Thanh niên khuyết tật đã tận dụng nền tảng số để khởi nghiệp

Lã Thị Thúy hằng
Hiện nay một bộ phận không nhỏ thanh niên khuyết tật đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với những người bình thường khác. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung và nền kinh tế số nói riêng đã mở ra những cơ hội mới giúp họ có thể bước qua những rào cản, nắm bắt các cơ hội, phát huy năng lực. Nhiều người khuyết tật đã tận dụng nền tảng số để khởi nghiệp.

Hội thảo “Thực trạng và giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp với chuyển đổi số” diễn ra sáng ngày 24/11 tại Hà Nội, đã có ghi nhận nhiều ý kiến chất lượng, “mở đường” cho các bạn trẻ khuyết tật trên bước đường lập thân, lập nghiệp.

a9-1700815346.jpg

Các bạn thanh niên khuyết tật tiêu biểu tham dự Hội thảo.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2023, do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị tổ chức, với sự tham gia của các đại biểu và 35 thanh niên khuyết tật tiêu biểu.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu và thanh niên khuyết tật cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp; đề xuất những giải pháp, kiến nghị phù hợp, có hiệu quả để từng bước giúp các thanh niên khuyết tật khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số thuận lợi hơn; phát huy được khả năng của bản thân cống hiến cho cộng đồng, xã hội.

a11-1700815327.jpg

Thanh niên khuyết tật tiêu biểu Dương Đình Bảo chia sẻ tại Hội thảo.

Không may bị tai nạn bất ngờ, từ một người bình thường, trở thành người khuyết tật, thanh niên trẻ Dương Đình Bảo cảm giác hụt hẫng nhưng vẫn nỗ lực vươn lên. Năm 2016, Dương Đình Bảo thành lập và là Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ quảng cáo B-ONE, đào tạo nghề, việc làm cho người khuyết tật.

Bảo chia sẻ: “Sau khi bị tai nạn, việc hòa nhập với cuộc sống, xin việc rất khó khăn. Tôi mong muốn lan tỏa câu chuyện của mình để truyền tải nghị lực sống trong các bạn trẻ hoàn cảnh giống tôi”.

Còn Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Hà Nam Nguyễn Thị Xuân, với 15 năm tham gia công tác xã hội, giúp đỡ những người đồng cảnh, kiến nghị, chia sẻ rộng rãi về các chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên khuyết tật; có những hỗ trợ thực chất về công nghệ số, để người khuyết tật khởi nghiệp, hòa nhập với xã hội...

Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Việt Nam Trịnh Công Thanh cho biết, trong 35 bạn trẻ khuyết tật tiêu biểu tại đây có nhiều người đã, đang kinh doanh và tham gia vào kinh doanh trên nền tảng số ở các mảng như: Quảng cáo, in ấn, đào tạo dạy nghề cho thanh niên khuyết tật; tham gia vào sàn thương mại điện tử để bán sản phẩm của quê hương… Trong cộng đồng người khuyết tật Việt Nam có nhiều người không kém gì diễn giả khuyết tật nổi tiếng Nick Vuijic. Những tấm gương sáng ấy, cũng như kinh nghiệm mà các bạn thanh niên tiêu biểu trong chương trình “Toả sáng nghị lực Việt” chia sẻ, là kiến thức rất hữu ích cho thanh niên khuyết tật nói riêng và các bạn trẻ nói chung trên con đường lập nghiệp.

Theo bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người khuyết tật, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ nói chung và nền kinh tế số nói riêng đã mở ra những cơ hội giúp người khuyết tật khởi nghiệp. Những ngành như lập trình, thiết kế đồ họa là lĩnh vực nổi trội và được các nhà tuyển dụng săn đón. Điều đó có nghĩa người khuyết tật có trình độ, chuyên môn ở các lĩnh vực trên sẽ cơ hội việc làm khá cao…

L.H