TP. Hồ Chí Minh: Nhiều trẻ em nhập viện vì viêm dạ dày ruột cấp

Lã Thị Thúy hằng
Tại TP. Hồ Chí Minh, những ngày qua thời tiết thay đổi liên tục khiến nhiều trẻ em nhập viện về các bệnh lý tiêu hoá. Trong đó phổ biến là bị tiêu chảy cấp, mất nước, nhiều trẻ phải điều trị tích cực vì nhập viện muộn.

Nằm trong phòng bệnh của Khoa Tiêu hoá - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM) với tiếng khóc yếu ớt, bệnh nhi T.N.E ( 2,5 tuổi, ngụ tỉnh Đắk Lắk) mệt lả đi vì 2 ngày qua không ăn, uống được bất cứ thứ gì, kèm những triệu chứng nôn, ói và tiêu chảy liên tục.

Tại Bệnh viện, bệnh nhi E được các bác sĩ nhanh chóng bù dịch thông qua đường tĩnh mạch, theo dõi sát sao vì trẻ có dấu hiệu mất nước nhiều.

“Cách đây 2 ngày, nửa đêm bé đang ngủ thì nôn ói rất nhiều, sau đó là sốt, tiêu chảy 10 lần/ngày và không ăn uống được gì. Thấy vậy, tôi ra tiệm thuốc tây gần nhà mua thuốc thì được dược sĩ chia sẻ bé bị trào ngược dạ dày nhưng càng uống thuốc càng thấy không ổn nên tôi đưa con đến bệnh viện”, chị N.T.T (phụ huynh của bé E) cho biết.

TS.BS Hà Văn Thiệu - Điều hành Khoa Tiêu hoá, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM cho biết, thời tiết nắng nóng và thay đổi thất thường tại phía Nam trong những ngày qua khiến số trẻ nhập viện vì viêm dạ dày ruột cấp tăng nhanh trong thời gian qua do ký sinh trùng, virus gây ra. Chỉ trong vòng 20 ngày, 20-30% số trẻ nhập viện khoa Tiêu hoá là bị viêm dạ dày ruột cấp.

Biểu hiện chung của trẻ là sốt, nôn, ói và mất nước nặng. Trong trường hợp này, trẻ sẽ được bù dịch khẩn cấp thông qua đường tĩnh mạch, chống sốc và chạy bù dịch với tốc độ cao cho những trẻ mất nước nặng hơn.

a6-1657009635.jpg

Thời tiết nắng nóng và thay đổi thất thường tại phía Nam trong những ngày qua khiến số trẻ nhập viện vì viêm dạ dày ruột cấp tăng nhanh.

TS.BS Hà Văn Thiệu cho biết thêm, các bệnh về đường tiêu hóa chủ yếu lây qua đường miệng tức là đường ăn uống. Vì vậy, việc ăn chín uống sạch đóng một vai trò vô cùng quan trọng.

Đồng thời, nếu phát hiện trẻ có những triệu chứng trên, phụ huynh có thể tự theo dõi trước và điều trị tại nhà bằng cách sử dụng thuốc chống ói motinium cho trẻ trên 12 tuổi. Còn thuốc chống ói ondansetron sử dụng cho trẻ dưới 12 tuổi nhưng thị trường hiện nay không có, chỉ có ở các cơ sở y tế nên phụ huynh cần cân nhắc để đưa con đến cơ sở y tế nếu thấy biểu hiện của trẻ không ổn.

Đối với những trẻ bị mất nước, có thể sử dụng bù dịch bằng oresol pha 200ml nước, uống từng ít một, uống không được thì có thể cho trẻ uống nước lọc, tuyệt đối không được uống nước ngọt. Hạ sốt bằng Paracetamol với liều lượng được khuyến cáo từ 10-15mg/1kg cân nặng tuổi trẻ sau mỗi lần sốt. Phụ huynh thấy con suốt và xuất hiện những triệu chứng không thuyên giảm như sốt cao, nôn ói, không ăn uống được, mệt mỏi da vàng xanh… cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời, tránh chuyển nặng nhanh và tử vong.

PV