WHO tiếp tục cam kết sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ vaccine cho Việt Nam và trong khu vực

Đặng Thu Hằng
Đại diện của WHO tại Việt Nam đưa ra các kịch bản về dịch bệnh này có thể xảy ra trong tương lai. Đồng thời mong muốn chính phủ Việt Nam tiếp tục các chương trình tiêm vaccine COVID-19.

Tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay, bà Socorro Escalante, quyền trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết tác động của COVID-19 chưa bao giờ thể hiện rõ như bây giờ và tác động này vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt. Có 2 kịch bản sắp tới có thể xảy ra:

Kịch bản đầu tiên, COVID-19 sẽ trở thành bệnh bản địa và virus vẫn sẽ lưu hành ở 1 số quốc gia, thỉnh thoảng sẽ có bùng phát dịch. Các quốc gia có thể xem xét xây dựng kế hoạch chuyển từ ứng phó sang ứng phó linh hoạt. Việt Nam là quốc gia đã có thành công rất lớn trong việc kiểm soát dịch bệnh.

Kịch bản thứ hai, virus tiếp tục lây lan mạnh, trở nên nghiêm trọng hơn và khó xác định hơn các chủng mới. Với kịch bản này chúng ta có vaccine nhưng vẫn cần nhìn nhận rằng sẽ có rủi ro rất lớn trong phục hồi kinh tế khi có dịch bệnh bùng phát. Ví dụ như bệnh đậu mùa khỉ hay bệnh sốt xuất huyết xảy ra gần đây.

Đại diện WHO cũng đề xuất các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong ngắn hạn và dài hạn. Cụ thể:

Trong ngắn hạn, WHO mong Chính phủ Việt Nam tiếp tục các chương trình tiêm vaccine COVID-19. Việt Nam hiện cũng là một trong những quốc gia rất thành công đã triển khai sớm chiến lược vaccine và giữ được tỉ lệ tử vong rất thấp. WHO tiếp tục cam kết sẽ đảm bảo cung cấp đầy đủ vaccine cho Việt Nam và trong khu vực.

vac-xin-covid-19-vaccine-astrazeneca1-16279039244611392756433-1635909576106-16359095762831886301062-1662986960.jpeg
Tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Việt Nam là rất cao.

Theo bà Socorro Escalante: "Để Việt Nam có thể tiếp tục triển khai các biện pháp về y tế công cộng và đảm bảo sức khoẻ cho người dân, vì vậy cần chuyển sang giai đoạn 2K để thích ứng và điều chỉnh phù hợp. Việt Nam cũng cần tăng cường năng lực hệ thống y tế. Bởi như chúng ta đã thấy, giai đoạn đầu của dịch bệnh, hệ thống y tế đã bị ảnh hưởng rất nặng nề. Ở Việt Nam có hệ thống y tế cơ sở tốt và mạnh nên mới có thể cung cấp các dịch vụ cho người dân dễ dàng. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tiếp tục đầu tư vào hệ thống y tế cơ sở".

Tiếp đó, cũng cần có kế hoạch phát hiện dịch bệnh sớm, đưa ra kịch bản về đại dịch, phát hiện ra đại dịch và các khu vực có dịch càng sớm càng tốt. Để tăng cường năng lực cho Việt Nam, cần đầu tư vào việc giám sát dịch ở địa phương, giải trình tự gene của các chủng mới.

Về dài hạn, WHO đề xuất Việt Nam nên có chính sách trong ngành y tế để đảm bảo được nhóm dễ bị tổn thương tiếp cận được dịch vụ y tế. Và để Việt Nam có thể phục hồi được nền kinh tế thì cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam rà soát lại năng lực của ngành y tế, các văn bản pháp luật, các quy định đã phù hợp chưa. WHO cho rằng, lĩnh vực y tế sẽ tiếp tục là lĩnh vực quan trọng trong các chính sách của Việt Nam trong thời gian tới.

Thu Hằng