Khát vọng xanh: Việt Nam từng bước thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa, hướng tới sản phẩm thân thiện môi trường

Đặng Thu Hằng
Rác thải nhựa là một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Phần lớn rác thải nhựa không qua xử lý, được đốt, đổ vào các bãi chôn lấp, ra môi trường, đại dương, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần cùng nhau hành động quyết liệt, hiệu quả để góp phần giải quyết ô nhiễm chất thải nhựa theo hướng bền vững, thân thiện môi trường hơn.

Từng bước giảm thiểu rác thải nhựa

Nhựa đã trở nên phổ biến rộng rãi nhưng chưa được quản lý tốt và là chất ô nhiễm nguy hiểm trong không khí, trên đất liền và ở dưới nước. Không có chất ô nhiễm nào khác có thể so sánh về tác động trên quy mô địa lý với nhựa, từ những ngọn núi cao nhất đến tận đáy những vùng biển sâu nhất và nhựa có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế cũng như cuộc sống của con người.

Với hơn 170 hóa chất, ô nhiễm do nhựa có thể gây ra các tác động đến sức khỏe như ung thư; nhiễm độc thần kinh, các tác động đến hệ sinh sản, miễn dịch và di truyền. Chất thải nhựa trong các bãi chôn lấp thải ra các hóa chất độc hại ảnh hưởng đến cộng đồng và các hạt nhựa có thể thu hút hoặc đóng vai trò là vật chủ lan truyền vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh gây bệnh cho người.

Theo một báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), lượng rác nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Ở Việt Nam, lượng rác thải nhựa cũng ngày càng gia tăng, nếu không có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời, những tác động tiêu cực của rác thải nhựa sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

k1-1670824551.jpg
Rác thải nhựa ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người. (Ảnh: Shutterstock)

Theo Báo cáo Phân tích về Ô nhiễm Rác thải Nhựa tại Việt Nam của World Bank cho thấy chất thải nhựa là phổ biến nhất trong số các loại chất thải thu gom được ở các khu vực ven sông và ven biển, chiếm 94% về số lượng và 71% trọng lượng. Mười loại nhựa phổ biến nhất (túi nilon, hộp xốp, mảnh nhựa mềm, bao đựng thực phẩm, …) chiếm hơn 80% tổng lượng rác thải nhựa rò rỉ ra sông và biển. Hầu hết trong số này là nhựa dùng một lần.

Chính vì rác thải nhựa đang hàng ngày, hàng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Do vậy Chính phủ Việt Nam đang từng bước xây dựng các kế hoạch, đề án nhằm từng bước giảm thiểu rác thải nhựa.

Năm 2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Luật này được Chính phủ, bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các doanh nghiệp chung tay hưởng ứng.

Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam cũng đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký phê duyệt, mục tiêu đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh.

Hướng ứng nhiệt tình những kêu gọi về giảm thiểu rác thải nhựa nhiều tỉnh thành, địa phương trên cả nước đã đẩy mạnh các phong trào, hoạt động chung tay hướng tới một “khát vọng xanh”.

Tại Hải Phòng đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo, bước đầu đạt hiệu quả tốt như: chợ Cát Bà nói không với túi nilon khó phân hủy; khách sạn nói không với sản phẩm nhựa một lần; Trường học không sử dụng túi nilon khó phân hủy, không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; Mô hình “Biến rác thành tiền” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phát động từ tháng 3/2019; Mô hình “Xã đảo không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần” tại xã Việt Hải.

Tại Quảng Ngãi, mô hình Làng không rác được triển khai thí điểm tại làng Gò Cỏ (xã Phổ Thạnh) là một ngôi làng nhỏ ven biển có nhiều di tích lịch sử mang đậm dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và văn hóa Việt. Mô hình “Làng không rác” được triển khai bao gồm hoạt động phân loại rác tại nguồn (69 hộ dân của làng sẽ được trang bị mỗi hộ một bộ ba thùng rác chứa rác vô cơ, hữu cơ và tái chế để phân loại rác tại nhà; được tập huấn, giám sát trong việc phân loại rác tại nguồn). Đối với hợp phần làm phân compost (phân hữu cơ), Dự án trang bị thiết bị và giúp người dân biết cách ủ rác hữu cơ thải ra hàng ngày để thành phân hữu cơ dùng cải tạo đất, hoặc bón cho cây trồng

Hướng tới sản phẩm thân thiện môi trường

Quốc hội đã thông qua Luật thuế bảo vệ môi trường. Theo đó, túi ni lông không thân thiện với môi trường là đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, để từng bước thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi ni lông không thân thiện với môi trường.

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định: số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 về việc phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020; số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2050 và Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về tăng cường quản lý đối với phế liệu nhập khẩu, trong đó có nhựa phế liệu. Theo các văn bản nêu trên, đã đẩy mạnh, chú trọng việc sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường thay thế cho túi ni lông khó phân hủy, hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu, sản xuất và cung cấp các loại túi này.

Ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đặt ra lộ trình thay thế các nhiên liệu, sản phẩm sử dụng nguyên liệu nguy hại, sản phẩm sử dụng một lần (đồ nhựa, túi nilon) bằng các nhiên liệu, nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sử dụng nhiều lần, kéo dài thời gian sử dụng hữu ích của sản phẩm,... Việt Nam cũng sẽ tập trung truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế tuần hoàn; về trách nhiệm phân loại tại nguồn các loại rác thải để thực hiện tái chế, tái sử dụng; thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường.

k2-1670824551.jpg
Việt Nam hướng tới sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay cho các sản phẩm nhựa dùng một lần. (Ảnh: Shutterstock)

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm giải thiểu, tăng cường tái chế, tái sử dụng, ngăn chặn tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường; tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra về quản lý, xử lý chất thải; hướng dẫn thực hiện quản lý chất thải nhựa; khuyến khích cộng đồng tăng cường tái sử dụng túi ni lông, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường; phát động phong trào toàn dân tham gia chống rác thải nhựa, cùng chung tay thành lập Liên minh chống rác thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì; phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước triển khai các dự án, hoạt động chống rác thải nhựa.

Các tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các liên minh chống rác thải nhựa như Liên minh tái chế bao bì Việt Nam, có chuyển biến mạnh mẽ phương thức sản xuất và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy bằng các sản phẩm, bao bì thân thiện với môi trường trong hoạt động thường nhật của chính quyền và nhân dân. Tại các tỉnh, thành phố lớn, hầu hết các siêu thị đều đã cam kết hạn chế và tiến tới không sử dụng túi nilon từ năm 2020 theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các doanh nghiệp như Co.op mart Việt Nam, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh, siêu thị Big C Đà Nẵng, Big C Hà Nội… đã sử dụng phương pháp bọc hàng hóa, sản phẩm bằng lá chuối thay thế dần túi nilon. Các hãng Hàng không Vietjet, Bamboo đã đặt trọng tâm về kế hoạch sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trên các chuyến bay. Nhiều tổ chức, đơn vị tư nhân trên cả nước đã đứng ra vận động người dân mang đổi vỏ chai nhựa để lấy cây xanh. Nhiều cửa hàng nước giải khát không phục ống hút nhựa đi kèm, thay bằng ống hút giấy, dùng cốc sử dụng nhiều lần.

Thu Hằng