Trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết nặng gia tăng, 5 việc tuyệt đối không nên làm khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết

Lã Thị Thúy hằng
Theo tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, tính từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới của bệnh viện đã tiếp nhận 120 trẻ mắc sốt xuất huyết, trong đó hơn 50 ca có dấu hiệu cảnh báo.

Một trong những bệnh nhi nặng nhất tính đến thời điểm này điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) là bé trai V.H (8 tuổi, ở Hà Nội). Cách đây 4 năm, lần đầu tiên, bé H mắc sốt xuất huyết.

Ở lần mắc thứ hai này, H xuất hiện tình trạng sốt cao 39-40 độ C, không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt, đau mỏi người, nôn nhiều, đau bụng, đau đầu, ăn uống kém, được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương.

Thời điểm nhập viện, trẻ sốt cao liên tục, có chấm sốt xuất huyết vùng mặt, nhưng sau đó xuất hiện mạch nhanh, khó bắt, huyết áp tụt, tiểu cầu giảm, men gan tăng… Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhi được ra viện.

a11-1691131181.jpg

Chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi Trung ương).

Theo Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương), vi rút gây bệnh sốt xuất huyết Dengue có 4 loại tương ứng với 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi.

Ở giai đoạn đầu của bệnh, trẻ bị sốt cao đột ngột, liên tục. Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 - 7 sau khi mắc bệnh. Biểu hiện sốt xuất huyết ở trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm, trẻ bị thoát huyết tương.

“Nếu tình trạng thoát huyết tương nặng sẽ dẫn đến sốc, với các biểu hiện dễ nhận thấy như: Vật vã, bứt rứt, lờ đờ, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, tiểu ít, tụt huyết áp hoặc không thể đo được huyết áp. Đặc biệt, trẻ bị xuất huyết dưới da hoặc xuất hiện các mảng bầm tím, xuất huyết niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, tiểu ra máu…”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm lưu ý.

Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 48-72 giờ là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, biểu hiện thèm ăn, huyết áp ổn định hơn và tiểu nhiều hơn. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường.

Theo các chuyên gia y tế, khi trẻ bị sốt xuất huyết có 5 việc tuyệt đối không nên làm:

- Không cho trẻ uống các loại nước có ga, nước có màu đỏ hoặc màu nâu.

- Tránh thức ăn cay, thức ăn có màu đỏ hoặc màu nâu, thức ăn quá nóng hay quá lạnh.

- Tuyệt đối không dùng nhóm thuốc hạ sốt Ibuprofen hoặc aspirin để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.

- Không tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con dùng vì bệnh này do vi rút Dengue gây ra. Dùng kháng sinh không những không hiệu quả mà còn làm nặng thêm tình trạng gan, thận.

- Tuyệt đối không đưa trẻ đi truyền dịch ở những cơ sở y tế không đảm bảo, các phòng khám tư nhân không đủ điều kiện làm thủ thuật.

a10-1691131242.jfif

Thạc sĩ Đỗ Thị Thuý Hậu, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới chăm sóc bệnh nhi sốt xuất huyết.

Thạc sĩ Đỗ Thị Thúy Hậu, Điều dưỡng trưởng Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Nhi trung ương) đưa ra khuyến cáo, khi trẻ mắc sốt xuất huyết, nếu phát hiện thấy có các biểu hiện sau cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất, đó là: Trẻ vật vã, lờ đờ, đau bụng liên tục nhiều vùng gan; trẻ buồn nôn và nôn trên 3 lần/1giờ, hoặc trên 4 lần/1giờ; xuất huyết niêm mạc, chảy máu chân răng, tiểu cầu giảm nhanh; chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ gái); tiểu ít, đi ngoài phân đen.

T.Hằng