Hé lộ lời khai của tên cướp ngân hàng tại TP Sông Công: Thua bạc, cần tiền chuộc ô tô

Nguyễn Diệp Linh
Phạm Đức Anh khai nhận, do cắm xe ô tô của gia đình để lấy tiền đánh tài xỉu trên mạng, sau đó bị thua nên nảy sinh ý định cướp ngân hàng để lấy tiền chuộc xe.

Qua điều tra ban đầu, đối tượng khai nhận, do cắm xe ô tô của gia đình để lấy tiền đánh tài xỉu trên mạng, sau đó bị thua nên nảy sinh ý định cướp ngân hàng để lấy tiền chuộc xe. Khám xét chỗ ở của đối tượng Phạm Đức Anh, cơ quan Công an thu giữ số tiền gần 394 triệu đồng. Còn 290 triệu đồng đối tượng khai nhận đã trả tiền cắm xe.

Được biết, đối tượng Phạm Đức Anh sinh ra trong gia đình có 5 anh em, đã có vợ con, chưa có tiền án, tiền sự và tại địa phương chưa phát hiện biểu hiện vi phạm pháp luật.

Trước đó, sáng sớm cùng ngày, trao đổi với Báo CAND, Đại tá Bùi Đức Hải, Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, đơn vị đã phối hợp Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự bắt giữ đối tượng cướp ngân hàng tại TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên.

Hình ảnh đối tượng trên đường bỏ trốn.

Hình ảnh đối tượng trên đường bỏ trốn. Ảnh: báo Công an nhân dân

Trước đó, vào khoảng 14h ngày 14/11, tại địa bàn phường Phố Cò, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra vụ cướp tại một chi nhánh ngân hàng. Một người đàn ông đội mũ, đeo khẩu trang, sử dụng một vật giống súng xông vào ngân hàng, uy hiếp nhân viên để cướp tiền. Đối tượng mặc quần áo dài màu đen, áo khoác có in hình con gà màu trắng trên ngực trái, đeo găng tay, đi xe máy màu trắng...

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, qua đoạn clip cho thấy, vụ cướp ngân hàng xảy ra tại Thái Nguyên rất manh động, táo tợn, liều lĩnh, coi thường pháp luật.

Theo quy định của pháp luật thì hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó được xem là cướp tài sản. Người thực hiện hành vi cướp tài sản sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 168 (BLHS 2015). Nếu tài sản chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì nghi phạm sẽ phải đối mặt với hình phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Pháp luật Việt Nam bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mọi tổ chức, cá nhân, mọi hành vi xâm phạm trái pháp luật đến quyền sở hữu tài sản đều phải chịu chế tài của pháp luật. Hành vi cướp tài sản không chỉ trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân mà còn đe dọa uy hiếp đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Không ít trường hợp đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản đồng thời gây ra thương tích, thậm chí sát hại nạn nhân để đạt được mục đích chiếm đoạt tài sản.

Trong thực tiễn đời sống xã hội thì các đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản thường là cướp tài sản của cá nhân, nạn nhân bị cướp thường là do sơ hở, thiếu cảnh giác. Ngoài ra với những đối tượng vỡ nợ, phá sản, thua bạc hoặc những đối tượng giang hồ cộm cán trong cơn quẫn bách, túng thiếu thường nghĩ đến việc cướp ngân hàng bởi chúng thường nghĩ đây là nơi có nhiều tiền nhất. Tuy nhiên, việc cướp tiền ở ngân hàng thành công là rất khó, trốn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật thì lại càng khó hơn rất nhiều lần.

"Ngân hàng là nơi thực hiện các hoạt động tài chính và thường xuyên lưu giữ một lượng tiền lớn. Chính vì vậy, vấn đề đảm bảo an ninh ở ngân hàng luôn được quan tâm. Các đối tượng thực hiện hành vi cướp ngân hàng thường sẽ để lại rất nhiều dấu vết, có hình ảnh cụ thể thông qua hệ thống camera giám sát và có nhiều người làm chứng.

Khi hình ảnh thông tin được công khai, bằng các biện pháp nghiệp vụ thì rất nhanh chóng chân dung đối tượng sẽ được các trinh sát dựng lên để truy tìm. Trên thực tế, thời gian gần đây liên tục xảy ra những vụ cướp ngân hàng manh động, đối tượng đã bỏ trốn khỏi hiện trường mang theo rất nhiều tiền nhưng trong khoảng thời gian rất ngắn đã bị lực lượng công an bắt giữ, xử lý", Ts.Ls Cường phân tích.

Hạnh (T/h)