Dấu ấn của những "nữ tướng” Vân Kiều ở vùng đất lửa

Đặng Thu Hằng
Thay vì kết hôn sớm, quẩn quanh với nương rẫy, một số phụ nữ Vân Kiều đã nỗ lực học tập vươn lên, khẳng định bản thân để thay đổi quan niệm, cách nhìn về vị trí, vai trò của nữ giới trong cộng đồng. Vóc dáng nhỏ bé nhưng chứa đựng nghị lực phi thường, dũng cảm bước qua định kiến là những gì mà người ta có thể dễ dàng nhận thấy khi gặp gỡ, trò chuyện cùng các “nữ tướng” ở xã vùng cao biên giới Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).

Bà Hồ Thị Thiệt (ngoài cùng, bên trái) tặng cờ Tổ quốc cho người dân thôn Sê Pu - Tà Păng. Ảnh: Trúc Hà

Dũng cảm bước qua lời nguyền

Hơn nửa thế kỉ trôi qua, nhưng cho tới bây giờ, mỗi khi nhắc đến “tọa độ lửa” Cù Bai, người ta lại nhớ đến cái tên Hồ Thị Oi - nữ Chủ tịch UBND xã Hướng Lập đầu tiên và gắn liền với cây lúa nước ở vùng cao biên giới này. Người Vân Kiều quan niệm, cây lúa không được bón phân, bởi hạt lúa là hạt ngọc của trời, hạt ngọc ấy có được là nhờ vào dòng nước nuôi dưỡng, việc bón phân làm vấy bẩn dòng nước sẽ bị coi là sự xúc phạm không thể dung thứ. Với lối canh tác phát, đốt, chọc, trỉa khiến người Vân Kiều ở Hướng Lập cứ quẩn quanh với đói nghèo. Thế nên, những năm 1960, Đồn Công an nhân dân vũ trang Cù Bai đã mang cây lúa nước về rẻo cao biên cương này nhằm giúp đồng bào Vân Kiều có thể tự chủ lương thực.

Thế nhưng đồng bào Vân Kiều ở Hướng Lập lại cật lực phản đối. Mọi người còn nói rằng, Giàng sẽ bắt tội chết nếu dám bước qua lời nguyền đã có từ muôn đời trước. Chỉ có nữ du kích Hồ Thị Oi (nhà ở bản A Xóc, xã Hướng Lập) mặc bao lời thị phi nghiệt ngã, quyết tâm làm đúng theo cách những người lính Công an nhân dân vũ trang đã chỉ bảo. Mùa Thu năm 1961, bên dòng sông Sê Băng Hiêng, thửa ruộng lúa nước đầu tiên do nữ du kích Hồ Thị Oi tự cày bừa, gieo cấy đã đến kỳ thu hoạch. Đồng bào Vân Kiều nhận ra, không có hình phạt nào của Giàng dành cho Hồ Thị Oi, chỉ thấy phần thưởng là những bông lúa trĩu hạt.

Năm 1962, nữ du kích Hồ Thị Oi được vinh dự ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Trở về, nữ du kích Hồ Thị Oi được bầu làm Chủ tịch UBND xã Hướng Lập. Lúc này, với uy tín của mình, Chủ tịch xã Hồ Thị Oi vận động, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con Vân Kiều trồng lúa nước đã dễ dàng hơn. Liên tiếp nhiều năm sau đó, cây lúa nước ở Hướng Lập đạt năng suất đến mức người miền xuôi cũng bất ngờ - 2 tấn/ha. Và rồi, cứ chỗ nào có nguồn nước, chỗ ấy có ruộng. Nhờ đó, người Vân Kiều không những hết đói mà còn tích cóp lúa gạo để nuôi bộ đội...

Đến nay, xã Hướng Lập và Hướng Việt (được tách ra từ xã Hướng Lập) vẫn là hai địa phương có diện tích lúa nước lớn nhất của vùng cao Quảng Trị. Trong những câu chuyện còn lưu truyền đến bây giờ, người ta vẫn kể về Hồ Thị Oi - người phụ nữ lưng địu con, một tay cấy lúa, một tay cầm súng vừa tăng gia sản xuất, vừa chiến đấu bảo vệ buôn làng. Bà Hồ Thị Oi là biểu tượng của người phụ nữ Vân Kiều dám nghĩ, dám làm, kiên cường, bất khuất.

