Sẵn sàng cho công tác phòng chống thiên tai, quản lý, bảo vệ đê điều năm 2023

Nguyễn Diệp Linh
Để sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai, quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức Hội nghị Tập huấn kỹ thuật.

Ngày 27/6, tại TP. Cần Thơ, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng chống thiên tai cho lực lượng chuyên trách quản lý đê điều các tỉnh, thành phố có đê năm 2023.

Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết, công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống lũ, bão nhiều năm qua, nhất là các đợt mưa lũ lớn đã cho thấy nhiệm vụ của lực lượng quản lý đê có vai trò rất quan trọng.

Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai. Ảnh: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.Ông Phạm Đức Luận - Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai. Ảnh: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai.

Theo ông Luận, năm 2022, thiên tai ở nước ta xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm với 21/22 loại hình thiên tai (trừ sóng thần) trong đó có 1.072 trận thiên tai đã được thống kê. Liên tiếp 3 cơn bão cường độ khi đổ bộ tuy không lớn, nhưng gây mưa lớn, diện rộng làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Từ đầu năm 2023 đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 1 trận áp thấp nhiệt đới, 20 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận dông lốc, sét, mưa đá; 2 đợt rét đậm, rét hại; 131 trận động đất và 200 vụ sạt lở, triều cường.

Nắng nóng lịch sử tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ vượt lịch sử (nhiệt độ đo được tại Tương Dương (Nghệ An) ngày 07/5/2023 đạt 44,2 độ cao nhất ghi nhận trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

"Các năm trước đây Hội nghị Tập huấn kỹ thuật hộ đê, phòng, chống thiên tai cho lực lượng quản lý đê chuyên trách thường được tổ chức tại khu vực Bắc Bộ hoặc Trung Bộ. Tuy nhiên, hiện nay khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cũng có hệ thống đê bao, bờ bao rất lớn với trên 45.500 km.

Nhằm mục đích tăng cường học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý đê điều, hộ đê, phòng chống thiên tai giữa các địa phương có đê và các địa phương khu vực ĐBSCL, Hội nghị năm 2023 được tổ chức tại thành phố Cần Thơ, trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long", ông Phạm Đức Luận cho hay.

Tại buổi lễ, ông Vũ Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai báo cáo công tác quản lý đê điều năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023.

Ông Thành nêu rõ công tác quản lý, đảm bảo an toàn đê điều còn nhiều thách thức như: Hệ thống đê điều tồn tại nhiều ẩn họa, bị xuống cấp; Nguy cơ xảy ra mưa, lũ lớn cực đoan; Công tác quản lý đê, hộ đê chưa được coi trọng đúng mức; Ý thức chấp hành pháp luật về đê điều của Chính quyền các cấp và người dân.

Ông Vũ Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai báo cáo công tác quản lý đê điều năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Ảnh: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai

Ông Vũ Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai báo cáo công tác quản lý đê điều năm 2022 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Ảnh: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai

Tại Hội nghị các đại biểu cùng trao đổi bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý đê, lập quy hoạch, cũng như phát hiện ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, xử lý sự cố đê trong thời gian vừa qua.

Theo VietNamNet