Hiệu quả từ mô hình ngư dân đưa rác thải về bờ, bảo vệ môi trường biển

Đặng Thu Hằng
Nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngư dân xả rác thải trực tiếp ra biển, góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, tỉnh Quảng Bình đã vận động ngư dân tham gia thực hiện mô hình thu gom rác thải trên tàu rồi mang về bờ xử lý. Hiện sáng kiến này ngày càng lan rộng và nhận được sự ủng hộ của đông đảo bà con vì ý nghĩa tích cực và những hành động thiết thực hướng tới bảo vệ môi trường biển.

Quảng Bình được xem là tỉnh có nhiều lợi thế về biển với chiều dài bờ biển hơn 112 km. Hiện, tỉnh Quảng Bình có hơn 3.600 tàu đánh bắt hải sản; trong đó có gần 1.200 tàu dài từ 15 m trở lên chuyên đánh bắt xa bờ. Vì vậy, việc hỗ trợ, khuyến khích ngư dân vươn khơi bám biển, đánh bắt thủy hải sản làm giàu cho cuộc sống luôn được lãnh đạo tỉnh Quảng Bình quan tâm, đẩy mạnh.

Càng ý nghĩa hơn khi tỉnh Quảng Bình đã vận động ngư dân tham gia thực hiện mô hình thu gom rác thải trên tàu rồi mang về bờ xử lý nhằm góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và giữ gìn đa dạng sinh học biển.

Đặc biệt trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Tổ chức Quốc tề về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tài trợ, từ tháng 9/2022, Trung tâm nghiên cứu phát triển Kinh tế và Môi trường bền vững (SEEDS) đã triển khai hoạt động “Nâng cao nhận thức cho cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa, thu gom rác vào bờ và bảo vệ môi trường xã Bảo Ninh, Quang Phú và phường Hải Thành (TP Đồng Hới).

Ô nhiễm rác thải nhựa thực sự là vấn nạn, thách thức lớn của hầu hết các quốc gia có biển trong đó có Việt Nam. Sự bùng phát của rác thải biển là quá trình được tích lũy lâu dài, tràn lan theo sự tiện lợi của hoạt động sống con người “nhanh, gọn, nhẹ”. Không khó để bắt gặp những hình ảnh xấu xí khi người dân vô tư đổ rác xuống sông, xuống biển. Chính vì vậy, công tác truyên truyền cho ngư dân ven biển và các chủ tàu khai thác hải sản nhận thức được tác hại của rác thải nhựa ảnh hưởng đến vi sinh vật đại dương và làm ô nhiễm tài nguyên biển là vô cùng cấp thiết và quan trọng.

11-1703956601.jpeg
Rác thải tràn vào bờ gây ô nhiễm và mất mỹ quan.

Theo người dân và chính quyền xã Bảo Ninh, với 45% người dân làm nghề đi biển, thời gian của người dân xã Bảo Ninh phần lớn ở trên biển nên rất ít được tham gia các cuộc truyền thông về môi trường, xử lý rác thải do địa phương tổ chức. Toàn xã có khoảng 207 tàu thuyền đánh bắt thủy sản. Hiện, chưa có cơ quan, tổ chức nào thống kê hoặc biết được lượng rác thải của tàu cá trong cả nước xả xuống biển bao nhiêu, tuy nhiên đội tàu thuyền đánh cá xa bờ với gần 1.200 chiếc của tỉnh Quảng Bình thì số rác thải trên trong cả năm có thể lên cả trăm tấn.

Cũng theo thông tin từ nhiều chủ tàu thuyền, mỗi tháng tàu thuyền ra khơi một lần, thông thường một chuyến đi biển ngư dân phải mang đi khoảng 5 thùng mì tôm, 2 thùng nước ngọt, 1 thùng bò húc, 2 thùng nước yến, túi nilon đựng thức ăn khoảng 30 cái, 1 thùng bánh kẹo khoảng 10 gói, 1 thùng sữa, muối, mì chính và nhiều vật dụng đựng/bao gói bằng nilon. Bởi vậy, toàn bộ rác thải nhựa sau sử dụng nếu không có biện pháp thu gom, khả năng tất cả đều đổ xuống biển, gây ô nhiễm cho sinh vật biển và hệ sinh thái biển.

