Học nghề - con đường trải “hoa hồng” ít người muốn đi

Tạp Chí Nhân Đạo
Tốt nghiệp THCS, học sinh tham gia học nghề chỉ sau vài năm đã có thể tự mình kiếm tiền, đồng thời vẫn có cơ hội học tập lên cao hơn nữa nếu muốn. Vì thế, học nghề thay vì học tiếp lên THPT được không ít người gọi là con đường trải đầy “hoa hồng”. Nhưng thực tế, vẫn còn có rất ít người lựa chọn con đường này.
hoc-nghe-con-duong-trai-hoa-hong-it-nguoi-muon-di
Ảnh minh họa.

Thành ông chủ trong khi các bạn còn long đong

Câu chuyện về cậu bạn lớp trưởng H.V.S thời PTTH học giỏi, đa tài vừa lấy tấm bằng tốt nghiệp THCS xong, lập tức tuyên bố với thầy cô, bạn bè trong buổi chia tay về việc quyết định đi học nghề, không học lên THPT làm tôi nhớ mãi.

Năm 1992-1993, thời kỳ mà hầu như không có một học sinh nào có quyết định như vậy. Con đường đi đã thành lối mòn mà bất cứ học sinh, phụ huynh nào thời kỳ ấy cũng mong muốn dấn thân là học tiếp lên THPT, cố gắng thi đại học, cao đẳng. Thi một năm không đỗ thì thi nhiều năm. Chỉ đến lúc lâu quá rồi mà không thể đỗ đại học, cao đẳng mới chấp nhận đi học trung cấp, học nghề. Do vậy, quyết định của cậu bạn lớp trưởng lớp tôi rất nhanh chóng bị thầy cô, bạn bè “đoàn kết, thống nhất” phản đối kịch liệt.

Vậy là, trong khi chúng tôi tiếp tục tung tăng đến trường, tiếp tục miệt mài với đèn sách, thi cử, thì H.V.S đã chuyên tâm vào việc học nghề may. Khi chúng tôi thi đại học, H.V.S đã học nghề xong và đã hành nghề được 1 năm. Chúng tôi tốt nghiệp đại học, bắt đầu long đong vác hồ sơ đi xin việc khắp nơi với mong ước chỉ cần có việc là một chân công chức quèn, hay một nhân viên bình thường với mức lương khởi điểm thấp lè tè, miễn là được đi làm; H.V.S khi ấy đã làm chủ một xưởng may tương đối bề thế, trực tiếp quản lý vài ba người làm thuê, chuyên may đo đồng phục học sinh cung cấp cho các trường học trên địa bàn. Trong khi chúng tôi chỉ mong ước được đi làm thuê, H.V.S đã không những có được việc làm như mơ, mà còn tạo ra công ăn, việc làm cho người khác.

Hiện nay, H.V.S đã làm chủ một doanh nghiệp tư nhân chuyên về may mặc nổi tiếng ở Hà Nam, quản lý hàng nghìn công nhân và cán bộ, trong đó có không ít người có trình độ đại học cũng về “đầu quân” cho H.V.S. Cậu ấy đã trở thành người thành đạt nhất của nhiều thế hệ chúng tôi ở quê.

Con đường trải đầy “hoa hồng”...

Những năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nhiều quyết sách quan trọng để khuyến khích học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT tham gia học nghề. Bởi thế, tỷ lệ học sinh lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THCS và THPT đều tăng dần qua các năm. Tuy vậy, tỷ lệ ấy vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Chính vì thế, bắt đầu từ năm 2017 này, ngành Giáo dục và Đào tạo nước ta đã có quyết tâm cao để mang lại đột phá trong vấn đề này bằng cách đẩy mạnh phân luồng học sinh học nghề bằng những kế hoạch hành động cụ thể được ban hành tới từng địa phương.

Cùng với đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp mới cũng đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng nhằm khuyến khích học sinh lựa chọn học nghề sau tốt nghiệp THCS, THPT. Cụ thể, thời gian đào tạo trình độ trung cấp nghề với học sinh tốt nghiệp THCS chỉ còn từ 1-2 năm, rút ngắn hơn rất nhiều so với thời gian 3-4 năm trước đây do bỏ quy định bắt buộc phải học văn hóa song song với học nghề. Việc học văn hóa trong quá trình học nghề chỉ là sự lựa chọn cho những người mong muốn học tiếp lên cao đẳng, đại học.

Tuy vậy, lựa chọn của học sinh và phụ huynh hiện nay vẫn chủ yếu là học lên THPT sau khi tốt nghiệp THCS.

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi năm hiện có khoảng 1,2 triệu học sinh tốt nghiệp THCS. Hơn 70% trong số đó lựa chọn học tiếp lên THPT, hơn 8% lựa chọn học bổ túc THPT, hơn 5% chọn học trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, chỉ khoảng 15% tham gia thị trường lao động. Trong khoảng 850.000 học sinh tốt nghiệp THPT mỗi năm, có tới khoảng 50% học tiếp lên đại học, cao đẳng; chỉ có 20% vào học trung cấp chuyên nghiệp; còn lại khoảng 30% tham gia học nghề hoặc đi lao động.

Trước những kết quả chưa được như mong muốn như vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phải lên kế hoạch lựa chọn 10 tỉnh, thành để thí điểm đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục trong phân luồng học sinh, hướng nghiệp để tăng mạnh tỷ lệ học sinh lựa chọn học nghề sau khi tốt nghiệp THPT, THCS làm cơ sở để nhân rộng ra toàn quốc. Việc thí điểm này có thể sẽ được thực hiện từ năm học 2017-2018.

Học nghề - con đường trải đầy “hoa hồng” nhưng vẫn tiếp tục bị phần lớn học sinh, phụ huynh lạnh nhạt. Xem ra, để thay đổi nhận thức đã trở thành cố hữu trong xã hội không phải là việc một sớm, một chiều. Nó cũng đòi hỏi phải có những phương pháp tiếp cận quyết liệt hơn nữa…