Những lợi ích khi tham gia BHYT

Nguyễn Thị Quỳnh Mai
Bảo hiểm y tế (BHYT) là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước, mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc. BHYT do do Nhà nước tổ chức thực hiện không vì mục đích lợi nhuận, nhằm huy động sự đóng góp của cộng đồng, chia sẻ rủi ro bệnh tật và giảm bớt gánh nặng tài chính của mỗi người dân khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn... Sau nhiều năm, quyền lợi khám chữa bệnh BHYT ngày càng được đảm bảo và mở rộng.

mat-the-bhyt-van-duoc-thanh-toan-truc-tiep-0410103834-20191007123741pm-1657159215.jpg

Quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng được đảm bảo và mở rộng

Chính sách BHYT được Đảng và Nhà nước ta tổ chức thực hiện từ năm 1992; năm 2008, Luật BHYT số 25/2008/QH12 đã được Quốc hội khóa XII thông qua. Cùng với sự phát triển và ngày càng hoàn thiện của chính sách BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng dần qua các năm. Nếu như các năm 2009, 2015 độ bao phủ BHYT lần lượt đạt 57% và 74,7% dân số, thì đến hết thì đến cuối năm 2021, độ bao phủ đã đạt khoảng 91% dân số. Song hành với đó, việc đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT đã đạt được nhiều kết quả tiến bộ.

Hằng năm, có hơn 100 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT được đảm bảo quyền lợi. Mỗi năm Quỹ BHYT chi trả từ 100.000 đến 105.000 tỷ đồng cho việc khám chữa bệnh BHYT, trong đó rất nhiều trường hợp người bệnh được chi trả lên tới nhiều tỷ đồng/năm. Ngoài việc chi trả chi phí khám chữa bệnh thông thường, Quỹ BHYT còn chi trả cho nhiều người mắc các bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính như: Hemophilia (bệnh rối loạn đông máu di truyền), ung thư, tim mạch, suy thận... Vì vậy, từ nhiều năm nay, thẻ BHYT đã được phần lớn người dân coi như "phao cứu sinh", là "thẻ hộ mệnh" không thể thiếu của mỗi người.

Theo BHXH Việt Nam, quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia ngày càng được mở rộng ở cả phạm vi và mức hưởng, cụ thể:

Về phạm vi chi trả của quỹ BHYT (đối với điều trị nội trú), khi tham gia BHYT, người dân sẽ được quỹ BHYT thanh toán đầy đủ các chi phí KCB BHYT theo quy định, không bị giới hạn về tuổi tác, số ngày điều trị và tổng chi phí KCB BHYT. Bên cạnh đó, người tham gia BHYT còn được quỹ BHYT chi trả các chi phí dịch vụ kỹ thuật (với hơn 9.000 dịch vụ), vật tư y tế (337 loại, mỗi loại có rất nhiều chủng loại theo tên thương mại). Riêng đối với chi phí ngày giường điều trị nội trú, quỹ BHYT sẽ thanh toán căn cứ vào hạng bệnh viện và loại giường điều trị đã sử dụng. Mức chi phí bình quân ngày giường điều trị quỹ BHYT đang thanh toán trung bình một đợt điều trị khoảng 6 ngày, với số tiền giường trung bình một đợt điều trị nội trú khoảng 1,2-1,3 triệu/lượt.

Về mức hưởng BHYT (đối với điều trị nội trú), khi người tham gia BHYT đi KCB đúng tuyến theo quy định và xuất trình đầy đủ thủ tục KCB BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán 100% hoặc 95% hoặc 80% chi phí KCB tùy thuộc vào đối tượng tham gia BHYT. Riêng đối với những bệnh nhân có mức hưởng BHYT 95% hoặc 80%, nếu đã tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên, có số tiền cùng chi trả khi đi KCB BHYT đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 lần mức lương cơ sở (hiện tương đương 8.940.000 đồng) sẽ được hưởng 100% khi đi KCB BHYT trong phạm vi hưởng và mức hưởng BHYT ở những lần đi KCB đúng tuyến tiếp cho đến hết năm tài chính.

Ngoài ra, để tạo điều kiện tốt nhất cho người tham gia BHYT khi đi KCB, Luật BHYT quy định chính sách thông tuyến KCB trong một số trường hợp như từ ngày 1.1.2016, người có thẻ BHYT tự đi KCB (nội trú và ngoại trú) không đúng tuyến tại các cơ sở y tế tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh; từ ngày 1.1.2021, người có thẻ BHYT tự đi KCB (đối với các trường hợp điều trị nội trú) không đúng tuyến tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc được quỹ BHYT chi trả chi phí theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến).

Người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo khi tự đi KCB không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB đối với bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú đối với bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương và có mức như đi KCB đúng quy định.

Mặt khác, đối với các trường hợp tự chọn cơ sở KCB để KCB mà không đi KCB theo đúng tuyến cũng được quỹ BHYT chi trả. Như vậy, khi người tham gia BHYT tự đi KCB không đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán từ 32-100% chi phí KCB BHYT.

Có thể thấy, tham gia BHYT, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình. Vì thế, hơn lúc nào hết, người dân cần nhận thức rõ được lợi ích khi tham gia BHYT, giúp hạn chế rủi ro về tài chính cho bản thân, gia đình, đồng thời chia sẻ bớt khó khăn cho cộng đồng nếu một ai đó không may mắc bệnh.

Phương Linh