Âm thầm giúp... người dưng

Tạp Chí Nhân Đạo
Ảnh bìa Facebook luôn hiển thị thông tin: Phạm Tuấn Kiệt (ngụ Khóm I, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời), nhóm máu AB-, hiến máu cứu bệnh nhân 24/24 giờ, số điện thoại 0917xxx...

Hiến máu cứu người

Lấy trong túi xách quyển sổ tay chi chít những số điện thoại, Kiệt giới thiệu đây là quyển sổ ghi đầy đủ thông tin của những người sẵn sàng sẻ chia dòng máu nóng cứu người ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước mà anh đã mất rất nhiều năm để “sưu tầm”. Lật giở từng trang, tôi thực sự thán phục sự chu đáo, tỉ mỉ và cẩn trọng của Kiệt. Mỗi nhóm máu đều chia theo tỉnh, thành, có họ tên, số điện thoại rõ ràng. Ví dụ, nhóm máu O ở Hà Nội có đến vài trăm người, Kiệt còn chú thích rất rõ là O- hay O+. 

Tuấn Kiệt lý giải, máu con người được chia làm nhiều nhóm dựa theo các kháng nguyên riêng biệt trên hồng cầu. Hiện nay, khoa học phát hiện nhiều hệ nhóm máu khác nhau, nhưng hệ nhóm máu ABO và Rh(D) là cực kỳ quan trọng do có tính sinh miễn dịch cực mạnh.

Khi truyền máu khác nhóm vào, kháng thể của người nhận có thể phá huỷ máu (kháng nguyên trên hồng cầu người cho) gây tác hại cho cơ thể; do đó cần phải phân loại nhóm máu và truyền máu phù hợp theo nguyên tắc an toàn miễn dịch truyền máu. Vì thế, Tuấn Kiệt luôn cẩn trọng thu thập thông tin, để khi có sự cầu cứu, anh làm cầu nối chính xác nhất, nhanh chóng, kịp thời. Ví dụ: Nhóm máu O Rh+ có thể hiến máu cho các nhóm máu O+, A+, B+ và AB+; có thể nhận được hiến máu từ các nhóm máu O+ và O-. Nhóm máu O Rh- có thể hiến máu cho tất cả 8 nhóm máu và chỉ có thể nhận hiến máu từ nhóm máu O-.

Kiệt đã từng hối tiếc khi không kịp thời cứu một sinh mệnh. Đó là lần Facebook của chị bạn (chỉ biết nhau qua Facebook) đăng tin cầu cứu, tìm người có nhóm máu AB cấp cứu cha chị đang nguy kịch. Sài Gòn chị không quen ai. Kiệt có nhóm máu AB-. Tuy nhiên, từ Cà Mau đến Sài Gòn quá xa, cha chị ấy có đợi được không? Bản thân chị không biết ông cần nhóm máu AB- hay AB+. 

“Lúc đó tôi chưa có quyển sổ này nên hướng dẫn chị gọi cầu cứu các bệnh viện, nhất là bệnh viện huyết học, hoặc thử hỏi các bác sĩ trong bệnh viện xem có ai cấp cứu kịp thời được không. Nếu không có, tôi sẵn sàng đi xe ngay trong đêm”, Kiệt kể. Chị chạy vạy khắp nơi mới tìm được người có nhóm máu phù hợp, báo tin, anh thở phào. Kể đoạn, Kiệt trầm giọng: “Lúc tôi thấy ảnh đại diện chị màu đen, tôi biết ông ấy đã không qua khỏi. Dù chị nói rõ nguyên do là cha bệnh nặng chứ không phải do cấp cứu máu không kịp thời, nhưng lòng tôi cứ ray rứt khôn nguôi”. 

Qua lần đó, Kiệt quyết tìm ra cách nhanh nhất để khi có người cầu cứu là giúp ngay lập tức, chứ không phải chạy gõ cửa từng bệnh viện như chị ấy. “Sự tuyệt vọng khi thấy người thân đau đớn chờ máu cứu sinh mạng là nỗi ám ảnh đến tận cùng”, đôi mắt Kiệt buồn rười rượi.

Anh bắt đầu tạo lập các hội nhóm trên Facebook từ đó, như: Hội những người có nhóm máu O; nhóm AB; nhóm A; nhóm B; nhóm máu hiếm Rh-... Mới đây nhất là Câu lạc bộ Giọt hồng Đất Mũi - Ngân hàng máu nóng ABO. Đồng thời, gần 10 năm qua, Tuấn Kiệt tham gia hàng trăm hội nhóm liên quan về hiến máu cứu người. 

Tuấn Kiệt hỗ trợ “xưởng may” khẩu trang vải của chị Trần Mỹ Châu.

“Thành viên trong cả nước, họ là bác sĩ, có người vài chục lần hiến máu, người tích cực công tác vận động, người làm chủ nhiệm các chương trình... Quyển sổ tôi tích góp thông tin cũng chính từ các hội nhóm này”, Kiệt vui vẻ. Anh cho biết, để nhóm chất lượng, anh quản lý chặt chẽ thành viên khi gia nhập. Cụ thể, khi click tham gia phải khai báo 2 bước: bước 1 là thông tin cá nhân, bước 2 là mục đích gia nhập. 

Rất nhiều người đã tham gia hiến máu tình nguyện, thế nhưng theo số liệu thống kê, mỗi năm người cần máu điều trị chênh lệch nhiều lần so với người tham gia hiến máu. Nhất là vào thời điểm hè, Tết, số lượng máu cần dự phòng cực kỳ khan hiếm. Hay như lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng máu cần cấp cứu tăng gấp nhiều lần. Vì vậy, anh tự thấy mình cần nỗ lực hơn cho việc vận động, kêu gọi người tham gia hiến máu. Bản thân anh cũng đã 10 lần sẻ chia dòng máu của mình để cứu người.

“Giúp được người khác là mình vui rồi. Họ hạnh phúc, mình hạnh phúc. Nhiều người thân bệnh nhân gọi điện cho tôi hỏi phải trả ơn người mà tôi giới thiệu đến hiến máu thế nào. Tôi cười bảo: Anh/chị chạy ra căn tin mua lốc sữa bồi dưỡng sức khoẻ cho họ rồi kèm theo lời cảm ơn chân thành nhất là đủ rồi. Người sẵn sàng đến cho máu là họ chẳng cần đền ơn đâu”, Tuấn Kiệt chia sẻ.

Không chỉ có quyển sổ ghi chép, Kiệt còn có 2 chiếc điện thoại di động. Một cho công việc kinh doanh của gia đình, một để lướt Facebook. Kiệt cười: “Hễ rảnh là tôi lướt Facebook để tìm thông tin kiến thức và vận động kêu gọi hiến máu cứu người bệnh”. Kiệt tâm niệm, người bệnh trong phòng cấp cứu là người thân trong gia đình, bản thân anh là người đang kêu gọi cầu cứu. Anh cho rằng, chỉ khi nào suy nghĩ như vậy, thì việc kêu gọi tốc độ mới nhanh nhất và chất lượng tốt nhất. Vậy nên, sau khi kêu gọi và tìm được máu cho bệnh nhân cấp cứu, anh vui chung niềm vui của người nhà bệnh nhân. Ở thời điểm cấp thiết như hiện nay, khi lịch hiến máu tình nguyện khắp nơi trong cả nước bị huỷ hoặc dời lại do ảnh hưởng Covid-19, lượng máu cần khẩn cấp tăng theo cấp số nhân. Theo đó, mỗi ngày, khi lướt Facebook, Kiệt kêu gọi từ 10, có khi hơn 20 ca bệnh cần máu.

“Tôi chỉ là cầu nối. Thông qua lời cầu cứu, tôi âm thầm nhắn riêng với người đăng tin, rồi chụp lại các trang có viết số điện thoại nơi tỉnh, thành họ cần cứu và nhóm máu họ cần, để người thân tự liên hệ nói rõ tình hình. Ca nào có người giúp, họ sẽ báo để tôi ngừng kêu gọi, tránh nhiều người đến cùng lúc thì phiền họ lắm”, Kiệt xếp quyển sổ cất vào túi xách quẩy bên hông, như vật bất ly thân.

