Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự đăng cai Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 11

Đặng Thu Hằng
Trong các ngày từ 20-23/11/2023, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 11 (gọi tắt là Hội nghị AP-11) với chủ đề "Châu Á - Thái Bình Dương: Sẵn sàng trước thảm hoạ". Phóng viên Tạp chí Nhân đạo đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Khải, Chánh văn phòng Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó trưởng Tiểu ban thường trực Tiểu ban Hậu cần - Vận động nguồn lực AP-11 về công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

l1-3-1698296420.jpgÔng Nguyễn Đức Khải, Chánh văn phòng TW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phó Trưởng Tiểu Ban thường trực Tiểu ban Hậu cần - Vận động nguồn lực Hội Nghị AP – 11.

PV: Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 11 năm 2023 (AP – 11) là một hội nghị quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam. Để tạo ấn tượng tốt đối với khách quốc tế, đáp ứng theo thông lệ tổ chức hội nghị của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, công tác hậu cần đã và đang được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Khải: Được sự đồng ý của Ban Bí Thư Trung ương Đảng (tại Công văn số 5488-CV/VPTW ngày 28/11/2022 của Văn phòng Trung ương) và thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ (tại Công văn số 1497/VPCP-KGVX ngày 09/3/2022 của Văn phòng Chính phủ), từ ngày 20 - 23/11/2023, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 11 (AP-11) với chủ đề “Châu Á- Thái Bình Dương: Sẵn sàng trước thảm họa”. Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức 04 năm một lần và là Hội nghị quan trọng của Phong trào trong khu vực.

Đây là lần thứ 2 Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị khu vực trong bối cảnh vị thế của Việt Nam được nâng cao, cùng với nhiều vấn đề nhân đạo đang đặt ra, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh. Hội nghị sẽ là cơ hội để giới thiệu thành tựu đất nước, con người Việt Nam, là dịp thúc đẩy các hoạt động hợp tác phát triển của Hội với các đối tác quốc tế và các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, từ đó khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam và trách nhiệm hành động của các Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực trong ứng phó biến đổi khí hậu và thảm họa.

z4798216126279-8d48d42a1e20d2f483b9a31cf9103a09-1698296167.jpgTiểu ban Hậu cần - Vận động nguồn lực họp thường kỳ để trao đổi công tác chuẩn bị cho Hội nghị. 

Tham dự Hội nghị lần này có khoảng 400 đại biểu trong nước và quốc tế. Hội nghị vinh dự đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương; các đại biểu quốc tế gồm Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ các quốc gia; các nhà tài trợ trong và ngoài nước.

Trong khuôn khổ sự kiện sẽ có các hoạt động: Diễn đàn Thanh niên Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với chủ đề “Nâng cao khả năng chống chịu: Truyền cảm hứng cho lãnh đạo thanh niên thúc đẩy sáng tạo sẵn sàng trước thảm họa” (tổ chức ngày 20/11/2023), Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 11 (tổ chức trong 03 ngày, từ ngày 21 đến 23/11/2023) và các hoạt động bên lề Hội nghị: Chương trình “Sức mạnh nhân đạo” 2023 (dự kiến tổ chức vào 19h30 ngày 22/11/2023), đại biểu trải nghiệm và thưởng thức Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” (dự kiến từ 18h00 - 21h00 ngày 23/11/2023).

Với vai trò là Hội quốc gia đăng cai, xác định rõ tầm quan trọng của Hội nghị, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã thành lập Ban Tổ chức Hội nghị với 03 Tiểu ban gồm: Tiểu ban Nội dung - Đối ngoại, Tiểu ban Truyền thông và Tiểu ban Hậu cần – Vận động nguồn lực. Trong đó Tiểu ban Hậu cần – Vận động nguồn lực có nhiệm vụ chuẩn bị các điều kiện đảm bảo kinh phí tổ chức Hội nghị và công tác truyền thông Hội nghị. Tiểu ban đã xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ cho từng nhóm (nhóm Vận động nguồn lực - Tài chính - Mua sắm, nhóm Cơ sở vật chất - Tình nguyện viên - Quà tặng, nhóm An ninh - An toàn - Lễ tân) để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc.

Chỉ còn chưa đầy 01 tháng nữa, Hội nghị sẽ chính thức diễn ra. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Hội nghị cơ bản đảm bảo tiến độ. Trong suốt quá trình chuẩn bị, Tiểu ban Hậu cần – Vận động nguồn lực thường xuyên trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Hội nghị của Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (Hiệp Hội) và các Tiểu ban Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Để đảm bảo công tác đón tiếp, phục vụ, chăm sóc đại biểu ân cần, chu đáo, trọng thị, ngay từ sớm, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai thu thập thông tin và tổng hợp toàn bộ dữ liệu đại biểu quốc tế (tên, quốc tịch, số hộ chiếu, visa, phòng khách sạn, lịch trình bay, các yêu cầu về thực phẩm, chăm sóc y tế….) để phân nhóm đại biểu, giao cán bộ và tình nguyện viên phụ trách phục vụ, hỗ trợ trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị; phối hợp với đơn vị truyền thông xây dựng ứng dụng quản lý sự kiện trên điện thoại di động nhằm cung cấp thông tin liên quan đến Hội nghị cho đại biểu, đáp ứng tiêu chí “Xanh” của Hội nghị (hạn chế sử dụng tài liệu in ấn).

