Thắp sáng nghĩa tình “lá lành đùm lá rách” ở xã vùng cao A Lưới

Đặng Thu Hằng
Bước tới những bản làng tại huyện vùng cao biên giới A Lưới những ngày này, không phải người quen đường xá sẽ gặp không ít khó khăn khi đi lại. Cuối mùa mưa nhưng những con đường vẫn sình lầy, trơn trượt, quanh co, thỉnh thoảng lại gặp những nếp nhà tạm ngỡ chỉ một cơn mưa lớn cũng đủ lung lay. Tháng giáp hạt lại càng ảm đạm hơn khi cái nghèo, cái đói tiếp tục bủa vây…

Thử thách, khó khăn của huyện nghèo

Là một trong 74 huyện nghèo trong cả nước, giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, A Lưới cũng là huyện miền núi khó khăn bậc nhất của tỉnh Thừa Thiên – Huế. Tính đến cuối năm 2022, toàn huyện đang có khoảng 5.399 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 38,3% và có khoảng 4.300 nhà tạm. Thời gian qua, các cấp lãnh đạo địa phương cũng đã triển khai nhiều biện pháp xóa đói giảm nghèo, tranh thủ các nguồn lực xã hội, kêu gọi sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân để có thể xóa bớt đi những ngôi nhà tạm, đem đến những mái nhà kiên cố, nghĩa tình cho người dân.

Từ các nguồn lực của chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, đến cuối năm 2023, huyện A Lưới đã hoàn thành xây dựng và sửa chữa khoảng 2.600 nhà ở cho các hộ dân. Huyện cũng dang phấn đấu đến năm 2025 sẽ có khoảng 4.500 đến 5.000 nhà ở được xây mới và sửa chữa. Trung bình, để xây mới một ngôi nhà, sẽ được hỗ trợ khoảng 60 triệu đồng, nhà sửa chữa được hỗ trợ ở mức 30 triệu đồng.

y9-1711097168.jpg
Lãnh đạo huyện A Lưới kiểm tra việc xóa nhà tạm trên địa bàn.

Được biết, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang đặt mục tiêu đưa A Lưới thoát nghèo trước năm 2025, tập trung vào hai lĩnh vực, đó là việc làm và xóa nhà tạm, đây cũng là 2 tiêu chí khá nổi bật trong xác định tỷ lệ hộ nghèo tại A Lưới. Các chính sách giảm nghèo được triển khai kịp thời, đúng quy định; nhiều ngành, địa phương đã có cách làm hay, phù hợp với từng nhóm đối tượng; một số mô hình giảm nghèo được triển khai hiệu quả,… Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn những hạn chế. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện A Lưới vẫn còn cao; toàn huyện vẫn còn 11 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25% và còn 1.752 căn nhà tạm cần được hỗ trợ.

Theo ông Phan Ngọc Thọ – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng BCĐ giảm nghèo bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế thì A Lưới phấn đấu đến cuối năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 12,1%. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách của huyện còn thấp; đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, nguồn kinh phí hỗ trợ hộ nghèo xoá nhà tạm còn hạn chế.

Để tận dụng tối đa các nguồn lực xã hội, cuối tháng 11/2023, Ban Chỉ đạo giảm nghèo bền vững của tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng đã phát động phong trào hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm cho hộ nghèo ở huyện A Lưới.

y8-1711097167.jpg
 

“Thay mặt ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững Tỉnh, chúng tôi kêu gọi các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, đồng hành, chung tay ủng hộ kinh phí xóa nhà tạm cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện A Lưới”. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế phát biểu trong lễ phát động phong trào.

Tại lễ phát động, đã có 31 tổ chức, doanh nghiệp ủng hộ số tiền hơn 7 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm cho hộ nghèo tại địa bàn A Lưới. Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh cũng cam kết sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí, hỗ trợ hộ nghèo xóa nhà tạm, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhân rộng những nghĩa cử cao đẹp

y7-1711097167.jpg
Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ xóa nhà tạm cho người nghèo huyện A Lưới.

Mới đây nhất, công an tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã phối hợp cùng các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hỗ trợ, bàn giao cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại A Lưới 20 ngôi mới ngay trước dịp đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trước đó, cũng có nhiều đơn vị, các mạnh thường quân hưởng ứng lời kêu gọi của Ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững Tỉnh để đem đến những ngôi nhà kiên cố, nghĩa tình cho người dân địa phương A Lưới.

Gia đình anh Hồ Văn Thứ (người đồng bào dân tộc Pa Cô, ở thôn A Tia 1, xã Hồng Kim, huyện A Lưới) là một trong những hộ được nhận hỗ trợ trong năm qua không giấu nổi niềm vui, sự bùi ngùi khi so sánh quá khứ và biện tại. Trước đây, gia đình anh phải sinh sống trong căn nhà tạm chật hẹp, xuống cấp. Mỗi năm vào mùa mưa bão, cả gia đình anh luôn nơm nớp lo sợ, bất an. Mới đây, thông qua nguồn vốn hỗ trợ xây dựng nhà ở (từ chính sách tín dụng ưu đãi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1), vợ chồng anh đã vay vốn 40 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay này cộng với một số khoản vay khác nên gia đình đã xây dựng được ngôi nhà mới khang trang để xóa bỏ nhà tạm xuống cấp. Giờ thì cả gia đình có thể an cư, tiến tới lạc nghiệp, hướng tới những mục tiêu mới trong tương lai.

Còn với gia đình chị Hồ Thị Pao (xã A Ngo, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), giờ đây cũng đã thoát khỏi nỗi bất an, thấp thỏm trong ngôi nhà tạm mà mùa nắng thì nóng ngột ngạt, mùa mưa thì chỉ sợ không còn chốn dung thân. Ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố từ nguồn hỗ trợ về nhà ở của các Chương trình mục tiêu quốc gia cùng vay mượn xung quanh đã đem đến niềm vui mới cho cả gia đình. Có nhà mới, chị có động lực phấn đấu làm ăn, phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo.

Các hộ gia đình như của anh Thứ, chị Pao nằm trong số những hộ nghèo được hỗ thời gian qua. Không chỉ riêng xã Hồng Kim, A Ngo, đã có hàng nghìn hộ nghèo là đồng bào dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu ở các xã khác như Quảng Nhâm, A Roàng, Hồng Thượng, Hồng Bắc, Lâm Đớt, thị trấn A Lưới… cũng được tiếp cận các nguồn vốn, chính sách ưu đãi của Nhà nước để thực hiện xóa bỏ nhà tạm, xây dựng nhà ở kiên cố để ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.

PV