Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh, khi nào bệnh nhân cần nhập viện?

Nguyễn Diệp Linh
Sốt xuất huyết nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Vậy thời gian ủ bệnh là bao lâu và khi nào cần nhập viện là những vấn đề nhiều người thắc mắc.

Số ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng rất nhanh trong tháng qua, đã có 12 ca tử vong. Lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cảnh báo đỉnh dịch sẽ đạt vào trung tuần tháng 11. PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, theo chu kì 5 năm, miền Bắc sẽ xảy ra một vụ dịch sốt xuất huyết lớn và dự báo năm nay sẽ có dịch lớn xảy ra. Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới trong tháng 8, số bệnh nhân sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo phải nhập viện chỉ 70 người, nhưng con số này tăng lên 160 vào tháng 9 và từ đầu tháng 10 đến nay là 250 ca.

Thông tin tại hội nghị y tế dự phòng 9 tháng đầu năm do Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức cho thấy, đến ngày 23/10, thành phố ghi nhận 8.481 ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 3 lần so với cùng kì năm 2021. Tất cả các quận, huyện, thị xã và 92% xã, phường, thị trấn ở Hà Nội đều ghi nhận ca bệnh. Đặc biệt, bệnh nhân tập trung tại một số quận, huyện vùng ven như: Đan Phượng (hơn 950 ca mắc), Thanh Oai, Thường Tín, Thanh Trì.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết, Hà Nội ghi nhận 12 ca tử vong liên quan đến sốt xuất huyết tại các quận, huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Đông, Phú Xuyên, Đan Phượng, Ba Đình và Long Biên.

Tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện còn một số bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang điều trị, tuy nhiên không có ca thở máy. Bệnh nhân vào viện khi đã có các dấu hiệu cảnh báo như thoát dịch, cô đặc máu, tụt huyết áp, xuất huyết nặng, tăng men gan cao... Trước đó, đơn vị này từng ghi nhận một số ca sốt xuất huyết tử vong có địa chỉ ở Hà Nội. Sở Y tế Hà Nội nhận định, năm 2022, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng nhanh và tăng vượt mức trung bình giai đoạn 2019 - 2021. Hiện còn 156 ổ dịch.

2-1-3474-1666918566.jpgBệnh viện phải tận dụng lối đi dọc hành lang để kê thêm giường điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Tiền Phong

Khi nào cần nhập viện?

Phần lớn các trường hợp bị sốt xuất huyết có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại y tế cơ sở. Chủ yếu là điều trị triệu chứng.

‎Khi sốt ≥ 38,5 độ C: có thể uống hạ sốt bằng paracetamol (liều dùng và số lần theo hướng dẫn của bác sĩ) và kết hợp lau mát liên tục.

‎Khuyến khích bệnh nhân ăn uống bình thường, đặc biệt uống nhiều nước. Có thể uống nước lọc, oresol, nước trái cây, nước dừa…. Hạn chế các loại thực phẩm có màu nâu hoặc đỏ như xá xị, chocolate.

‎Phải tái khám và theo dõi bởi các bác sĩ. Bạn cần đến ngay bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất nếu có một trong những dấu hiệu sau đây:

- Cảm giác khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt.

- Không ăn uống được.

- Nôn ói nhiều.

- Đau bụng nhiều hơn.

- Tay chân lạnh, ẩm.

- Mệt lả, bứt rứt.

- Chảy máu mũi, miệng, xuất huyết âm đạo bất thường, nôn ra máu, tiêu phân đen hoặc máu đỏ.

- Có các hành vi thay đổi như lú lẩn, kích thích, vật vã hoặc li bì.

- Trên 6 giờ không tiểu tiện.

Để đối phó với sốt xuất huyết, tốt nhất là diệt muỗi, bọ gậy (loăng quăng) và phòng chống muỗi đốt. Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt bọ gậy (loăng quăng).Thu gom, hủy các vật dụng phế thải xung quanh nhà như chai lọ vỡ, ống bơ, vỏ dừa..., dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.

Phòng chống muỗi đốt cần ngủ trong màn (mùng) kể cả ban ngày. Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...

Vũ Hạnh (T/h)