“Vai” nào cũng làm tròn trách nhiệm

Trước đây, vì xa xôi, khó khăn và những quan niệm về vị trí phụ nữ trong gia đình của người Vân Kiều là một trong những nguyên nhân khiến tỉ lệ học sinh nữ của Hướng Lập thấp hơn nhiều so với học sinh nam. Bởi vậy, rất nhiều người bất ngờ khi thấy công chức của xã Hướng Lập, đặc biệt những vị trí chủ chốt lại là nữ giới. Điển hình là Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thị Thiệt, Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Ven. Cả hai người này đều sinh ra và lớn lên ở Hướng Lập. Càng nể hơn khi biết cả hai dũng cảm vượt qua định kiến, vượt lên hoàn cảnh để có vị trí ngày hôm nay.

Cho đến tận bây giờ, gia đình bà Hồ Thị Oi vẫn là điểm đến của những người lính Đồn Biên phòng Hướng Lập. Ảnh: Trúc Hà

Sinh ra và lớn lên ở “tọa độ lửa” thôn Cù Bai, xã Hướng Lập, tốt nghiệp lớp 12, Hồ Thị Ven vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên không thi đại học mà tham gia vào công tác Đoàn tại địa phương. Lúc bấy giờ, việc học hết lớp 12 không phải là dễ dàng, bởi vậy, cô gái Hồ Thị Ven được cấp ủy xã Hướng Lập cử đi học sơ cấp, rồi trung cấp chính trị và được giao làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Lập. Từ năm 2013 đến năm 2018, cứ thứ 7, Chủ nhật, mọi người nghỉ ngơi thì Hồ Thị Ven lại tự mình đi xe máy, vượt mấy chục cây số đường đèo Sa Mù ra trung tâm huyện Hướng Hóa theo học Đại học Nông Lâm. Năm 2016, Hồ Thị Ven được bổ nhiệm là Phó Chủ tịch, sau đó là Chủ tịch UBND xã Hướng Lập.

Cũng như Hồ Thị Ven, Bí thư Đảng ủy xã Hướng Lập - bà Hồ Thị Thiệt là tấm gương vượt khó, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Sinh ra và lớn lên ở thôn Sê Pu - Tà Păng (xã Hướng Lập), cuộc sống của Hồ Thị Thiệt cũng gặp nhiều khó khăn, vất vả bởi gia đình không có nhiều đất canh tác. Quan niệm phụ nữ không cần học cao, sớm lấy chồng, sinh con vẫn còn hằn sâu trong suy nghĩ, thế nên việc học hành cũng không dễ dàng đối với Hồ Thị Thiệt. Thế nhưng, cô gái Vân Kiều ấy đã mặc lời can ngăn của mọi người, vừa đi học, vừa đi làm, vừa lấy chồng, sinh con và việc nào cũng tròn trịa. Điểm chung của bà Hồ Thị Ven và bà Hồ Thị Thiệt là điều hành công việc suôn sẻ, con cái học giỏi, ngoan ngoãn, gia đình hạnh phúc khiến chúng tôi tự hỏi các chị lấy đâu ra sức mạnh, thời gian để có thể luôn làm tròn các vai ấy.

Là người sinh ra và lớn lên ở Hướng Lập, thế nên hơn ai hết, Bí thư Đảng ủy xã Hồ Thị Thiệt, Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Ven hiểu bà con cần gì, cái gì phù hợp với địa phương để từ đó có những quyết sách đúng đắn. “Bà con Vân Kiều còn nhiều vất vả và đó luôn là trăn trở của những người đứng đầu chúng tôi. Chúng tôi nỗ lực tìm cách đẩy lùi hủ tục, nâng cao dân trí, giúp bà con phát triển kinh tế. Hướng Lập còn nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương không nản lòng, sẽ tìm cách tháo gỡ để cuộc sống của bà con ngày càng tốt hơn” - bà Hồ Thị Ven chia sẻ.

Theo Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập, nữ Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Ven là người rất quyết đoán, trách nhiệm và luôn ủng hộ việc làm của đơn vị. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, bà Hồ Thị Ven đã vận động người dân thôn Cù Bai cho đơn vị mượn đất, huy động người dân góp sức để làm chốt cho bộ đội ở. Gần đây, Đồn Biên phòng kết nối với Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Trị để xây nhà cho bà Hồ Thị Pung (thôn Sê Pu - Tà Păng). Tuy nhiên, bà Pung lại chưa có đất. Ngay trong chiều hôm ấy, bà Hồ Thị Thiệt đã cùng mọi người vào Sê Pu - Tà Păng để tìm hướng giải quyết. Kết quả, anh Hồ Văn Tuân đã đồng ý tặng mảnh đất ngay mặt đường của thôn để BĐBP cất nhà tặng bác gái. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền địa phương và đồn Biên phòng là tiền đề vững chắc để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cũng như xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân, an ninh nhân dân ở khu vực biên giới ngày càng vững mạnh.