Hà Nội: Kiểm tra hàng loạt các quán karaoke, mạnh tay xử lý các cơ sở vi phạm PCCC

Đặng Thu Hằng
Thời gian qua diễn ra nhiều vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng, số lượng thương vong rất nhiều. Nhưng do lợi nhuận, nhiều trường hợp cơ sở kinh doanh karaoke không đáp ứng được quy định về phòng cháy, chữa cháy vẫn lén lút hoạt động. Do vậy TP. Hà Nội quyết định mạnh tay xử lý các cơ sở vi phạm, không đảm bảo an toàn PCCC.

Tại Báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội về tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn, Giám đốc Công an TP. Hà Nội Nguyễn Hải Trung cho biết, từ ngày 15/12/2021 đến 14/9/2022 trên địa bàn xảy ra 288 vụ cháy (6 vụ cháy lớn, 10 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 117 vụ cháy trung bình, 151 vụ chảy nhỏ, 3 vụ cháy rừng). Thiệt hại khiến 20 người chết và 16 người bị thương, tài sản ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 18,1 tỷ đồng.

photo-2-1659395800143606785832-16644183750762089354926-1664420592.jpeg
Hàng loạt vụ cháy nghiêm trọng diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội. (Ảnh: Sức khoẻ và Đời sống)

So với cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2021, số vụ cháy tăng 5 vụ, tăng 9 người chết, giảm 3 người bị thương và thiệt hại về tài sản giảm khoảng 6,9 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện là 190 vụ; sơ xuất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 6 vụ; đốt 4 vụ; tai nạn giao thông 2 vụ; sự cố kỹ thuật máy móc 4 vụ và đang điều tra, làm rõ 82 vụ.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn Thành phố đã tổ chức 241 đoàn kiểm tra liên ngành và kiểm tra 1.975 lượt cơ sở. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra định kỳ, đột xuất 28.943 lượt cơ sở và phát hiện 2.870 tồn tại, thiếu sót về PCCC. Từ đó, ban hành 2.165 công văn kiến nghị yêu cầu cơ sở khắc phục, xử phạt 17,8 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động 355 cơ sở và đình chỉ hoạt động 375 cơ sở, công khai danh tính các cơ sở vi phạm nghiêm trọng về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng...

z37576035895120a184568841f910f628a29286e15b19f-1664418299798519158277-1664421081.jpeg
Giám đốc Công an Thành phố Nguyễn Hải Trung. (Ảnh: Sức khoẻ và Đời sống)

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, hiện nay, toàn Thành phố còn thiếu đến 6.882 trụ nước chữa cháy, 343 bể nước chữa cháy, 448 bến lấy nước, hố thu nước chữa cháy. Để khắc phục những tồn tại, bất cập, Sở sẽ phối hợp với Công an Thành phố trong công tác thẩm định thiết kế, nghiệm thu PCCC và tăng cường kiểm tra trật tự xây dựng; đầu tư các trụ nước chữa cháy theo kế hoạch. Ngoài ra, Sở cũng sẽ phối hợp, tham mưu Thành phố di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư…

Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp, từ tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về PCCC đến đầu tư cơ sở vật chất phục vụ PCCC và CNCH, Công an Thành phố cần nghiên cứu bổ sung các yêu cầu cụ thể, chi tiết về PCCC đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhất là karaoke.

"Tinh thần phải duy trì kỷ cương và nghiêm khắc trong công tác phòng, chống cháy nổ", Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký, ban hành Quyết định số 3521/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện công tác PCCC&CNCH trên địa bàn.

chay-quan-karaoke-tran-thai-tong-1511675504911-1663115618518452072907-1664421086.jpeg
Cháy quán karaoke ở 68 Trần Thái Tông khiến 13 người tử vong. (Ảnh: Tổ Quốc)

Theo quyết định, đoàn kiểm tra có nhiệm vụ tổ chức kiểm tra đột xuất đối với tổ chức, đơn vị về việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố; tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra và báo cáo UBND thành phố. Thời gian kiểm tra dự kiến từ ngày 28/9 đến ngày 31/12/2022.

UBND TP Hà Nội cũng ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND kiểm tra việc thực hiện công tác PCCC, CNCH trên địa bàn thành phố. Kế hoạch nhằm mục đích siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, cũng như ý thức, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình và người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; xem xét trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân buông lỏng, bỏ trống địa bàn, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố, tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực, loại hình cơ sở tập trung đông người, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn thành phố.

hnchay05zing-16626368339551062921015-16626368584421761860115-1664421367.jpeg
Vụ cháy quán karaoke ở Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) làm 3 chiến sĩ PCCC hy sinh. (Ảnh: Tổ Quốc)

Đối tượng kiểm tra là một số cơ sở tập trung đông người, cơ sở trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao (cơ sở kinh doanh karaoke, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, nhà cao tầng, khu chung cư, tập thể cũ...) trên địa bàn. Trước mắt, tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở trên địa bàn quận Cầu Giấy.

Trước đó, theo phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội, đơn vị đã phối hợp cùng Công an thành phố Hà Nội thực hiện tổng kiểm tra rà soát phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công an và Ủy ban Nhân dân thành phố.

Kết quả kiểm tra của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, trong tổng số hơn 1.400 cơ sở kinh doanh karaoke đã được kiểm tra thì có đến 58% cơ sở không đạt yêu cầu về an toàn phòng cháy, chữa cháy trong quá trình hoạt động. Đáng chú ý, các cơ sở vi phạm nằm rải rác ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố.