Làng nghề miến dong lớn nhất xứ Thanh hối hả ngày cận Tết

Nguyễn Hồng Hạnh
Xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa là nơi có nghề sản xuất miến dong lớn nhất Thanh Hóa, hàng năm đưa ra thị trường gần 500 tấn hàng. Những ngày cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, do nhu cầu tiêu thụ tăng cao, các hộ làm miến đang huy động toàn bộ nhân lực, chạy đua với thời gian để gấp rút cho ra những sản phẩm chất lượng nhất.

Chú thích ảnh Tráng bột làm miến tại xã Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Những ngày này tại Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất miến dong Đồi Ao, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, hàng chục công nhân làm không hết việc. Những mẻ miến phơi khô được nắng đều được nhanh chóng đóng gói, dán nhãn để kịp giao cho khách.

Chị Bùi Thị Yên, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy cho biết, hai tháng nay, chị và những thành viên của Hợp tác xã đều phải thức khuya dậy sớm nhưng cũng không đủ đơn phục vụ nhu cầu của người dân. "Cách đây một tuần, chúng tôi còn hàng chục tấn miến trong kho, nhưng đến nay đã giao hết cho khách. Hiện nhu cầu của người dân vẫn tăng cao, nên chỉ còn vài ngày nữa là Tết nhưng chúng tôi vẫn tranh thủ tăng tốc sản xuất", chị Yên cho biết thêm.

Chú thích ảnh Sản xuất miến dong tại xã Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Ông Phạm Ngọc Quyết, Giám đốc hợp tác xã miến dong Đồi Ao chia sẻ, cuối năm 2021, sản phẩm miến dong Đồi Ao của Hợp tác xã được công nhận là sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ ngày được công nhận OCOP, sản phẩm được nhiều người biết đến do vậy sản lượng tiêu thụ cũng tăng đột biến. Đặc biệt vào dịp cao điểm áp Tết, những công nhân làm miến ở hợp tác xã thường thức dậy lao động từ sáng sớm và chỉ nghỉ khi trời đã về khuya. Đây là vụ chính cho thu nhập cao nhất trong năm nên mỗi người một công việc, ai cũng hăng say lao động sản xuất với mong muốn bán được nhiều hàng để có nguồn thu nhập chi tiêu cho Tết.

Cũng theo ông Quyết, nghề làm miến dong Cẩm Bình là nghề truyền thống, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nguyên liệu chính để sản xuất miến dong là củ dong riềng, sau khi được sơ chế, rửa sạch nhiều lần, nghiền, lắng lọc 3 - 5 lần, phơi bột dưới nắng to để hết mùi chua và bảo quản lâu dài. Khi làm miến, bột dong tiếp tục được ngâm và thau rửa lại để loại bỏ những tạp chất. Sau đó, người làm miến trộn bột sống, bột chín theo tỷ lệ thích hợp, tiếp đến sẽ là công đoạn tráng bánh, phơi bánh, cắt sợi và phơi miến trên các dàn phên bằng tre nứa dưới ánh nắng, gió tự nhiên. Để có những mẻ miến ngon, chất lượng nhất, quan trọng là mẻ bột sạch sẽ và khi phơi phải được nắng để miến không bị ẩm, mốc hoặc lên men gây chua.

Chú thích ảnh Sản phẩm miến dong Đồi Ao xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy, Thanh Hóa). Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Hiện nay, toàn xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy có 150 hộ làm miến dong; trong đó, có 50 hộ sản xuất, kinh doanh quy mô lớn. Trung bình mỗi cơ sở sản xuất được từ 20 - 25 tấn miến/năm. Hiện, các hộ làm miến đã chủ động đầu tư máy nghiền bột dong, bếp tráng điện nên năng suất cao hơn nhiều, thu nhập từ nghề làm miến dong vì thế cũng được cải thiện đáng kể.

Ông Hoàng Nam Dinh, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa cho biết, thời gian tới, huyện đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng dong để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho phát triển làng nghề miến dong truyền thống. Thời điểm giáp Tết, UBND huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị có sản phẩm OCOP nói riêng và các cơ sở sản xuất thực phẩm nói chung tập trung sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ người dân trong dịp Tết.

Miến dong Cẩm Bình là sản phẩm truyền thống của địa phương và đang dần khẳng định thương hiệu và là một trong những sản phẩm nổi bật của huyện miền núi Cẩm Thủy. Ngoài tiêu thụ nội tỉnh, hiện miến dong xã Cẩm Bình đã và đang phát triển tại các thị trường tiềm năng như Hà Nội, Nghệ An, Thái Bình, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh… Với hiệu quả kinh tế mang lại, huyện Cẩm Thủy đang quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu, đẩy mạnh sản xuất theo quy trình khép kín, qua đó góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.