Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh – Mẹ của các con người Mông

Tạp Chí Nhân Đạo
(NĐ&ĐS) - Trải qua gần 30 năm công tác, gắn bó với công việc giáo viên mầm non, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh đã nhận nuôi 9 em học sinh mẫu giáo từ 2 năm đến 5 năm liên tục.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Minh, sinh năm 1968, sinh ra và lớn lên tại xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, Thành phố Hải Phòng. Năm 1989 chị tốt nghiệp sư phạm và được phân công về dạy tại thị trấn Phong Hải (tỉnh Lào Cai) cho đến nay.

Trong quá trình công tác, chị không chỉ là giáo viên dạy giỏi mà còn tích cực tham gia các hoạt động của Hội Chữ thập đỏ các cấp đã triển khai, nổi bật nhất là cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh phát động.

Với tâm huyết sẽ mang cái chữ cho các em học sinh vùng cao, chị đã cố gắng vượt qua rất nhiều khó khăn về phong tục, tập quán của đồng bào thiểu số và sự thiếu thốn về cơ sở vật chất để quyết tâm lập nghiệp và xây dựng gia đình tại chính mảnh đất Phong Hải này.

Vợ chồng anh chị sinh hạ được hai người con, năm 2010 chồng chị bị tai biến mạch máu não và qua đời. Một mình chị tần tảo nuôi hai con ăn học, trưởng thành và đã có gia đình riêng. Trong quá trình công tác và tham gia các phong trào nhân đạo, bằng sự đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, chị đã tình nguyện xin dạy ở các điểm trường vùng cao để giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Năm học 2016 – 2017, chị đã không quản đường sá xa xôi đến từng nhà vận động gia đình học sinh cho các em tới lớp tại điểm trường thôn Sảng Pả trường mầm non số 2 thị trấn Phong Hải. Đây là điểm trường cách xa gia đình người dân tộc Mông sinh sống và có con trong độ tuổi đến trường. Với thời gian đi bộ từ nhà đến trường mất 3 tiếng, bằng chân tình của một cô giáo – mẹ hiền, chị đã thuyết phục các gia đình để 5 em học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn (từ 1 đến 5 tuổi) về ở tại nhà mình để tiện việc học và chị đã tự nguyện chăm sóc các em mà không yêu cầu bất cứ điều kiện gì.

1
Cô giáo Nguyễn Thị Minh đưa đón học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường

Tuy nhiên từ nhà xuống điểm trường rất xa, không thể đi về trong ngày được, lớp học không có phòng cho các cháu ở, trong hoàn cảnh ấy nhìn các cháu nheo nhóc chị rất thương và nói với phụ huynh muốn đón các cháu về nhà mình ở, chị sẽ nuôi các cháu không cần bố mẹ đóng góp gì.

Nhờ sự kiên trì thuyết phục của chị, các hộ đồng bào Mông ở trên núi mới đồng ý cho con xuống núi học, ở lại nhà cô giáo. Chị dậy từ rất sớm để nấu cơm cho các cháu ăn, đưa các cháu vượt chặng đường 6 km đến phân hiệu mầm non thôn Sảng Pả học. Chiều tiếp tục công việc chăm sóc các cháu ở nhà như tắm giặt, gội đầu, nấu cơm cho các cháu ăn. Trên chiếc giường nhỏ, 5 cháu nằm ngủ phía trên còn chị nằm ngang dưới chân chúng ở cuối giường và chăm lo, dỗ dành khi các cháu giật mình quấy khóc hay ốm đau.

Với đồng lương ít ỏi, không nghĩ gì đến bản thân, chị dành để sắm thêm đồ dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm đồ dùng học tập.

Nhớ kỷ niệm vào một đêm mùa đông giá rét, cháu Cư Thị Chứ bị viêm phổi cấp, 2 giờ đêm lên cơn sốt cao, khó thở, tình trạng rất nguy hiểm. Chị vội vàng đưa cháu đến phòng khám đa khoa thị trấn Phong Hải cách nhà 5 km cấp cứu. Đêm ấy, trên đường trời mưa rả rích không một bóng người, chỉ có 2 cô cháu đèo nhau đến trạm y tế khám. Đêm ấy vừa lo cho cháu bị bệnh lại vừa lo các cháu ở nhà. Mờ sáng thấy cháu Chứ hạ cơn sốt, chị nhờ bác sĩ chăm sóc giúp để về nấu cơm cho các cháu ở nhà ăn, đưa các cháu đến lớp học xong, chị lại vội vàng quay trở lại trạm xá để chăm sóc cháu Chứ. Khi thông báo cho bố mẹ cháu Chứ xuống chăm con ốm thì mới biết, cha, mẹ em lấy nhau đã lâu, nhưng chưa đăng ký kết hôn và người cha cũng không có chứng minh nhân dân. Vì thế cháu Chứ (2 tuổi) chưa có giấy khai sinh nên không có thẻ bảo hiểm y tế. Hai vợ chồng nghèo không có tiền chữa bệnh, định mang con về nhà. Chị lại thuyết phục để cha, mẹ em Chứ ở lại chăm sóc con và chị sẽ lo tiền chữa bệnh.

2
Cô giáo Nguyễn Thị Minh đang chăm sóc các em học sinh tại nhà 

Trải qua gần 30 năm công tác, gắn bó với công việc giáo viên mầm non, chị không chỉ chăm sóc nuôi dạy các em học sinh ở lớp, mà còn giúp đỡ phụ huynh các em học sinh đi làm chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn để làm giấy khai sinh cho con. Đặc biệt hơn, trong những năm qua, chị đã nhận nuôi 9 em học sinh mẫu giáo từ 2 năm đến 5 năm liên tục, hiện tại chị vẫn đang nuôi 1 học sinh chuẩn bị vào lớp 1. Cũng từ đó chị được bà con trong thôn đặt cho cái tên “Mẹ của các con người Mông”. Chị  xứng đáng là một tấm gương sáng trong cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, bởi bản thân chị đã không chỉ gắn với một địa chỉ nhân đạo mà chị đã gắn với rất nhiều địa chỉ cần giúp đỡ.

Hội CTĐ Lào Cai