Bên lề Quốc hội: Bước đột phá cho chuyển đổi số

Đặng Thu Hằng
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ sớm đi vào cuộc sống và thực tiễn hóa việc chuyển đổi số, trong đó hướng tới Chính phủ số - đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế) chia sẻ sáng 22/6, bên lề Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV khi đề cập đến việc Quốc hội thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) với đa số đại biểu biểu quyết tán thành.

Chú thích ảnh Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thị Sửu. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bày tỏ sự tin tưởng sau khi Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống, là bước đột phá cho chuyển đổi số, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh: Luật được sửa đổi lần này đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về giao dịch điện tử, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp cũng như bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và thực tiễn thực hiện trong những năm qua.

“Cơ quan soạn thảo và các ban chuyên môn đã có nhiều nỗ lực sửa đổi ở một số nội dung. Tôi tin tưởng Luật sẽ sớm đi vào cuộc sống và sẽ thực tiễn hóa việc chuyển đổi số, trong đó có phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, công dân số, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Nhân dân rất quan tâm vấn đề này vì chuyển đổi số tác động đến toàn dân”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nói.

“Khái niệm công dân số cũng như trách nhiệm của công dân số, chúng tôi luôn luôn chú tâm và rất kỳ vọng là người dân nhập cuộc thật nhanh và đồng bộ, toàn diện để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số”, đại biểu Đoàn Thừa Thiên - Huế nói thêm.

Chia sẻ về những quan tâm của doanh nghiệp, nhà đầu tư về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng thu hút đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nhấn mạnh ủng hộ việc sửa đổi Luật lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, qua đó nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên viễn thông, thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật còn có những quy định chưa phù hợp, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài lĩnh vực viễn thông. Bên cạnh đó, đại biểu băn khoăn nhiều về một số quy định “chưa rõ ràng, chặt chẽ, rạch ròi” giữa hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ viễn thông với hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động quản lý, điều hành, cũng như dự thảo Luật còn chưa làm rõ chế tài giữa các chủ thể hoạt động.

“Tôi cho rằng cần có sự đánh giá, hoạch định lại đối với sự điều chỉnh về điện toán đám mây- một trong ba hạ tầng, dữ liệu quan trọng của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này. Điện toán đám mây càng rộng càng tốt nhưng cần có cơ chế quản lý chặt chẽ, phải gắn cơ chế quản lý với sử dụng”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu nêu rõ.

Theo đại biểu, các chế tài, quy định trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cần phải thật chặt chẽ. “Chuyển đổi số ý nghĩa phải mang tính thực chất toàn cầu. Chúng ta không thể đặt Luật ra ngoài các mối quan hệ, các hiệp ước quốc tế, các thông lệ quốc tế và những điều ước đã được ký kết giữa Việt Nam với các quốc gia khác”, đại biểu Nguyễn Thị Sửu chia sẻ.