Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào thoát nghèo

Nguyễn Hồng Hạnh
Để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trên địa bàn đứng chân, Binh đoàn 15 xây dựng Dự án “Phát triển kinh tế, xã hội-mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng DTTS và miền núi”, tổ chức tập huấn, trao tặng bò giống, heo giống, vật tư sản xuất, chăn nuôi, tạo sinh kế bền vững cho hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo.

Quyết tâm thoát nghèo

Chị Y Xoan ở làng Tang, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum được Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 78, Binh đoàn 15 tặng 6 con lợn giống bản địa. Gia đình chị đất rẫy ít, lại có 4 người con đang tuổi ăn học nên hầu như không có vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi, đói nghèo đeo bám quanh năm.

Vì vậy, 6 con lợn giống là nguồn vốn quý giá để gia đình chị Xoan tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. “Khi biết mình là một trong 30 hộ dân được Đoàn KT-QP 78 tặng lợn giống, tôi mừng lắm. Tôi đã thấy nhiều gia đình nuôi lợn bản địa thành công, cho thu nhập khá nhưng số vốn quá lớn nên chưa dám nghĩ đến. Hôm nay, Đoàn KT-QP 78 không chỉ tặng lợn giống mà còn cả thức ăn ban đầu, hướng dẫn xây dựng chuồng trại, chăm sóc và đi thực tế tham quan, học tập mô hình có hiệu quả ở các địa phương khác”, chị Xoan phấn khởi nói.

Đã hơn hai tháng nay, anh Puih Triu ở làng Kom I, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai bận rộn với công việc chăn nuôi bò giống sinh sản được Công ty 715, Binh đoàn 15 trao tặng. Từ việc giữ gìn vệ sinh chuồng trại, tạo nguồn thức ăn cho bò đến cách phòng, chống rét, dịch bệnh... đều rất mới mẻ với anh Puih Triu nhưng được cán bộ của Công ty 715 hướng dẫn cụ thể, tỉ mỉ nên anh đã quen dần. Đây là sinh kế mới với kỳ vọng sẽ giúp gia đình anh Puih Triu thoát nghèo bền vững. “Tôi sẽ chăm sóc bò giống thật tốt và gây dựng thành đàn, tạo nguồn vốn cho gia đình”, anh Puih Triu quyết tâm.

Lãnh đạo Trung đoàn Kinh tế - Quốc phòng 710, Binh đoàn 15 trao bò giống tặng người dân huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thực hiện Dự án “Phát triển kinh tế, xã hội-mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng DTTS và miền núi”, đến nay, Binh đoàn 15 đã trao tặng 333 con bò giống sinh sản, 240 con lợn giống, tổng trị giá 7,5 tỷ đồng cho 363 hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, dự án được các đơn vị phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá chặt chẽ, sát với đặc điểm, điều kiện của địa phương và từng hộ gia đình; tổ chức sinh hoạt thôn, làng để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các nội dung, quy định của dự án, bảo đảm công khai, minh bạch, các gia đình được lựa chọn tham gia dự án đều phải đăng ký quyết tâm thoát nghèo bền vững.

Dự án trao sinh kế cho đồng bào

Đồng chí Siu Thil, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Đức Cơ, tỉnh Gia Lai khẳng định như vậy khi đến dự buổi trao bò giống sinh sản của Công ty 72, Binh đoàn 15 tặng 35 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Theo đồng chí Siu Thil, những năm qua, huyện Đức Cơ đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội. Song, đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới vẫn gặp rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Dự án “Phát triển kinh tế, xã hội-mô hình bộ đội gắn với dân bản vùng DTTS và miền núi” của Công ty 72 nói riêng và Binh đoàn 15 nói chung không chỉ trao cho đồng bào một sinh kế, một cơ hội thoát nghèo mà còn xây chắc “thế trận lòng dân” ở vùng DTTS.

Đồng chí Nguyễn Hữu Dũ, Chủ tịch UBND xã Mô Rai cũng khẳng định: “Dự án rất thiết thực và có ý nghĩa to lớn cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh của địa phương, nhất là góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã, nâng cao kỹ năng về phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, thay đổi tập quán chăn nuôi, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS; củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; yên tâm, tự tin làm giàu trên chính quê hương mình”.

Theo lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Binh đoàn 15, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo ở vùng DTTS hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum chủ yếu do thiếu nguồn vốn, sinh kế bền vững và nhận thức hạn chế, tâm lý tự ti, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Vì vậy, muốn hỗ trợ đồng bào thoát nghèo, một mặt phải tập huấn, tuyên truyền làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm và quyết tâm vươn lên thoát nghèo cho bà con, mặt khác, phải xây dựng mô hình cụ thể để đồng bào làm theo.

Trung tá Nguyễn Xuân Chung, Đoàn trưởng Đoàn KT-QP 78 chia sẻ, sau khi khảo sát kỹ đặc điểm, điều kiện của xã Mô Rai và từng hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, đơn vị thống nhất với địa phương thực hiện mô hình nuôi lợn bản địa. Giống lợn bản địa Tây Nguyên nhỏ con nhưng thịt rất ngon, được thị trường ưa chuộng, mang lại lợi nhuận cao. Đây cũng là giống lợn dễ nuôi, phù hợp với điều kiện khí hậu ở vùng biên giới và thức ăn sẵn có của đồng bào. “Tôi tin tưởng các hộ dân nếu thực hiện đúng kỹ thuật chăn nuôi đã được hướng dẫn sẽ nhanh chóng gây dựng được nguồn vốn, tạo sinh kế, thoát nghèo bền vững”, Trung tá Nguyễn Xuân Chung nhấn mạnh.

Các Công ty: 72, 74, 75, 715, 732, Bình Dương và Chi nhánh 716, Đoàn KT-QP 79, Trung đoàn KT-QP 710 (Binh đoàn 15) thực hiện dự án với mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản” theo một quy trình kỹ thuật chặt chẽ từ chọn con giống đến tập huấn, hướng dẫn đồng bào làm chuồng trại, tạo nguồn thức ăn, chăm sóc, phòng bệnh. Quá trình chăn nuôi của người dân được các công ty, đơn vị giám sát, hỗ trợ về kỹ thuật, bảo đảm cho bò giống sinh trưởng tốt.