Thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Theo thông tin mới nhất, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã quyết định chọn phương án thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2022. Về thời điểm, lương tối thiểu vùng dự kiến được tăng từ 1/7/2022, áp dụng tới 31/12/2023. 
hoi-dong-tien-luong-8465-1653670968.jpg
Phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia sáng 12/4 đã chốt đề xuất phương án lương tối tiểu vùng tăng từ 1/7/2022. ảnh T.HẰNG

Lương tối thiếu hiện hành không còn đảm bảo mức sống tối thiểu

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, căn cứ quy định của Bộ luật Lao động và khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng theo tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động áp dụng từ ngày 1/1/2020.

Thông thường, mức lương tối thiểu vùng được xem xét, điều chỉnh sau 1 năm thực hiện. Tuy nhiên, do từ đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, sản xuất, kinh doanh, việc làm và đời sống của người lao động nên Chính phủ đã duy trì mức lương tối thiểu vùng quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP cho đến nay (trên 2 năm) theo Khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Hiện tại, mức lương tối thiểu vùng này không còn bảo đảm được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo tính toán của Bộ phận kỹ thuật thuộc của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, mức lương tối thiểu hiện hành thấp hơn khoảng 1,3% so với mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ của năm 2022.

Thời điểm thích hợp để tăng lương

Hiện nay, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam đã và đang khởi sắc, sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dần phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, đời sống của nhiều người lao động vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động từ dịch bệnh Covid-19, một bộ phận người lao động rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn do phải ngừng việc, mất việc, nghỉ việc không hưởng lương kéo dài, thu nhập giảm sút trong khi giá cả hàng hóa dịch vụ ngày càng tăng cao.

Thị trường lao động đang trong tình trạng chênh lệch cung - cầu, thiếu hụt nguồn cung lao động ở nhiều ngành, địa phương, nhiều lao động do đại dịch Covid-19 phải thôi việc, ngừng việc quay về quê hiện đang thiếu động lực quay trở lại làm việc.

Đa số người lao động hiện nay đều có mong muốn người sử dụng lao động điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp lương và cải thiện các chế độ đãi ngộ khác cho phù hợp với bối cảnh phục hồi kinh tế.

Về phía người sử dụng lao động, để phục hồi sản xuất và xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, một số doanh nghiệp đã có sự chủ động điều chỉnh tăng tiền lương và các chế độ đãi ngộ đối với người lao động. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, mặc dù có điều kiện song hiện vẫn đang trông chờ vào sự điều chỉnh mức lương tối thiểu của Chính phủ để lấy đó làm căn cứ tiến hành thương lượng, điều chỉnh lại các chế độ cho người lao động.

Từ thực tế trên cho thấy, việc Chính phủ sớm ban hành Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu tháng và quy định mức lương tối thiểu giờ theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 để góp phần cải thiện đời sống của người lao động, hỗ trợ tích cực cho việc phục hồi thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sớm phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ là rất cần thiết hiện nay.

Thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6%

Nếu không có gì thay đổi thì từ ngày 01/07/2022, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động đi làm tại doanh nghiệp sẽ thay đổi như sau:

Đối với người lao động bình thường, theo mức tăng 6% thì hàng tháng người lao động sẽ được hưởng là: Mức 4.680.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; Mức 4.160.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; Mức 3.640.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; Mức 3.250.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV. Trước đó, mức tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1-1-2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng.

Đối với người lao động đã qua đào tạo, giả sử người lao động làm việc qua học nghề, đào tạo nghề vẫn tiếp tục được nhận thêm ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng nêu trên, cụ thể mức lương tối thiểu mà người lao động qua học nghề, đào tạo nghề nhận được như sau: Mức 5.010.00 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; Mức 4.450.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II; Mức 3.900.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III; Mức 3.480.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

MP (tổng hợp)