Hạnh phúc đong đầy của đôi vợ chồng cùng làm nghề cứu nạn

Đặng Thu Hằng
Cùng công tác tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 (trụ sở đóng tại thành phố Đà Nẵng), anh làm nhiệm vụ cứu nạn trực tiếp ngoài biển, chị tiếp nhận thông tin kết nối ngoài khơi với đất liền. Nể phục nhau trong việc, mến nhau vì lối sống, cứ thế, anh Nguyễn Thế Anh và chị Phan Thị Kim Loan cùng viết nên câu chuyện hạnh phúc của người lính cứu nạn.
a1-trang-17-1671556533.jpeg
Vợ chồng anh Nguyễn Thế Anh và chị Phan Thị Kim Loan. (Ảnh: Trúc Hà)

Biển se duyên vợ chồng

Tốt nghiệp ngành Khai thác máy tàu thủy - Trường Cao đẳng Hàng hải 1, năm 2004, anh Nguyễn Thế Anh (sinh năm 1980, quê ở Thái Bình) nhận công tác tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 (trụ sở tại thành phố Đà Nẵng) đảm nhiệm vị trí sĩ quan vận hành máy tàu SAR 412. Những lần lênh đênh trên biển, đối diện với hiểm nguy để cứu người bị nạn đã cho anh những bài học về giá trị cuộc sống.

Anh kể, cuối năm 2004, tàu Sông Thương gặp nạn tại vùng biển Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nước tràn vào hầm hàng, tàu bị nghiêng rồi chìm dần. 28 thuyền viên phải rời tàu bằng phao cứu sinh, trôi dập dềnh trên biển. Anh Thế Anh cùng các đồng nghiệp nhận được lệnh lên đường cứu nạn. Thời điểm này sóng to, gió lớn, nhưng với sự nỗ lực của lực lượng cứu nạn, 28 thuyền viên lần lượt được vớt và đưa lên tàu.

Đó là lần đầu tiên anh cảm nhận được sự quan trọng của ngành cứu nạn. Mặc dù ở bộ phận máy, nhưng khi ra hiện trường, anh Thế Anh đều tham gia trực tiếp vào việc cứu nạn như những đồng nghiệp khác. “Khi ra hiện trường, chỉ có 2 người dưới khoang máy và 2 người trên boong, còn lại đều tham gia cứu người” - anh Thế Anh cho biết.

Năm 2007, chị Phan Thị Kim Loan (sinh năm 1983, quê ở thành phố Đà Nẵng) tốt nghiệp ngành Hàng hải, Trường Đại học Nha Trang, rồi về Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2 công tác. Người phụ nữ tưởng như mỏng manh, yếu đuối, nhưng luôn nỗ lực, phấn đấu và giữ cương vị Phó Trưởng phòng Cứu nạn. Chị Loan nói rằng, chị đến với nghề này như là một cái duyên. Lúc đăng ký thi đại học, nguyện vọng của chị là ngành Kinh tế, nhưng lại viết nhầm ký hiệu mã ngành Hàng hải. Thế nên, khi nhận giấy báo trúng tuyển, chị rất lo lắng.

“Đó cũng là năm đầu tiên ngành Hàng hải có sinh viên nữ, nên các thầy cô giáo, các sinh viên trong khoa rất quan tâm, hỗ trợ chúng tôi. Thầy giáo chủ nhiệm động viên chúng tôi cứ học đi, nếu không hợp, sang năm học thứ 2, thầy sẽ chuyển cho sang học ngành khác. Tuy nhiên, khi học, chúng tôi thấy rất thú vị nên không chuyển nữa” - chị Loan nhớ lại.

Ngày đó, ở Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2, cả anh Thế Anh và chị Kim Loan đều là những đoàn viên năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động của cơ quan. Chính vì vậy, cả hai có nhiều cơ hội để hiểu hơn về đối phương. Chị Kim Loan thương anh Thế Anh vì xa quê và cảm mến anh vì sự nhiệt tình trong công tác. Mỗi lần nhìn anh trở về sau chuyến đi biển, cảm xúc mừng vui, hạnh phúc đan xen và chị hiểu mình đã yêu chàng trai này. Với anh Thế Anh, chị Kim Loan là một người phụ nữ có tính tự lập, chịu khó học hành, năng động trong công việc cũng như trong cuộc sống. Biết anh ra khơi, nhưng không bao giờ chị nói ra nói vào, dù là những chuyến đi có thời tiết khắc nghiệt, nguy hiểm. Nếu gặp nhau ở cơ quan, chị sẽ nói: “Đi nhớ giữ gìn sức khỏe”. Và anh chị đã tìm được sự đồng cảm, tiếng nói chung từ công việc đến tình cảm lứa đôi.