Anh minh chứng các trường hợp giúp kịp thời được lưu lại trên nhật ký: “Bữa nay (ngày 15/4) ngồi quẹt quẹt điện thoại. May mắn giúp được một bệnh nhân cần có máu O- ở tỉnh Kiên Giang. Cảm ơn bạn Sơn đã hiến giọt máu đào - trao đời sự sống nhé”. “Ngày 21/4. Bệnh nhân cần tiểu cầu nhóm máu O+ tại bệnh viện Việt Đức - Hà Nội. Tuy nhóm máu cũng không đến nỗi gọi là hiếm, nhưng trong kho máu của bệnh viện hết, không thể cấp cứu được. May mắn là cộng đồng nhóm máu ở Hà Nội rất mạnh, chưa đến 4 giờ đồng hồ đã cứu được người cần cứu”. Hay những lần đăng tin khẩn vì Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ đang thiếu tất cả các nhóm máu. Anh kêu gọi những ai đủ điều kiện và đang ở Cần Thơ, muốn hiến máu thì đến ngay bệnh viện, 24/24 giờ. 

Nhiều việc thiện tâm

“Sống là phải sống hết mình, giúp mọi người xung quanh như là ngày cuối cùng được sống. Cuộc sống muôn màu, nhìn lên thấy mình bé nhỏ, nhưng nhìn xuống thì rất rất nhiều người còn khó khăn, khốn khổ hơn mình. Vậy nên, khi còn có thể, tôi sẽ vận động mọi người có cùng suy nghĩ, cùng tấm lòng chung tay giúp những người cần giúp”, Phạm Tuấn Kiệt tâm niệm.

Tuấn Kiệt (đứng) đến thăm và hỗ trợ tiền cho bé Danh Dương (ngụ ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) điều trị bệnh xuất huyết não tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau vào tháng 2/2020.

Tôi gặp gỡ Tuấn Kiệt thông qua việc anh vận động trên Facebook hỗ trợ nhóm của chị Trần Mỹ Châu (Phường 8, TP Cà Mau) may hơn 20.000 khẩu trang vải miễn phí tặng bệnh nhân, người nghèo, học sinh… Anh còn góp sức tiếp nhận nguyên vật liệu về cho bạn bè, người thân ở Sông Đốc phụ giúp “xưởng may”. Cũng chính nguồn khẩu trang đó, anh vận động thêm gel rửa tay khô và mặt nạ chống giọt bắn gửi đến các y, bác sĩ ở các phòng khám bệnh của thị trấn. Mỗi ngày, trên Facebook cá nhân, trên các hội nhóm, anh vẫn tích cực tuyên truyền về tinh thần phòng, chống dịch Covid-19, kêu gọi mọi người tham gia hiến máu cứu người. 

Bản thân Tuấn Kiệt còn trực tiếp làm đệm đeo khẩu trang gửi tặng các bác sĩ tuyến đầu chống dịch Covid-19 để xua tan cái đau tai mỗi ngày; anh cùng các mạnh thường quân đến thăm, tặng quà tại 4 chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Chiều 29/4 vừa qua, với mục đích giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”, anh đại diện Câu lạc bộ Giọt hồng Đất Mũi - Ngân hàng máu nóng ABO phối hợp Trung Tâm Ngoại ngữ - Toán trí tuệ Khôi Việt, Khóm 10, thị trấn Sông Đốc khai trương cửa hàng 0 đồng đầu tiên của Sông Đốc, với phương châm “Thừa thì cho, thiếu thì nhận”. Anh cho biết, cửa hàng mở cửa mỗi ngày để bà con nghèo, hoàn cảnh khó khăn có thể đến lấy. Anh sẽ vận động thêm gạo, mì, nhu yếu phẩm để hỗ trợ đời sống bà con có cơm đủ no, áo đủ mặc.

“Từ trái tim sẽ đến được trái tim”, anh hạnh phúc. Vậy nên, danh bạ điện thoại của anh có lúc lên đến 40-50 số máy lạ nhờ hỗ trợ kêu gọi hiến máu cứu người. Theo đó là rất nhiều lời cảm ơn mà anh chẳng hề biết họ là ai, ở đâu. Tuấn Kiệt hy vọng mình có thật nhiều sức khoẻ để có thể hiến máu thêm nhiều lần nữa, để kêu gọi hiến máu, để làm thêm nhiều điều thiện tâm, góp thêm cho đời nhiều việc làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa.

Theo Băng Thanh / baocamau