, lộ trình cũng như các giải pháp công nghệ số phù hợp nhằm nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tối ưu hoá sản xuất, mở rộng thị trường và tạo ra nhiều giá trị mới.

Ngoài ra, các ngành, lĩnh vực đã quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tỷ trọng kinh tế số trên GRDP của tỉnh đạt 8,28% (theo Báo cáo của UBQG về Chuyển đổi số tháng 8/2023).

Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số khu vực Miền Trung là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý và chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm và tạo cơ hội hợp tác, tư vấn những giải pháp, công nghệ, sản phẩm mới nhất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phát hiểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao việc UBND tỉnh Thanh Hóa đã đưa lĩnh vực công nghệ thông tin là lĩnh vực có vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để ưu tiên phát triển bên cạnh các lĩnh vực khác là công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Đồng thời ông cũng khẳng định: Hội thảo là sự kiện nằm trong hoạt động thường niên nhằm đưa các sản phẩm, giải pháp, nền tảng Make in Viet Nam xuất sắc để hỗ trợ, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số tại các địa phương nói riêng, cả nước nói chung; góp phần thực hiện chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị về thúc đẩy Chương trình Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Tại ohiên Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ thỏa thuận hỗ trợ chuyển đổi số trong một số lĩnh vực ưu tiên tại Thanh Hóa; khai trương Cổng dữ liệu mở tỉnh Thanh Hóa, App Thanh Hóa.

Thanh Huyền