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam gửi văn bản đề nghị đến Cục Xuất nhập cảnh, Bộ Công an và Cảng hàng không Việt Nam đề nghị hỗ trợ các thủ tục cấp thị thực và nhập cảnh cho đại biểu quốc tế vào Việt Nam theo làn ưu tiên riêng tại Cảng hàng không Quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài và Đà Nẵng; Gửi văn bản đến UBND thành phố Hà Nội đề nghị hỗ trợ công tác đảm bảo an ninh, an toàn và dẫn đoàn cho đại biểu khi di chuyển và tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị; Phối hợp với Cục Quân y, Bộ Quốc phòng đảm bảo công tác ứng trực cấp cứu tại các địa điểm diễn ra hoạt động của Hội nghị để xử lý các tình huống khẩn cấp, đồng thời dự kiến sẽ làm việc với hệ thống bệnh viện quốc tế để tiếp nhận, điều trị cho đại biểu quốc tế khi có tình huống bất thường; Làm việc với các đối tác để vận động hỗ trợ phương tiện đưa đón đại biểu theo tiêu chí sử dụng xe điện “xanh”, bảo vệ môi trường.

Hội đã tiến hành khảo sát, tiền trạm tất cả các địa điểm diễn ra Hội nghị, bao gồm các địa điểm diễn ra hoạt động bên lề và các hoạt động lễ tân, chiêu đãi, chào mừng, lên phương án đón tiếp cụ thể tại từng địa điểm, đảm bảo an ninh, an toàn, sức khỏe cho đại biểu, đảm bảo các điều kiện, phương tiện, cơ sở vật chất được sử dụng trong khuôn khổ các hoạt động của Hội nghị được phân bổ hợp lý và ở trạng thái tốt nhất, đặt biệt là 02 hoạt động bên lề Hội nghị là Chương trình “Sức mạnh nhân đạo” 2023 và Chương trình nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc bộ”. Với thông điệp “Vì một Việt Nam thân thiện, mến khách”, “Vì một Việt Nam xanh”, thông qua 02 Chương trình này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam mong muốn giới thiệu đến các bạn bè quốc tế những nét văn hóa đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc của đất nước, con người Việt Nam, những hoạt động đặc trưng, nổi bật của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực phòng ngừa và ứng phó thảm họa.

Để chuẩn bị lực lượng phục vụ Hội nghị diễn ra trong 04 ngày ở nhiều địa điểm khác nhau, bên cạnh đội ngũ cán bộ Trung ương Hội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyển chọn 30 tình nguyện viên ưu tú tham gia phục vụ Hội nghị và sẽ tiến hành tập huấn để thực hiện nhiệm vụ.

z4798224243599-93a773532bfe208b989e3f198a935001-1-1698296111.jpgKhảo sát tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội để chuẩn bị cho chương trình "Sức mạnh Nhân đạo" 2023. 

Để đảm bảo kinh phí tổ chức Hội nghị và các hoạt động bên lề, hoạt động truyền thông, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã sớm xây dựng kế hoạch ngân sách và tích cực vận động nguồn lực (kinh phí, quà tặng cho đại biểu), tìm kiếm các nhà tài trợ, ký kết hợp tác với các đối tác, công ty tổ chức sự kiện, truyền thông.

PV: Thưa ông, được biết, tại Hội nghị lần này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ huy động lực lượng tình nguyện viên tham gia. Xin ông cho biết, các tình nguyện viên sẽ được lựa chọn và tập huấn như thế nào để có thể tham gia hỗ trợ các hoạt động tại Hội nghị?

Ông Nguyễn Đức Khải: Với Hội nghị quy mô lớn và có tính chất quốc tế như Hội nghị AP-11, ngoài lực lượng cán bộ Trung ương Hội, việc huy động lực lượng tình nguyện viên tham gia phục vụ Hội nghị là khâu quan trọng trong công tác hậu cần. Các tình nguyện viên sẽ được phân nhóm để phục vụ, chăm sóc các đoàn đại biểu, khách mời trong nước và quốc tế, trong thời gian ở Việt Nam và tham gia các hoạt động lễ tân, đón tiếp khác.

Theo đề nghị hỗ trợ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã lựa chọn, đề cử 30 tình nguyện viên tham gia phục vụ Hội nghị AP – 11 theo tiêu chí: Có khả năng tiếng Anh giao tiếp tốt, đã tham gia và có kinh nghiệm phục vụ các đoàn đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị tại Việt Nam, có kiến thức nền về văn hóa, lịch sử Việt Nam, đã được đào tạo kỹ năng lễ tân, ngoại giao theo tiêu chuẩn quốc tế, ngoại hình tốt.

Các tình nguyện viên được lựa chọn trong danh sách hiện nay đều tốt nghiệp chuyên ngành ngoại ngữ, ngoại giao của các trường đại học/học viện uy tín như Học viện Ngoại giao, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Quốc gia, Đại học Anh quốc Việt Nam… và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí trên. Các tình nguyện viên này đã được tập huấn qua các lớp kỹ năng lễ tân, ngoại giao.

Thời gian tới đây, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tổ chức tập huấn cho lực lượng tình nguyện viên được lựa chọn các kiến thức cơ bản về Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, về Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, về Hội nghị AP-11 và các nhiệm vụ cụ thể khi tham gia phục vụ Hội nghị.

Xin cảm ơn ông!

Thu Hương