Lan toả mô hình thu gom rác thải nhựa, phế liệu gây quỹ tình thương

Đặng Thu Hằng
Hội Chữ Thập đỏ xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) đã biến rác thành tiền, tạo thêm nguồn quỹ để chăm lo, giúp đỡ các hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Việc thu gom rác thải nhựa bán không chỉ để gây quỹ tình thương mà còn giúp bảo vệ môi trường. Mô hình này đã được Nhân dân trên địa bàn xã nhiệt liệt hưởng ứng.

Thời gian qua Hội Chữ thập đỏ xã Duyên Hà đã phát động nhiều phong trào như phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình; phòng chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường,... từ đó có thêm nguồn kinh phí hỗ trợ được nhiều hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã.

Cụ thể, Hội Chữ Thập đỏ xã Duyên Hà đã thành lập mô hình "Biến rác thành tiền" và lan tỏa rộng rãi trên tất cả các thôn, xóm trên địa bàn xã. "Biến rác thành tiền" là mô hình vận động Nhân dân thu gom rác thải nhựa, phế liệu… để Hội bán lấy tiền giúp những hoàn cảnh khó khăn, người bệnh tật tại địa phương.

i1-2-1698901777.jpg
Mô hình "Biến rác thành tiền" của Hội Chữ thập đỏ xã Duyên Hà được người dân ủng hộ. 

Mô hình "Biến rác thải nhựa thành tiền" của Hội Chữ Thập đỏ xã Duyên Hà được thực hiện từ tháng 6 năm 2023, bên cạnh đó hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 05/6/2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”. Mô hình không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn tạo nguồn quỹ giúp người khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Hội Chữ Thập đỏ xã Duyên Hà đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền về chủ đề Ngày Môi trường thế giới, tổ chức thu gom rác thải nhựa, phế liệu bán gây quỹ tình thương.

Cũng từ ngày 05/6/2023, cứ 1-2 tuần 1 lần, Hội Chữ Thập đỏ xã Duyên Hà tổ chức tuyên truyền để thu gom rác thải nhựa, phế liệu bán để gây quỹ tình thương. Đến nay, qua 12 lần gom, với khoảng 4 tấn nhựa và bìa giấy, số tiền thu được là 14 triệu đồng.

Việc làm ý nghĩa này, Hội Chữ Thập đỏ xã được cán bộ, hội viên và Nhân dân rất ủng hộ và đánh giá cao. Chị Phạm Thanh Thuỷ (45 tuổi, ngụ xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) chia sẻ về hoạt động ý nghĩa được Hội Chữ thập đỏ xã triển khai hướng tới giảm thiểu rác thải nhựa: "Khi được các cán bộ Hội Chữ thập đỏ tuyên truyền, vận động giảm thiểu rác thải nhựa tôi cảm thấy rất có lý và hoàn toàn ủng hộ. Hàng ngày trên báo đài, truyền thông vẫn nhắc đến các tác hại nghiêm trọng của rác thải nhựa với môi trường, đặc biệt là với sức khoẻ con người. Chính vì vậy tôi đã vận động các thành viên trong gia đình tham gia, hạn chế sử dụng nilon, đi chợ dùng túi vải, chai lọ từ các sản phẩm dùng 1 lần đều được rửa cẩn thận để đến ngày thu gom sẽ mang ra điểm tập kết".

Chị Thuỷ cũng chia sẻ thêm hoạt động thu gom rác thải nhựa không chỉ bảo vệ môi trường mà số tiền bán phế liệu được dùng để gây quỹ tình thương nên được bà con trong xã nhiệt liệt hưởng ứng. Ai cũng ý thức và mong muốn được chia sẻ với cộng đồng, góp sức mình lan toả những hành động ấm áp, nhân văn.

i2-1698901777.jpg
Mô hình không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, mà còn tạo nguồn quỹ giúp người khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

Mô hình phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình; phòng chống rác thải nhựa và bảo vệ môi trường của Hội Chữ Thập đỏ xã Duyên Hà gây quỹ đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Điều đáng ghi nhận là từ mô hình này đã lồng ghép được việc thực hành tiết kiệm với các hoạt động xã hội, từ thiện, từ đó tạo sợi dây gắn bó với các hội viên Chữ Thập đỏ trên địa bàn xã với nhau, cùng nhau xây dựng tổ chức hội ngày càng lớn mạnh.

Nhựa là một chất liệu rất tiện dụng, dễ thao tác, giá thành rẻ do vậy các sản phẩm nhựa khó có thể biến mất hoàn toàn trong đời sống. Rác thải nhựa là những sản phẩm nhựa sau khi đã sử dụng và được thải ra môi trường như: Túi nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa, các loại chất dẻo tổng hợp… Có rác thải kích thước lớn và rác thải vi nhựa, chủ yếu là nhựa dùng một lần và túi nylon khó phân hủy. Số lượng rác thải nhựa cũng tăng lên không ngừng cùng với nhu cầu sử dụng các sản phảm nhựa.

Hiện nay, trên thế giới, người dân đang có xu hướng gia tăng sử dụng nhựa theo cấp số nhân và việc quản lý rác thải không đầy đủ, dẫn đến việc rác thải đe dọa đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái dễ bị tổn thương. Ước tính, khoảng 1 triệu chai nước uống bằng nhựa được mua mỗi phút, khoảng 5 nghìn tỷ túi nhựa sử dụng một lần được sử dụng mỗi năm trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, tỷ lệ tiêu thụ chất dẻo bình quân đầu người ở Việt Nam tăng nhanh từ 3,8 kg/người năm 1990 lên 63 kg/người năm 2017, tốc độ tăng trung bình 10,6%/năm. Lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Chỉ tính riêng thành phố Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.000 tấn rác, tỷ lệ chôn lấp tới 90%.

Từ thực trạng đáng lo ngại trên, các chuyên gia cho rằng, để giải bài toán rác thải nhựa trong những năm tới, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ chế chính sách đến hành động trong thực tiễn. Do đó song song với việc hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa khó phân hủy thì việc đi tìm một nguyên liệu thân thiện với môi trường, sản phẩm sinh học dễ phân hủy sẽ là giải pháp tối ưu trong tương lai.

PV