Bão số 1 mạnh cấp 11, giật cấp 14, mưa rất to

Nguyễn Diệp Linh
Dự báo, bão số 1 di chuyển nhanh, đổ bộ biên giới Việt – Trung trong trưa nay.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, lúc 4 giờ ngày 18/7, vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 109,3 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc của vịnh Bắc Bộ, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 140 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (89-117 km/giờ), giật cấp 14.

Đến 16 giờ ngày 18/7, bão số 1 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu dần. Vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 21,8 độ Vĩ Bắc; 107,1 độ Kinh Đông trên khu vực đất liền các tỉnh Đông Bắc của Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7, giật cấp 9.

dubao-8641-1689642517.jpg

Vị trí và hướng di chuyển của bão số 1. (Nguồn: nchmf.gov.vn)

 

Khoảng 4 giờ ngày 19/7, bão số 1 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km, đi sâu vào đất liền tiếp tục suy yếu và tan dần. Vị trí tâm bão số 1 ở vào khoảng 22,3 độ Vĩ Bắc; 104,9 độ Kinh Đông trên đất liền khu vực vùng núi Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 6.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 1, ngày 18/7, khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 13-14. Biển động dữ dội.

Trên đất liền, vùng ven biển khu vực từ Quảng Ninh, Hải Phòng có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; khu vực các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Bình có gió giật cấp 8. Vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 3-5 m. Vùng biển vịnh Bắc Bộ có sóng tăng dần, cao 2-4 m. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình sóng biển cao 2-3 m. Ven biển các tỉnh Quảng Ninh-Hải Phòng có nước dâng do bão từ 0,3-0,5 m. Nguy cơ ngập úng ở khu vực trũng thấp tại khu vực ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển do tác động kết hợp của triều cường, sóng lớn và nước dâng do bão vào chiều 18/7.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Thời tiết của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, một điều cần lưu ý là nguy cơ xuất hiện dông, lốc kèm gió giật mạnh trong vùng ảnh hưởng hoàn lưu bão, cả trước và trong khi bão đổ bộ. "Ngoài các vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, các khu vực xa hơn như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai và Yên Bái cũng có khả năng xảy ra dông lốc mạnh", ông Hưởng lưu ý.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, khu vực chịu ảnh hưởng mạnh nhất của bão Talim là các tỉnh Đông Bắc, trong đó Quảng Ninh - Hải Phòng chịu tác động mạnh nhất. Sau đó là Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang. Các khu vực khác của miền Bắc cũng chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão Talim với mưa lớn và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra ngập lụt cục bộ tại các khu đô thị đặc biệt ở các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Cao Bằng, Hà Giang Thái Nguyên.

Trước đó, tại cuộc họp ứng phó với bão số 1 diễn ra ngày 17/7, Phó Thủ tướng, Trưởng ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trần Lưu Quang nhấn mạnh, dù Ban Chỉ đạo và các địa phương đã có kinh nghiệm trong phòng, chống bão nhưng tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.

Phó Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo, các địa phương thực hiện tốt Công điện số 646/CĐ-TTg ngày 16/7/2023 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ứng phó với bão số 1. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và các địa phương cần chủ động, linh hoạt; phối hợp tốt và chuẩn bị chu đáo nhất trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền, cố gắng không có thiệt hại về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Thực hiện sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, tại cuộc họp bàn về công tác ứng phó với bão số 1 của Tổng cục Khí tượng thủy văn ngày 17/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao việc Tổng cục Khí tượng thủy văn chỉ đạo hệ thống dự báo tăng cường dự báo tác động hướng đến tiếp cận các địa phương thông qua việc tập hợp các khu vực được xác định có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét.

Thứ trưởng Lê Công Thành đặc biệt lưu ý cập nhật những địa điểm mới phát sinh trong thực tế ở cấp tỉnh như: các công trình xây dựng trọng điểm, đánh giá những công trình đang xây dựng có nguy cơ cao; những khu vực sông suối có khả năng gây ra điểm nghẽn dòng , lũ quét,... Hệ thống dự báo phải cập nhật bản tin cảnh báo, dự báo chi tiết hơn.Tổng cục Khí tượng thủy văn tiếp tục tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực, công nghệ, quyết tâm cao nhất để theo dõi, dự báo bão số 1, góp phần giảm thiểu thiệt hại đến tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

T/H