Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong đại dịch Covid

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được khống chế, tuy nhiên, nó đã ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, du lịch, nhà hàng, khách sạn...

Về vấn đề này, ông Đỗ Đình Hiệu, Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa (VCCI Thanh Hóa) chia sẻ: “Cơn bão” COVID-19 đã tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế toàn cầu cũng như nền kinh tế của Việt Nam.

Theo báo cáo cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV (phát hành ngày 10-4-2020), trên cơ sở đánh giá 15 ngành kinh tế chịu tác động trực tiếp của dịch COVID-19 (15 ngành này chiếm khoảng 78% GDP của Việt Nam năm 2019), cho thấy: Nông - lâm nghiệp - thủy sản vô cùng khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu phụ trợ nông nghiệp. Ngành  xây dựng sụt giảm do bất động sản khó khăn. Lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, chỉ số sản xuất toàn ngành chỉ tăng 7,1% tức là giảm 2,1% trong quý 1-2020 và số DN tạm ngừng hoạt động tăng 28,3%. 

Nông dân Nga Sơn chẻ cói tại ruộng
Mặc dù tiêu thụ chậm nhưng nông dân huyện Nga Sơn vẫn miệt mài lao động sản xuất để sớm vượt qua khó khăn do Covid-19

Đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chịu ảnh hưởng rõ nét nhất là thị trường cho thuê mặt bằng thương mại, văn phòng cho thuê, khách sạn, căn hộ. Lĩnh vực dịch vụ y tế chịu tác động 2 chiều, nhưng tiêu cực nhiều hơn vì giảm doanh thu và phải tăng chi để trang trải các biện pháp phòng dịch.

Trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nhiều trường học, đặc biệt là khối dân lập, tư thục đã chịu sự sụt giảm mạnh về doanh thu trong khi vẫn phải gánh chịu chi phí về mặt bằng, lương cho giáo viên, nhân viên...

Theo ông Đỗ Đình Hiệu, nền kinh tế của Thanh Hóa cũng “chung cảnh ngộ” với cả nước. Khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư đã đến với các DN trong tỉnh ngay từ đầu mùa dịch, khi thị trường xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều DN ở nhiều ngành nghề khác nhau bị thu hẹp quy mô hoạt động, sụt giảm doanh thu, thậm chí “đóng băng” giao dịch.

Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt, các DN trên địa bàn tỉnh bắt đầu thực hiện nhiều giải pháp để khôi phục sản xuất và đặt nhiều kỳ vọng tạo sự bứt phá trong những tháng cuối năm 2020. Mặc dù vậy, trước mắt các DN vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức mới. Đó là khó khăn về thị trường tiêu thụ, về tiếp cận nguồn vốn đầu tư, về gánh nặng chi phí kinh doanh, về những khó khăn trong chính nội tại DN...

Hơn lúc nào hết, DN cần cơ chế hỗ trợ, cần sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức trong việc thúc đẩy thực thi thật nhanh, hiệu quả, minh bạch và công tâm các gói hỗ trợ của Chính phủ, của tỉnh đã được ban hành.

 
 
Nhà máy nhiệt điện Nghi sơn đêm rực rỡ ánh đèn
Đảm bảo đủ điện cho sản xuất, kinh doanh chính là hỗ trợ doanh nghiệp trong khi tháo gỡ khó khăn do Covid-19

Với vai trò là tổ chức kết nối, hỗ trợ DN, VCCI Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN đầu tư, kinh doanh, duy trì và ổn định sản xuất trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp.

VCCI Thanh Hóa đã tiến hành 2 cuộc điều tra, khảo sát, trong đó có 1 cuộc khảo sát về tác động của đại dịch COVID-19 đến các vấn đề lao động việc làm tại DN trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, 1 cuộc khảo sát nhanh về nhu cầu vay vốn của DN.

Thông qua các cuộc khảo sát này và qua việc gặp gỡ, nắm bắt tình hình hoạt động của DN, VCCI Thanh Hóa đã tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các ngành, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, báo cáo VCCI và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ cộng đồng DN. Lãnh đạo và cán bộ, nhân viên VCCI Thanh Hóa luôn đồng hành cùng DN trong việc tư vấn hỗ trợ pháp lý và hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc của DN trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hiện nay, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nguyên vật liệu cũng như bán thành phẩm sang thị trường Trung Quốc, kể cả các ngành lớn như dệt may, da giầy... Với những quyết sách về kinh tế và phương châm chống dịch hiệu quả của Chính phủ trong thời gian qua đã, đang và sẽ tiếp tục tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các tập đoàn nhập khẩu - bán lẻ đối với thị trường Việt Nam.

Đây là thời cơ để Việt Nam có thể bứt ra và giảm dần sự phụ thuộc. Đây cũng là cơ hội tốt để DN Việt Nam nói chung, DN Thanh Hóa nói riêng đón bắt những làn sóng đầu tư mới, những thị trường xuất nhập khẩu mới, tận dụng được lợi thế của việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất. Các DN cần chuẩn bị tốt nhất các điều kiện nhằm thu hút và sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư sau đại dịch COVID-19.

Trên thực tế, tại Thanh Hóa, nhiều DN đã nỗ lực thích ứng, chủ động tái cơ cấu bộ máy điều hành và các công đoạn sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, hạn chế rủi ro, khôi phục sản xuất và duy trì việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, để tiếp tục đồng hành, hỗ trợ DN vượt qua đại dịch này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Các chính sách hỗ trợ DN của Chính phủ, của tỉnh Thanh Hóa cần triển khai nhanh chóng, minh bạch, đồng bộ để hỗ trợ các DN vượt qua khó khăn, qua đó, tháo gỡ khó khăn cho chính đời sống của người lao động./.

Tâm Ánh