Người dân được hưởng những quyền lợi thiết thực khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Nguyễn Thị Hương
Bảo hiểm xã hội tự nguyện là chính sách bảo hiểm không vì mục tiêu lợi nhuận, mà để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.

Khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, người dân sẽ được hưởng nhiều quyền lợi thiết thực, đặc biệt là khi hết tuổi lao động sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để chăm sóc sức khỏe; người thân được nhận chế độ tử tuất khi chẳng may người tham gia bảo hiểm xã hội qua đời.

Với những quyền lợi đó, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc đảm bảo an sinh xã hội và hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

z4967782359515-a253252207dd3c3773858b40373f76b0-1702380075.jpg
Bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.



Theo Bảo hiểm Xã hội Gia Lai, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có trên 16.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong đó, có nhiều trường hợp điển hình như ông Trương Đình Quốc (sinh năm 1960, trú tại tổ 2, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) và chị H’Hanh (sinh năm 1989, trú tại làng Mơ Nú, xã Chư Á, thành phố Pleiku).

Ông Quốc làm bảo vệ ở một trường học, năm 2018, do hoàn cảnh gia đình ông nghỉ làm và tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. 2 tháng qua, ông đã được nhận lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Dù tiền lương hưu không nhiều nhưng cũng giúp ông có thêm điều kiện trang trải cuộc sống.

“Bảo hiểm xã hội tự nguyện có nhiều mức đóng phù hợp với thu nhập của từng người. Sau này, khi về già sẽ được nhận lương hưu và hưởng các quyền lợi thiết thực khác”, ông Quốc chia sẻ.

Chị H’Hanh hiện là lao động tự do, thu nhập dù không ổn định, nhưng vẫn nỗ lực tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Trước đây, chị làm công nhân tại một công ty ở Khu Công nghiệp Trà Đa, thành phố Pleiku, sau đó chị nghỉ làm và được giải quyết các chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Theo chị H’Hanh, lúc trước do thiếu hiểu biết, nên chị đã rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Đến năm 2018, sau khi tham gia hội nghị tư vấn, đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình do Cơ quan Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai tổ chức, chị H’Hanh đã hiểu rõ hơn những lợi ích thiết thực của việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

“Tôi đã quay lại tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện từ năm 2018 đến nay. Sau khi được ngân sách nhà nước hỗ trợ, hiện tại, tôi đóng mức hơn 500.000 đồng/tháng và sẽ tham gia đầy đủ để sau này hết tuổi lao động được nhận lương hưu hàng tháng”, chị H’Hanh cho biết.

Để nâng cao tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, trọng tâm là hoàn thành chỉ tiêu năm 2023, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã phát động phong trào thi đua phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: Nhờ đẩy mạnh công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, đến nay số người tham gia bảo hiểm xã hội đã có trên 100.000 người, đạt 96% kế hoạch, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022.

z4967782926374-b629f8607e54ec23ea9ca87b95bc3bba-1702380134.jpg
 



Riêng bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt 80% kế hoạch được giao với 16.690 người tham gia. Bảo hiểm Xã hội Gia Lai phấn đấu đến cuối năm 2023 có hơn 20.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Để thực hiện mục tiêu đó, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã phát động phong trào thi đua phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện kéo dài đến hết cuối tháng 12/2023.

Cụ thể, các tập thể và cá nhân trong hệ thống Bảo hiểm Xã hội tỉnh phải thực hiện các chỉ tiêu được giao và tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Mỗi viên chức, người lao động phải phát triển từ 3 đến 5 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tùy theo đơn vị và chức vụ. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phải đóng ít nhất 3 tháng. Bảo hiểm Xã hội tỉnh khuyến khích các đơn vị giao thêm chỉ tiêu cho viên chức, người lao động và bình xét thi đua và trao thưởng theo quy định.

Bảo hiểm Xã hội các huyện, thị xã đã triển khai các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm: tham mưu cho chính quyền địa phương giao chỉ tiêu cho từng xã, thị trấn; thành lập Ban chỉ đạo từ huyện đến xã, thị trấn; ký kết quy chế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể; tổ chức hội nghị khách hàng; xác định đối tượng tiềm năng; tuyên truyền sâu rộng quyền lợi đến người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.

Một ví dụ điển hình về việc phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt tỷ lệ cao thời gian qua trên địa bàn tỉnh Gia Lai là huyện Kbang. Theo ông Nguyễn Huy Giáp, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện Kbang, từ đầu năm đến nay, huyện đã có 910 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và phấn đấu đạt trên 1.000 người đến cuối năm 2023.

Ông Giáp cho biết, với mục tiêu cụ thể, Bảo hiểm Xã hội huyện Kbang đã xây dựng kế hoạch từ rất sớm, xác định đối tượng tiềm năng, thường xuyên tuyên truyền sâu rộng về quyền lợi cho người dân khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế. Nhờ đó, người dân trong huyện đã có ý thức và hưởng ứng tích cực chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Mai Chi