Siêu bão Nanmadol xuyên thẳng vào Nhật Bản, gần 2 triệu dân phải sơ tán

Nguyễn Diệp Linh
Siêu bão Nanmadol đã đổ bộ vùng Kyushu, Tây Nam Nhật Bản, mang theo mưa lớn và gió mạnh. Nhà chức trách cũng đã hối thúc gần 2 triệu người dân sơ tán để phòng tránh bão.

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết, siêu bão Nanmadol tiếp tục di chuyển chậm về phía Bắc qua vùng Kyushu sau khi đổ bộ tỉnh Kagoshima và có thể di chuyển dọc theo đảo Honshu trong những ngày tới. Một số chuyến tàu và chuyến bay đã bị hủy.

JMA trước đó đưa ra cảnh báo bão đặc biệt đối với tỉnh Kagoshima vào tối 17/9. Một số khu vực của tỉnh Miyazaki lân cận ghi nhận lượng mưa hơn 400 mm trong 24 giờ tính đến chiều 18/9. JMA cho biết các vùng Shikoku, Chugoku và Kinki ở phía Tây Nhật Bản có thể hứng chịu lượng mưa lớn vào ngày 19/9.

sieu-bao-1663554475.png

Hình ảnh siêu bão Nanmadol đổ bộ vào Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Những cơn gió dữ dội đang ảnh hưởng đến gần như toàn bộ vùng Kyushu và một phần của các vùng Shikoku, Chugoku lân cận. Một cần cẩu xây dựng bị lật ở TP Kagoshima.

Hiện mưa lớn đang rơi trên diện rộng. Thị trấn Misato ở tỉnh Miyazaki ghi nhận lượng mưa hơn 900 mm kể từ ngày 17/9, nhiều hơn mức trung bình của cả tháng 9 hằng năm. JMA cảnh báo người dân đề phòng sạt lở đất, ngập lụt ở các vùng trũng thấp và các con sông bị sạt lở.

Mặc dù siêu bão Nanmadol suy yếu nhẹ lúc 3 giờ sáng 19/9 nhưng vẫn có khả năng tạo ra sức gió khoảng 250 km/giờ. Tại Yakushima, tỉnh Kagoshima, sức gió tối đa lên tới 183,24 km/giờ. Nhà chức trách cũng đã hối thúc gần 2 triệu người dân sơ tán để phòng tránh bão.

Siêu bão Nanmadol là cơn bão thứ 14 trong mùa bão năm nay nhưng là “một cơn bão nguy hiểm chưa từng thấy trước đó.”

Ngay trong sáng 18/9, gần 25.700 hộ gia đình tại tỉnh Kagoshima và tỉnh lân cận Miyazaki đã bị mất điện, trong khi nhiều chuyến tàu, chuyến bay và phà phải hoãn, hủy.

Hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản là Japan Airlines (JAL) và All Nippon Airways (ANA) đã hủy ít nhất 504 chuyến bay.

Nhật Bản hiện đang trong mùa mưa bão và mỗi năm phải đối mặt với khoảng 20 cơn bão như vậy. Năm 2019, cơn bão Hagibis đã đổ vào Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của hơn 100 người.

Trước đó 1 năm, bão Jebi đã khiến sân bay Kansai ở Osaka phải đóng cửa, khiến 14 người thiệt mạng. Cũng trong năm 2018, lũ lụt và lở đất đã cướp đi sinh mạng của hơn 200 người ở miền Tây nước này.

Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đang làm gia tăng mức độ nghiêm trọng của các cơn bão, khiến các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, lũ quét diễn ra thường xuyên hơn, với cường độ mạnh hơn.

PV