Mô hình vận động ngư dân mang rác thải nhựa về bờ đã tác động trực tiếp đến 300 người hưởng lợi trong đó gồm có các chủ tàu, thuyền đánh bắt thủy sản, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân xã Bảo Ninh thông qua các cuộc tập huấn nâng cao nhận thức, tập huấn kỹ thuật đan túi lưới từ lưới cũ (hỏng), ký cam kết, gắn bảng nội quy và thực hành thu gom rác thải từ biển vào bờ của 100 tàu, thuyền.

2-1703956680.jpg
Ngư dân đan lưới mới để thu gom rác thải nhựa sau mỗi chuyến đi biển. 

Mặc dù mới được triển khai nhưng dự án đã thực sự đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, dự án tổ chức được 3 khóa tập huấn kỹ năng truyền thông về rác thải nhựa cho thành viên nòng cốt, cán bộ cơ sở của 3 xã, phường với 75 người tham gia; 2 khóa tập huấn kỹ thuật đan túi lưới cho 40 học viên tại xã Quang Phú và phường Hải Thành; 300 tàu, thuyền tham gia ký cam kết và gắn bảng nội quy thu gom rác thải từ biển vào bờ; hỗ trợ 700 túi lưới cho 400 tàu, thuyền đi biển thực hiện thu gom rác thải theo hình thức các chủ tàu, thuyền đóng góp lưới tận dụng lưới hỏng và dự án hỗ trợ chi phí ngày công đan túi lưới; hỗ trợ 10 thùng rác loại 240 lít được đặt tại các bến tàu, thuyền, cảng cá thuận tiện thu gom rác thải từ các tàu, thuyền.

Bên cạnh đó nhờ công tác tuyên truyền, vận động mà đông đảo bà con ngư dân trong đó có 400 tàu thuyền tham gia cam kết thu gom rác từ biển vào bờ; nhận thức của ngư dân được nâng cao và tham gia nhiệt tình, tự giác chấp hành các cam kết. Hơn nữachính quyền địa phương đã vào cuộc trong công tác tuyên truyền, gắn bảng nội quy, xây dựng cam kết đưa rác thải vào bờ; thu gom được hơn 10 tấn rác thải, trong đó hơn 6 tấn rác tái chế, gần 4 tấn các loại rác thải khác...

1-1703956681.jpg
Túi đựng rác được ngư dân gắn sau đuôi tàu

Đặc biệt, ngay từ những ngày đầu triển khai mô hình đã tổ chức các buổi truyền thông đến chị em phụ nữ và các chủ tàu thuyền ở địa phương. Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bảo Ninh thông tin, trong những năm qua Hội đã tập huấn, truyên truyền và hướng dẫn các chủ tàu cá ký vận động cam kết thực hiện chương trình đưa rác thải vào bờ. Từ nguồn rác thải đó, được tập hợp và quy đổi ra tiền gây quỹ tình thương giúp trẻ mồ côi và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đặc biêt. Qua hoạt động thiết thực đưa rác vào bờ này nhằm nâng cao ý thức của ngư dân, góp phần giảm thiểu rác thải vứt bừa bãi trên vùng biển.

Chia sẻ về việc mô hình đã mang lại lợi ích trong việc bảo vệ môi trường cho người dân vùng biển, anh Hoàng Quốc Tiến - ngư dân xã Bảo Ninh cho biết: "Trung bình nếu khai thác ở vùng biển xa phải mất nửa tháng mới cập bờ nên anh em ngư dân sau khi được nghe tuyên truyền, thì đã nhắc nhở nhau sau khi sử dụng và có rác thải không vứt ra biển mà phải thu gom, để gọn mang về đất nước, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường biển. Nhờ vậy mà bãi biển được sạch sẽ an toàn hơn hẳn. Đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa nhằm bảo vệ môi trường, hay quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe cho chính người dân vùng biển".

Quốc Đăng