Châu Âu "oằn mình" chống chọi với đợt nắng nóng kỷ lục

Đặng Thu Hằng
Mùa hè mới bắt đầu ở Bắc bán cầu, nhưng một đợt nắng nóng gay gắt đã bao trùm khắp châu Âu, cảnh báo mức nhiệt có thể chạm mốc kỷ lục và có thể làm dấy lên lo ngại về tác động đối với sức khỏe con người, cây trồng và vật nuôi.

Một loạt cảnh báo nắng nóng vừa được đưa ra trên khắp Quần đảo Canary của Tây Ban Nha, Italia, Cộng hòa Cyprus và Hy Lạp, trong đó nhà chức trách Hy Lạp dự đoán nhiệt độ có khả năng lên tới 43-44 độ C trong ngày 14 hoặc 15/7.

anh-chup-man-hinh-2023-07-14-luc-120450-1689311098.png
 

Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho biết, nhiệt độ có thể lên tới 48 độ C trên các đảo Sicily và Sardinia. Đây có thể là mức nhiệt cao nhất từng ghi nhận ở châu Âu.

Bắc Phi cũng đang trong tình trạng ngột ngạt. Cơ quan khí tượng Ma-rốc đã đưa ra cảnh báo đỏ về tình trạng nắng nóng đối với các khu vực phía nam của đất nước.

Trong tuần qua, một nghiên cứu về tác động của nắng nóng cực đoan mùa hè chỉ ra rằng, khoảng 61 nghìn người có thể đã tử vong trong các đợt sóng nhiệt cực đoan tại châu Âu vào hè năm ngoái. Con số này có thể tăng lên gần 100.000 ca tử vong mỗi năm trong tương lai gần.

Điều này đặt ra yêu cầu đối với các chính phủ và các chủ sử dụng lao động phải thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ người lao động làm việc ngoài trời trong điều kiện nóng như thiêu đốt đang diễn ra hiện nay.

Tại Hy Lạp, chính phủ đã ra lệnh ngừng các công việc ngoài trời trong thời gian từ 12 giờ trưa cho đến 17 giờ tại những khu vực có nguy cơ rủi ro nắng nóng ở mức cao. Đồng thời, yêu cầu các công ty, doanh nghiệp tư nhân cho phép nhân viên có vấn đề về sức khỏe được làm việc từ xa.

Tại Italia, trong tuần này, một nam công nhân 44 tuổi đã ngã quỵ và tử vong khi đang sơn vạch kẻ đường tại thị trấn Lodi ở miền bắc. Giới chức y tế nước này đã ban bố cảnh báo đỏ, mức cảnh báo cao nhất, đối với 10 thành phố trong 2 ngày tới, trong đó có thủ đô Rome, thành phố Florence, Bologna và Perugia.

Các con số dự báo thời tiết và những mốc nhiệt chính thức thường dựa trên nhiệt độ không khí và yếu tố này thấp hơn đáng kể so với nhiệt độ thực trên mặt đất. Theo ESA, nhiệt độ cao kỷ lục tại châu Âu là 48,8 độ C được ghi nhận ở đảo Sicily của Italia vào tháng 8/2021. Tuy nhiên, mốc nhiệt này có thể bị phá vỡ vào tuần tới.

Nhà khí tượng học Luca Lombroso của tổ chức AMPRO ở Italia cảnh báo, nắng nóng thậm chí càng gay gắt hơn vào tuần tới, với một số mức nhiệt cao chưa từng có sẽ xuất hiện ở miền nam đất nước. Dự báo từ ngày 18-19/7, nền nhiệt tại Rome và Florence có thể vượt ngưỡng 40 độ C.

Động vật cũng đang bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao. Hiệp hội Nông dân Italia (Coldiretti) cho biết, sản lượng sữa của nước này đã giảm khoảng 10% vì thời tiết nắng nóng khiến bò ăn ít hơn, uống nước nhiều hơn và cho ít sữa hơn.

T.H.