Phát huy hiệu quả công tác dân vận trong hoạt động nhân đạo, từ thiện

Đặng Thu Hằng
Công tác nhân đạo, từ thiện là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng; là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cấp ủy Đảng, của cán bộ, đảng viên cũng như của toàn dân và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện đầy ý nghĩa đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giữ một vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Những chương trình, phong trào, cuộc vận động, mô hình do Hội Chữ thập đỏ phát động thực sự đang ngày ngày tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động nhân đạo, từ thiện.
tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-du-ngay-hoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-voi-nhan-dan-thon-thuong-dien-xa-vinh-quang-huyen-vinh-bao-thanh-pho-hai-phong-ngay-15112017-anh-tri-dung-1701078295.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với Nhân dân thôn Thượng Điện, xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, ngày 15.11.2017 Ảnh: Trí Dũng

93 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng

Cách đây 93 năm, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, từ ngày 14 - 31/10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất đã thông qua Luận Cương chính trị, Điều lệ Đảng, Án nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng. Nghị quyết đã ghi rõ trong các Đảng bộ phải tổ chức các ban chuyên môn về các giới vận động, như: Công nhân vận động; Nông dân vận động; Cộng sản thanh niên vận động; Quân đội vận động; Mặt trận phản đế. Từ đó, ghi dấu ngày ra đời công tác dân vận của Đảng. Năm 1999, Bộ Chính trị quyết định lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và chọn ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định đối với thành bại của cách mạng. Tư tưởng đó được Người thể hiện sinh động trong tác phẩm “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949, với bút danh X.Y.Z. Với 612 chữ, nội dung bài báo được xem là "Cương lĩnh" của công tác dân vận, đề cập, lý giải những vấn đề cơ bản về công tác dân vận của Đảng. Người viết “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”.

Như vậy, tinh thần chủ đạo của dân vận chính là “vận động tất cả lực lượng” để tạo “lực lượng toàn dân”, tạo nên sức mạnh tập thể, từ đó cùng nhau thực hiện những “công việc nên làm”, những công việc mà “đoàn thể và Chính phủ đã giao cho”, bởi “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Trải qua 93 năm ra đời, phát triển, trưởng thành, công tác dân vận ngày càng có ý nghĩa chiến lược với sự nghiệp cách mạng của Đảng; làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, lý giải thấu đáo, kiên trì thuyết phục để nhân dân hiểu đúng tình hình đất nước và thế giới, những tác động tới nước ta; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân. Công tác dân vận là công tác cơ bản và hết sức quan trọng của Đảng, là nhân tố quan trọng không ngừng củng cố và bồi đắp mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

“Dân vận khéo” trong công tác nhân đạo, từ thiện

Công tác nhân đạo là bộ phận quan trọng trong công tác dân vận, là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền phát huy, lan tỏa truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nêu rõ, nhân đạo, từ thiện là một nét đẹp, truyền thống quý báu của Dân tộc ta, được trao truyền từ đời này qua đời khác, thể hiện tình yêu thương, sự quý trọng và bảo vệ con người; là sự trợ giúp đầy tình người về vật chất, tinh thần, sức khỏe, trí tuệ,... cho những người gặp nạn hoặc kém may mắn trong xã hội; là chỉ số, thước đo của văn minh và sự tiến bộ xã hội. Giá trị của nhân đạo là giá trị về đạo đức của con người, về sự yêu thương, quý trọng và bảo vệ con người, giá trị của sự cảm thông, chia sẻ, nâng niu, trân trọng, đề cao phẩm giá con người: “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”... Trong thời đại Hồ Chí Minh, giá trị nhân đạo ấy càng được nhân lên mạnh mẽ ở một tầm cao mới; và Bác Hồ - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc, là một tấm gương mẫu mực. Trong kho tàng di sản tư tưởng phong phú và đồ sộ của Người, tư tưởng nhân đạo luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là kim chỉ nam cho mọi sự suy nghĩ và hành động của chúng ta. Bác thường căn dặn: “Việc gì có lợi cho Dân thì phải hết sức làm; việc gì có hại cho Dân thì phải hết sức tránh”.

Trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện đầy ý nghĩa đó, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giữ một vai trò, vị trí hết sức quan trọng. Những chương trình, phong trào, cuộc vận động, mô hình do Hội Chữ thập đỏ phát động thực sự đang ngày ngày tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân đối với hoạt động nhân đạo, từ thiện.

chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-tham-dong-vien-nhung-nguoi-tham-gia-hien-mau-nhan-dao-anh-ttxvn-1701078284.jpeg
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm, động viên những người tham gia hiến máu nhân đạo. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 26/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận số 44 ngày 14/11/2022 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 43 ngày 8/6/2010 của Ban Bí thư khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới. Nổi bật trong các nội dung của Kế hoạch là tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về công tác nhân đạo và vai trò của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong tình hình mới. Tuyên truyền các giá trị nhân đạo, tư tưởng nhân đạo Hồ Chí Minh; thực hiện Phong trào "Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái", "Tết Nhân ái”, “Tháng Nhân đạo" và các phong trào, cuộc vận động nhân đạo khác; nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt trong hoạt động nhân đạo gắn với phong trào thi đua "Dân vận khéo”.

Thời gian qua, Các cấp Hội Chữ thập đỏ từ Trung ương đến cơ sở đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, chăm lo, trợ giúp những người hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Năm 2022, công tác xã hội nhân đạo của toàn Hội đạt hơn 3.729 tỷ đồng, trợ giúp cho 9.086.512 lượt đối tượng. Phong trào “Tết Nhân ái” xuân Quý Mão 2023, toàn hệ thống Hội đã vận động nguồn lực được 1.175.545 tỷ đồng (bao gồm tiền mặt và hiện vật quy thành tiền), hỗ trợ 2.619.927 lượt người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Tháng Nhân đạo 2023 với chủ đề "Từ trái tim mỗi chúng ta - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái", gắn với phong trào "Người tốt, việc thiện - chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái", các cấp Hội Chữ thập đỏ trợ giúp được 1.160.276 lượt người. Tổng giá trị vận động nguồn lực và tổ chức hoạt động của toàn Hội trong Tháng Nhân đạo đạt gần 836 tỷ đồng.

Trong thời gian tới, các cấp Hội Chữ thập đỏ sẽ tiếp tục nâng cao các hoạt động nhân đạo, lan toả các giá trị nhân văn trong cộng đồng, tham gia phòng ngừa, ứng phó thiên tai, vận động hiến máu, hiến mô tạng, chăm sóc sức khỏe nhân dân để Hội Chữ thập đỏ thực hiện tốt vai trò là nòng cốt, là cầu nối gắn kết và điều phối trong hoạt động nhân đạo.

Thu Trang