Trung Quốc bùng phát dịch đậu mùa khỉ với hơn 100 ca bệnh

Lã Thị Thúy hằng
VOV.VN - Ngày 14/7, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết, từ ngày 2-30/6, 106 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở Trung Quốc đại lục.

Trong số 106 ca bệnh, tỉnh Quảng Đông nhiều nhất có 48 ca, tiếp đến là Bắc Kinh 45 trường hợp, tỉnh Giang Tô có 8 ca, Hồ Bắc và Sơn Đông mỗi tỉnh có 2 ca và Chiết Giang có 1 trường hợp. Tuy nhiên, theo CDC Trung Quốc, không có ca nào mắc bệnh nặng hay tử vong ở nước này.

Đợt bùng phát lần này có một số đặc điểm, như đại đa số các trường hợp là nam quan hệ tình dục đồng giới và lây truyền chủ yếu qua tiếp xúc giữa nam với nam. Nguy cơ lây truyền qua các phương thức tiếp xúc khác là thấp và phần lớn những người tiếp xúc gần không phải quan hệ tình dục đều không bị nhiễm bệnh.

Phần lớn các trường hợp được phát hiện khi đi khám, một số ít phát hiện qua theo dõi, sàng lọc những người tiếp xúc gần. Biểu hiện lâm sàng của đại đa số ca bệnh là điển hình, chủ yếu gồm các triệu chứng như sốt, mụn rộp và sưng hạch bạch huyết.

Trong chia sẻ với Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Phó Giám đốc Trung tâm Y tế khẩn cấp thuộc CDC Trung Quốc Thi Quốc Khánh cho biết, tất cả các ca bệnh ở nước này đều là nam, trong đó 101 trường hợp là nam quan hệ tình dục đồng giới, trong 21 ngày trước khi khởi phát 96 trường hợp trong số đó có tiền sử tiếp xúc đồng giới nam. Tốc độ lây lan của căn bệnh này chậm hơn so với các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp như Covid-19 và cúm, nhưng cũng có thể gây ra các cụm dịch cục bộ.

Ông cho biết, theo kết quả điều tra dịch tễ những người tiếp xúc gần với các ca bệnh trong tháng 6, trong số hơn 370 người tiếp xúc gần ngoài quan hệ tình dục chỉ có một người nhiễm bệnh do ngủ chung giường với trường hợp mắc bệnh.

Theo lãnh đạo CDC Trung Quốc, những người tiếp xúc gần với các ca bệnh đậu mùa khỉ không cần cách ly tập trung, chỉ cần tự theo dõi sức khỏe theo chỉ dẫn trong 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh.

Trong thời gian tự theo dõi sức khỏe, người tiếp xúc gần có thể sinh hoạt và làm việc bình thường, tuy nhiên nên tránh quan hệ tình dục và hiến máu, đo thân nhiệt hàng ngày và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe

Các chuyên gia nước này cho biết, vaccine đậu mùa khỉ đã được lưu hành và sử dụng ở nước ngoài, nhưng Trung Quốc mới đang trong quá trình phát triển, do vậy hiện chưa có vaccine phòng căn bệnh này.

Trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Trung Quốc đại lục được báo cáo vào tháng 9/2022 ở thành phố Trùng Khánh, miền Tây Nam nước này. Đầu tháng 7 này, Trung Quốc cũng thông báo liên tiếp 4 ca đậu mùa khỉ ở Thiên Tân và Hồ Nam.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu về sức khỏe cộng đồng (PHEIC) vào tháng 7/2022 và chấm dứt tình trạng này vào tháng 5/2023. Mặc dù các trường hợp mắc căn bệnh này nhìn chung có xu hướng giảm trên toàn cầu, song một số quốc gia và vùng lãnh thổ đang chứng kiến sự gia tăng trở lại của các ca đậu mùa khỉ, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Báo cáo liên tục về các trường hợp mắc đậu mùa khỉ đã gây ra lo ngại về sự lây lan của căn bệnh này trong công chúng ở Trung Quốc. Các chuyên gia y tế nước này đã phải trấn an người dân, rằng đậu mùa khỉ khó có thể lây lan trên diện rộng bởi tương đối dễ phát hiện, kiểm soát và điều trị.