Tư tưởng nhân văn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đặng Thu Hằng
Trong di sản quý báu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) để lại cho toàn Đảng và toàn dân ta, bản Di chúc lịch sử Người để lại đã thể hiện, đúc kết những suy nghĩ, tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đất nước, thời đại trong đó có nhiều suy tư, dự định, mong ước của Người về vấn đề con người trong cuộc kháng chiến và sau khi đất nước kết thúc chiến tranh. Tư tưởng, suy nghĩ và cả những dự cảm về đất nước, con người đó thể hiện tình cảm sâu nặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân đồng thời chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.

Nhận thấy sức khỏe của mình có phần giảm sút so với những năm trước đó. Từ năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, ở tuổi 75, Người đã thuộc lớp người “xưa nay hiếm”. Tuy cảm thấy “tinh thần vẫn sáng suốt, thân thể vẫn khỏe mạnh”, nhưng Người dự báo “Ai đoán biết tôi sẽ sống và phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng mấy năm mấy tháng nữa?”. Từ dự cảm đó, Người viết: “Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột”.

Có thể thấy, chủ nghĩa nhân văn xuyên suốt bản Di chúc chính là tình yêu thương bao la Bác muốn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Tình yêu đó thể hiện trên từng lời, từng từ, từng ý mà Người viết trong bản Di chúc. Chuẩn bị cho sự ra đi của mình, Bác đã dành nhiều thời gian, tâm huyết để suy nghĩ những việc cần dặn lại với toàn Đảng, toàn dân và bạn bè quốc tế. Với các đảng viên trong Đảng, Bác căn dặn "phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau". Bác muốn nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng: Tình thương yêu lẫn nhau là bao trùm lên mối quan hệ giữa người với người. Bác là tiêu biểu cho tình thương bao la, lòng nhân ái cao cả. Bởi cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh không nhằm gì hết ngoài mục đích "hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân", suốt đời đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng con người. Sâu thẳm trong mong muốn tột bậc đó của Hồ Chí Minh chính là tấm lòng yêu thương con người hết mực, trước hết là tình yêu thương nhân dân lao động và khát vọng cháy bỏng giải phóng họ khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công. Người luôn hướng về nhân dân lao động - những người đã bao đời chịu đựng gian khổ với một tình cảm yêu thương vô bờ. Người viết trong Di chúc: “NHÂN DÂN LAO ĐỘNG ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hǎng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng”. Đặc biệt, Bác nói nhiều đến vấn đề chăm lo lợi ích của con người: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Như vậy, dù là ở những năm cuối cuộc đời, thì vấn đề Người quan tâm, trở thành nỗi trăn trở thường trực đó chính là chăm lo cho lợi ích, cho đời sống của nhân dân ta, làm sao cho dân ta có được cuộc sống hạnh phúc, ấm no, đầy đủ…

Tư tưởng nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là sự quan tâm đến việc bồi dưỡng đạo đức và tài năng của các thế hệ thanh niên, lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng, làm cho họ trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trong Di chúc của mình, ngay sau những lời căn dặn dành cho Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành những lời căn dặn thiết tha và quan trọng cho Đoàn viên và thanh niên: “ĐOÀN VIÊN VÀ THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng" vừa “chuyên”.

k1-1693194082.jpg
Ảnh: Tư liệu

Tư tưởng nhân văn của Bác không chỉ bó hẹp trong tình yêu thương đồng bào, đồng chí, nhân dân trong nước mà còn bao trùm tới cả những người đồng chí trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Trong Di chúc, Bác tỏ rõ sự đau xót về mối bất hoà giữa các đảng anh em: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hoà hiện nay giữa các đảng anh em!”. Vì vậy Người mong muốn: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”.

Trong Di chúc, điều làm chúng ta xúc động là khi Người viết "Về việc riêng". Viết "về việc riêng", nhưng Người lại không dành bất kỳ điều gì riêng cho cá nhân, mà toát lên qua từng câu, từng chữ là lòng yêu thương con người, tất cả vì những người đang sống. Người chỉ tiếc rằng: “Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa” cho Tổ quốc và nhân dân. Một con người đã bôn ba khắp năm châu bốn bể với biết bao nhọc nhằn, gian khổ để tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng con người trước lúc đi xa vẫn đau đáu một lòng vì dân, vì nước.

Và cuối cùng, Người để lại trọn vẹn "muôn vàn tình thương yêu" cho đồng chí, đồng bào, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng, cho bè bạn và nhân dân thế giới. Với một mong muốn sâu sắc “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - ngoài những giá trị lịch sử, chính trị, thực sự là một Di chúc thấm đượm tình thương yêu vô hạn đối với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế. Đọc bản Di chúc lịch sử của Bác, suy nghĩ về những lời dạy của Người luôn thấy tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về con người thật ân tình, tỏa rạng. Những giá trị nhân văn đó giúp chúng ta hiểu thêm về tư tưởng, đức hy sinh, cống hiến “vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc trước đây cũng như công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế hiện nay.

Chủ nghĩa nhân văn xuyên suốt bản Di chúc chính là tình yêu thương bao la Bác muốn để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Tình yêu đó thể hiện trên từng lời, từng từ, từng ý mà Người viết trong bản Di chúc với một mong muốn sâu sắc “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Trần Thu Hương