Giáo dục thế hệ trẻ nhận thức đúng về rác thải nhựa

Đặng Thu Hằng
Để giảm thiểu tình trạng rác thải nhựa, một trong những giải pháp khả thi nhất chính là giáo dục cho học sinh – những thế hệ, mầm non tương lai của đất nước về môi trường và hiểu biết đúng về tác hại của rác thải nhựa. Việc này sẽ góp phần nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến trong hành vi của bộ phận thanh thiếu niên, thế hệ tương lai của đất nước. Đặc biệt là khi tình trạng nhiều trường học hiện nay vẫn còn xuất hiện nhiều những ống hút nhựa, hộp xốp đựng thức ăn dùng một lần, đồ uống đóng chai, kẹo cao su, túi nilon,…

Nhựa là một chất liệu rất tiện dụng, dễ thao tác, giá thành rẻ do vậy các sản phẩm từ nhựa xuất hiện trong cuộc sống của con người và khó có thể biến mất hoàn toàn. Đó cũng là lý do vì sao “rác thải nhựa” trở thành một từ khoá rất nóng không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, rác thải nhựa có số lượng và khối lượng vượt trội so với các loại rác khác. Phần lớn loại rác thải này sẽ thải ra khu vực biển, nơi rất dễ bị ô nhiễm nguồn nước và các sinh vật biến khác.

Hiện nay tại Việt Nam trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, trong đó có khoảng hơn 30 tỷ túi nilon, 80% số túi nilon đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Việt Nam cũng đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở top đầu, với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới. Rác thải nhựa gây ra cái chết cho nhiều sinh vật, các hóa chất phụ gia trong sản phẩm nhựa có thể tác động trực tiếp đến con người và động vật".

Để giảm thiểu tình trạng rác thải nhựa, một trong những giải pháp khả thi nhất chính là giáo dục cho học sinh – những thế hệ, mầm non tương lại của đất nước về môi trường và hiểu biết đúng về tác hại của rác thải nhựa. Việc này sẽ góp phần nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến trong hành vi của bộ phận thanh thiếu niên, thế hệ tương lai của đất nước. Đặc biệt là khi tình trạng nhiều trường học hiện nay vẫn còn xuất hiện nhiều những ống hút nhựa, hộp xốp đựng thức ăn dùng một lần, đồ uống đóng chai, kẹo cao su, túi nilon,…

giao-duc-nang-cao-nhan-thuc-cua-cac-em-hoc-sinh-noi-khong-voi-rac-thai-nhua-la-mot-viec-lam-can-thiet-va-vo-cung-quan-trong-1694589208.jpeg
Giáo dục, nâng cao nhận thức của các em học sinh nói không với rác thải nhựa là một việc làm cần thiết và vô cùng quan trọng. 

Tại Đà Nẵng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Thành đoàn Đà Nẵng, Quận đoàn Thanh Khê, Câu lạc bộ Liên Kết Trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ Môi trường - Đại học Bách Khoa Đà Nẵng cùng các đơn vị liên quan đang cố gắng tạo ra một sự thay đổi lớn, mang tính nền tảng, bắt đầu từ những công dân trẻ tuổi - đối tượng được xem có khả năng hấp thụ kiến thức và thay đổi thói quen dễ dàng hơn so với lứa tuổi khác. Bên cạnh đó, chương trình còn mong muốn tạo ra những tác động đối với những người có ảnh hưởng lớn, trực tiếp tới các em học sinh như các thầy cô giáo, những người làm công tác đoàn đội, công tác quản lý, có liên quan thường xuyên như đội ngũ nhân viên phục vụ, kinh doanh, phụ trách căng tin trong nhà trường…

Hoạt động được diễn ra trong 9 ngày (Từ ngày 2/12/2022 đến ngày 10/12/2022) tại 15 điểm trường THCS, THPT trên địa bàn quận Thanh Khê, Đà Nẵng với các nội dung: Trao tặng thùng rác tái chế, hoạt động ngoại khóa rèn luyện kỹ năng về phân loại rác cũng như bảo vệ môi trường trong trường học tới các giáo viên, tổng phụ trách đội, sau đó các bạn học sinh cùng tham gia hoạt động nhặt rác tại quanh khu vực trường học.

Hay như tại Huế, SỰ KIỆN “Ngày hội tái chế Huế 2023” do WWF và Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO) phối hợp tổ chức đã thu hút khoảng 200 học sinh, phụ huynh và giáo viên của 7 trường học trên địa bàn TP. Huế, bao gồm trường Tiểu học Phú Tân, Trường Tiểu học Phú Bình, Trường Tiểu học số 1 An Đông, Trường Tiểu học số 1 Thuận An, Trường Tiểu học số 2 Thuận An, Trường Tiểu học Vỹ Dạ và Trường THCS Trần Cao Vân.

Các em học sinh đã tham gia nhiều hoạt động như: Đổi rác lấy quà, thu gom rác tái chế, trải nghiệm tái chế nhựa, trải nghiệm làm giấy từ rơm, vẽ tranh, trải nghiệm làm hoa giấy, trải nghiệm gói bánh truyền thống từ giấy, tham gia các trò chơi về phân loại rác, giảm thiểu rác thải nhựa, biểu diễn các tiết mục văn nghệ với chủ đề về môi trường, tham quan trung tâm Thông tin Môi trường.

cac-em-hoc-sinh-hao-hung-tham-du-ngay-hoi-tai-che-hue-2023-1694589208.jpeg
Các em học sinh hào hứng tham dự “Ngày hội Tái chế Huế 2023”.

Được biết, các chương trình về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đang được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm và thúc đẩy mạnh mẽ, đồng thời Việt Nam chủ động tham gia xây dựng thỏa thuận pháp lý toàn cầu về giảm thiểu rác thải nhựa. Theo ông Tạ Anh Tuấn - Đại diện Tổ chức WWF tại Việt nAM cho biết để góp phần hạn chế tình trạng rác thải nhựa đại dương, nhiều năm qua WWF tại Việt Nam đã phối hợp cùng các cơ quan đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... triển khai một số chương trình kêu gọi người dân không sử dụng túi nilon khi đi mua sắm, phối hợp với phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường học tại các địa bàn một số tỉnh triển khai các hoạt động về rác nhựa tới giáo viên và học sinh.

Ngoài ra, Dự án đã có 9/10 địa phương đã ký cam kết tham gia chương trình Đô thị giảm nhựa và đã xây dựng các kế hoạch triển khai Kế hoạch hành động giảm rác thải nhựa tại địa phương bằng những hành động cụ thể từ giáo dục, truyền thông, đến triển khai các thực hành, quy định,… Từ đó, các địa phương khác cũng đang hướng đến xây dựng những quy định để hỗ trợ quá trình triển khai sẽ giảm thiểu được lượng rác thải nhựa thất thoát ra môi trường.

Với những kết quả rất đáng khích lệ và lạc quan trong thời gian qua, Dự án cùng với các địa phương sẽ tạo được nhiều kết quả với những dấu ấn về sự thay đổi rõ rệt tại các địa phương trực tiếp tham gia Dự án, và sẽ lan tỏa tinh thần đó đến tất cả các địa phương khác trên toàn quốc.

Huệ Anh