Hơn 31 triệu ca mắc Covid-19 trên toàn cầu

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Sáng 21/9, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt 31,1 triệu ca, trong đó, khoảng 954.000 người đã tử vong.

Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 7 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và trên 204.000 trường hợp tử vong vì bệnh dịch. Trong ngày qua, hơn 288000 ca mắc Covid-19 mới đã được ghi nhận tại quốc gia này.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 18/9 thay đổi chỉ dẫn về xét nghiệm lần thứ hai, yêu cầu những người tiếp xúc với người nhiễm Covid-19 làm xét nghiệm dù không có triệu chứng. Hồi cuối tháng 8, Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã gây tranh cãi khi khuyến cáo người có triệu chứng không cần làm xét nghiệm.

Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ có đủ vaccine Covid-19 cho tất cả người dân vào tháng 4/2021, tuy nhiên giới chuyên gia y tế tỏ ra thận trong hơn, cho rằng kịch bản mà ông chủ Nhà Trắng mong muốn chỉ có thể xảy ra sớm nhất vào giữa năm sau.

Trong khi đó, tại Ấn Độ, tổng cộng đã có gần 5,5 triệu người mắc bệnh, hơn 87.900 bệnh nhân Covid-19 không qua khỏi. Trong 24 giờ qua, hơn 87.300 ca nhiễm mới đã được ghi nhận tại Ấn Độ.

Coronavirus-COVID19-Reuters-2
Ảnh minh họa

Chính phủ Ấn Độ hôm 15/9 cho biết ít nhất 17 thành viên quốc hội nước này đã dương tính với Covid-19, thể hiện mức độ lây lan nhanh chóng của đại dịch. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cho biết chính quyền đang làm tất cả những gì có thể nhằm kiềm chế virus, đồng thời đề nghị quốc hội hỗ trợ nâng cao nhận thức. "Cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu mới kết thúc", Vardhan thừa nhận.

Tại Brazil, tâm dịch lớn thứ 3 thế giới, ngày 20/9, đã có thêm gần 3.200 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm Covid-19 tại quốc gia này lên trên 4,5 triệu ca, hơn 136.600 bệnh nhân tử vong.

Giới chuyên gia Brazil nhận định các mô hình cho thấy nước này đã qua đỉnh dịch, nhưng vẫn cảnh báo tình hình có thể đột ngột xấu đi nếu chính quyền địa phương cho phép tái mở cửa kinh tế quá sớm, không siết chặt các biện pháp cách biệt cộng đồng.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 79 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 19.418. Số ca nhiễm tăng 6.148, lên 1.103.399. Nga nối lại đường bay với Belarus, Kyrgyzstan và Kazakhstan từ ngày 21/9 và với Hàn Quốc từ ngày 27/9.

Bộ Y tế Nga thông báo lô vaccine Sputnik V đầu tiên đã được đưa vào lưu hành. Viện virus học Vector tại Siberia đã hoàn thành thử nghiệm Giai đoạn hai đối với vaccine Covid-19 tiềm năng thứ hai của Nga, kết quả dự kiến công bố ngày 30/9. Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố vaccine thứ hai sẽ sẵn sàng trong tháng 9, bày tỏ hy vọng cả hai loại vaccine của Nga đều an toàn và hiệu quả.

Ca nhiễm mới ở Pháp tăng trở lại sau giai đoạn Covid-19 được kiềm chế. Nước này ghi nhận thêm 10.569 ca nhiễm Covid-19, nâng tổng số lên 452.763, trong đó 31.285 người chết, tăng 11 trường hợp.

Chính quyền thủ đô kêu gọi người dân tránh tụ tập hơn 10 người, ở nơi công cộng cũng như tại nhà riêng. Thành phố Nice là một trong số các thành phố phải áp đặt hạn chế mới, bao gồm cho phép tụ tập tối đa 10 người trong công viên và trên bãi biển.

Anh, vùng dịch lớn thứ ba châu Âu, ghi nhận 390.358 ca nhiễm và 41.759 ca tử vong, tăng lần lượt 4.422 và 27 trường hợp. Thủ tướng Boris Johnson nói rằng Anh đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ hai.

Anh áp đặt các hạn chế mới với vùng Tây Bắc, miền Trung và Tây Yorkshire từ 15/9. Giới chức đã áp phong tỏa cực bộ với hơn 10 triệu và có thể ban hành thêm hạn chế đối với hàng triệu người khác.

Tại Đông Nam Á, hai nước Indonesia và Philippines cũng là những điểm nóng của dịch Covid-19. Trong 24 giờ qua, Indonesia đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày lên tới gần 4.000 trường hợp. Dịch đã lây lan ra toàn bộ 34 tỉnh của Indonesia. Hiện Indonesia đã ghi nhận tổng cộng hơn 244.600 người mắc COVID-19, trong đó trên 9.500 trường hợp đã thiệt mạng.

Ngày 20/9, giới chức Philippines đã báo cáo trên 3.300 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, trong đó, khu vực thủ đô Manila đã ghi nhận số ca mắc mới cao nhất so với các địa phương khác. Hiện ở Philippines đã có trên 286.700 người mắc Covid-19, trong đó gần 5.000 trường hợp đã tử vong.

 

Đ.L (t/h)