Bế mạc Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024

Đặng Thu Hằng
Chiều 16/3, tại TP Hồ Chí Minh, sau gần 2 ngày làm việc với 10 phiên thảo luận chuyên sâu, Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm 2024 đã bế mạc.

Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, diễn đàn đã diễn ra thành công với 1 phiên khai mạc và 10 phiên thảo luận về những vấn đề trọng yếu của báo chí Việt Nam. Thông qua những kết quả thảo luận của Diễn đàn Báo chí toàn quốc năm nay, các cơ quan báo chí có thể hiện thực hóa và mang lại những thay đổi tích cực trong báo chí Cách mạng Việt Nam.

Diễn đàn năm nay có quy mô khá lớn khi có 60 diễn giả trong nước và quốc tế tham gia, thu hút hàng ngàn người tham dự.

z5255212766889-a68f12becf368205929cc45ffcfd1f7b-9116jpg-1710616497.webp
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu tại phiên bế mạc Diễn đàn báo chí toàn quốc.

Diễn đàn cũng có rất nhiều tham luận, thảo luận tâm huyết từ các nhà báo, nhà quản lý và nhà nghiên cứu tập trung vào những vấn đề quan trọng của báo chí như: Nâng cao tính Đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí; xây dựng môi trường văn hóa báo chí; báo chí dữ liệu với chiến lược vượt trội; nâng cao nâng lực cạnh tranh của truyền hình trong thời đại AI; phát thanh năng động trong môi trường số; đầu tư ứng dụng công nghệ tại tòa soạn; mô hình hợp tác hiệu quả giữa báo chí, doanh nghiệp và đại lý quảng cáo; bảo vệ bản quyền báo chí trong kỷ nguyên số...

Theo ông Lê Quốc Minh, các tham luận, ý kiến của diễn giả và tương tác tại các phiên thảo luận đã làm sáng tỏ hơn những chủ đề và gợi mở cho các nhà báo, nhà quản lý báo chí hướng ứng dụng và giải pháp để vượt qua khó khăn, thách thức, hiệu quả hoạt động của báo chí, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ quan báo chí trong kỷ nguyên số.

Đánh giá về chất lượng các phiên thảo luận chuyên đề tại Diễn đàn báo chí toàn quốc năm nay, ông Lê Quốc Minh dành nhiều ấn tượng và cảm xúc khi chia sẻ về phiên thảo luận với chủ để "Phóng sự, phóng sự điều tra và hành trình làm điều có ích" do Nhà báo điều tra Đỗ Doãn Hoàng, Báo điện tử Dân Việt chủ trì.

Tại phiên này, các nhà báo đã đúc kết được 4 giải pháp, kiến nghị. Cụ thể, có phương hướng đào tạo phóng viên điều tra ngay từ khi học đại học; có chính sách phù hợp về điều kiện làm việc, thu nhập để khuyến khích cây bút điều tra yên tâm công tác; đưa ra cơ chế chính sách để coi người làm báo điều tra là những người thi hành công vụ.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh trong tương lai sẽ cố gắng tổ chức thường xuyên hơn, đều đặn hơn. Hy vọng các phiên thảo luận sẽ giúp những người làm báo đào xới được nhiều vấn đề cấp bách và hoạt động ngày càng hiệu quả, chuyên nghiệp hơn.

Ngoài ra, các ý kiến cũng đã thống nhất cao những vấn đề mấu chốt cơ bản đó là vai trò quan trọng của báo chí cách mạng trong tuyên truyền, phổ biến, định hướng chủ trương, đường lối của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, là cầu nối gắn bó mật thiết với nhân dân. Đối với hoạt động báo chí trong môi trường số, đại biểu cũng thống nhất chuyển đổi số là xu hướng bắt buộc. Đây cũng là cơ hội và thách thức nên các đài phát thanh, truyền hình phải có chiến lược đầu tư phát triển phù hợp.

Hội Báo toàn quốc năm 2024 với chủ đề "Báo chí Việt Nam - Tiên phong, Đổi mới vì sự nghiệp Cách mạng của Đảng và Nhân dân" lần đầu tiên được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh từ ngày 15 đến 17/3. Hội báo năm nay quy tụ hơn 600 cơ quan báo chí trung ương và địa phương, trong đó gần 300 cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước tham gia trưng bày báo chí, giới thiệu sản phẩm.

TH