Hạnh phúc vẹn tròn

Hiện, vợ chồng anh Thế Anh và chị Kim Loan đã có 3 con là Nguyễn Phan Hoài Anh, Nguyễn Phan Trúc Quỳnh và Nguyễn Hải Đăng. Do đặc thù công việc nên hai vợ chồng thường xuyên phải trực, có khi một tuần 3-4 buổi tối không ở nhà. Những lần như vậy, anh chị đều phải mang các con đi gửi. May mắn, hai cháu lớn đã hiểu chuyện, chỉ cần nói ba mẹ đi cứu nạn, các cháu sẽ hiểu và tự học bài, tự chăm sóc nhau. Sau mỗi chuyến ba đi cứu nạn trở về, các cháu thường hỏi: “Ba có cứu được người không? Họ có bị nguy hiểm không?”. Ở trường, khi cô giáo ra đề bài tả về người thân hoặc công việc em yêu thích, các cháu thường tả về ba mẹ và mong muốn lớn lên sẽ được làm công việc cứu người.

a2-trang-17-1671556533.jpeg
Mỗi năm, tàu SAR 412 ứng cứu hàng chục vụ tàu bị nạn trên khu vực biển miền Trung. Ảnh: Trúc Hà

Chị Kim Loan chia sẻ, trong công việc, sự liên lạc giữa hai vợ chồng là không có vì anh bên bộ phận máy, trong khi đó, trên tàu, chỉ bộ phận boong mới liên lạc với trên bờ. Dù hiểu được công việc của chồng, nhưng biết rõ những hiểm nguy mà anh phải đối diện khiến chị không khỏi lo lắng.

Chị nhớ, có lần, anh cùng đồng nghiệp đi cứu nạn các thuyền viên trên tàu hàng bị trôi dạt ở Quảng Bình do ảnh hưởng của bão. Tàu bị mắc cạn, lực lượng tại bờ và các lực lượng khác không thể tiếp cận tàu để hỗ trợ cứu nạn. Lúc này, thời tiết mưa to, sóng lớn, trời thì tối. Do tàu SAR 412 không thể tiếp cận được tàu hàng, nên anh Thế Anh cùng 2 đồng nghiệp phải lên xuồng cứu nạn để tiếp cận tàu hàng rồi ứng cứu các thuyền viên. Thế rồi, thuyền trưởng tàu SAR 412 báo về Trung tâm không liên lạc được với anh em trên xuồng và có khả năng xuồng chìm.

“Hôm đó là ca trực của tôi, thuyền trưởng gọi điện về, nhưng một đồng nghiệp khác nghe máy. Đồng nghiệp không dám nói có chồng tôi trên xuồng, nhưng tôi chắc chắn có chồng mình ở trên đó. Lúc đó, tôi rất lo lắng, nhưng cũng cố gắng hết sức giữ bình tĩnh. Tôi tự động viên mình rằng, chồng có nhiều năm đi cứu nạn, anh sẽ xử lý được” - chị Loan nhớ lại. Sau này, khi trở về, anh kể, xuồng bị lật, nhưng may mắn các anh bám được vào phao rồi lật xuồng lại, trèo được lên và vào được bờ an toàn.

Từng đi tàu hàng, có những chuyến lênh đênh trên biển hàng tháng trời, hiểm nguy trên biển không còn lạ gì, nhưng khi về công tác tại Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực 2, trực tiếp đưa tay kéo người gặp nạn từ dưới biển lên, anh Thế Anh càng cảm nhận giá trị của sự sống khi ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Công việc vất vả, luôn phải ở tư thế sẵn sàng, Trung tâm gọi 15 phút là phải có mặt và khi muốn rời khỏi địa bàn thành phố đều phải xin phép, thế nhưng, hai vợ chồng luôn yêu thích công việc của mình và chưa bao giờ có ý định từ bỏ.

Mặc dù là làm việc cùng cơ quan, nhưng hai vợ chồng anh chị chưa khi nào được đón giao thừa cùng nhau. Có năm, chị Kim Loan đón giao thừa cùng các con ở nhà, còn chồng đón giao thừa ngoài biển. Năm vừa rồi, chị đón giao thừa ở cơ quan thì anh lại đón giao thừa ở nhà. Thế nên, niềm ao ước của hai vợ chồng là được một lần gia đình trọn vẹn đón giao thừa bên nhau.