Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới xây dựng một thoả thuận ràng buộc pháp lý quốc tế

Đặng Thu Hằng
Tại Nairobi (Kenya), ngày 02 tháng 3 năm 2022, các nguyên thủ quốc gia, Bộ trưởng Môi trường và các đại diện khác từ 175 quốc gia đã thông qua một nghị quyết lịch sử tại Đại hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA-5) về chấm dứt ô nhiễm nhựa và xây dựng một thỏa thuận ràng buộc pháp lý quốc tế vào năm 2024.

Sự kiện Nairobi lịch sử

Cụ thể sự kiện có hơn 3.400 người tham dự trực tiếp và 1.500 người tham gia trực tuyến từ các Quốc gia Thành viên của Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết số 5/14 của Đại Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) về “Chấm dứt ô nhiễm nhựa: Hướng tới một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế" vào năm 2024.

“Hôm nay đánh dấu một chiến thắng của hành tinh trái đất đối với chất dẻo sử dụng một lần. Đây là thỏa thuận đa phương về môi trường quan trọng nhất kể từ hiệp định Paris. Đó là một chính sách bảo hiểm cho thế hệ này và những thế hệ tương lai, vì vậy họ có thể sống với nhựa và không bị tiêu diệt bởi nó", Inger Andersen, Giám đốc Điều hành UNEP cho biết.

image1170x530cropped-1667902868.jpeg
Chủ tịch UNEA Espen Barth Eide (phải), Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen (giữa) và Keriako Tobiko, Bộ trưởng Nội các về Môi trường của Kenya, hoan nghênh việc thông qua nghị quyết.

Hành động tiếp theo là thành lập Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ (INC), theo dự kiến Ủy ban sẽ bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2022, với tham vọng hoàn thành dự thảo thỏa thuận ràng buộc pháp lý toàn cầu vào cuối năm 2024. Nghị quyết hoàn chỉnh sẽ là một công cụ ràng buộc về mặt pháp lý, phản ánh các lựa chọn thay thế đa dạng để giải quyết vòng tuần hoàn của nhựa, thiết kế các sản phẩm và vật liệu có thể tái sử dụng và tái chế, và nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế để tạo điều kiện tiếp cận công nghệ, nâng cao năng lực và hợp tác khoa học kỹ thuật .

Theo Chủ tịch Đại hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Na Uy ông Espen Barth Eid cho biết: “Ô nhiễm nhựa đã phát triển thành dịch bệnh. Với việc thông qua nghị quyết ngày hôm nay, chúng ta sẽ chính thức đi sâu vào hướng chữa trị”.

Đồng thời ông Espen Barth Eid thông tin thêm Nghị quyết được thông qua đã thể hiện sự hợp tác đa phương ở mức tốt nhất. Nghị quyết dựa trên 3 dự thảo Nghị quyết ban đầu từ các quốc gia khác nhau, thành lập Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ (INC) bắt đầu hoạt động vào năm 2022, với tham vọng hoàn thành dự thảo thỏa thuận toàn cầu ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm 2024.

Đại Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) sẽ mở một diễn đàn vào cuối năm 2022 cho tất cả các bên liên quan tham gia và kết hợp với phiên họp đầu tiên của INC, để chia sẻ kiến ​​thức và kinh nghiệm thực tiễn, phương pháp để giảm thiểu ô nhiễm nhựa một cách tốt nhất ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Diễn đàn mở ra cũng sẽ tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận được cởi mở và đảm bảo cho các thành viên được cung cấp những thông tin khoa học, báo cáo về tiến độ của Nghị quyết trong 02 năm tới.

Cũng theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, sản lượng nhựa đã tăng vọt từ 2 triệu tấn năm 1950 lên 348 triệu tấn năm 2017, trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 522,6 tỷ USD. Sản lượng nhựa dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040. Ngoài ra, tác động của việc sản xuất nhựa và ô nhiễm rác thải nhựa đối với 3 cuộc khủng hoảng trên hành tinh gồm biến đổi khí hậu, tổn thất tự nhiên và ô nhiễm môi trường.

btieyvwsvzkmvozs5rf4rzyosm-1667902876.jpeg
Những người nhặt rác phân loại vật liệu nhựa có thể tái chế tại bãi rác Dandora ở ngoại ô Nairobi, Kenya. (Ảnh: Thomas Mukoya)

Đối với ô nhiễm nhựa, quá trình sản xuất và việc tiếp xúc với nhựa sẽ gây hại cho sức khỏe con người, có khả năng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nội tiết tố, hoạt động trao đổi chất và thần kinh. Trong khi đốt rác nhựa ngoài trời gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Đến năm 2050, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính liên quan đến sản xuất, sử dụng và thải bỏ nhựa sẽ lên tới 15% lượng khí thải cho phép. Hơn 800 loài sinh vật biển bị ảnh hưởng khi nuốt phải nhựa, vướng vào nhựa và nhiều các mối nguy hiểm khác. Với khoảng 11 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra đại dương mỗi năm, thì dự kiến con số này có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2040.

Trước đó, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) đã công bố một báo cáo về thực trạng rác thải nhựa đại dương. Mỗi năm, có khoảng từ 19 đến 23 triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, trong đó, phần lớn là rác thải sản phẩm nhựa dùng 1 lần, là nguyên nhân chính gây ô nhiễm đại dương. Rác này chiếm tới 60% nguyên nhân gây ô nhiễm đại dương, mặc dù, ngày càng nhiều quốc gia triển khai hành động cấm sử dụng sản phẩm nhựa này.

Việc chuyển đổi sang nền kinh tế vòng tròn có thể làm giảm hơn 80% khối lượng nhựa đi vào các đại dương vào năm 2040; giảm sản xuất nhựa nguyên sinh 55%; tiết kiệm cho chính phủ 70 tỷ đô la Mỹ vào năm 2040; giảm phát thải khí nhà kính 25%; và tạo thêm 700.000 việc làm - chủ yếu ở miền nam toàn cầu.

Sự ủng hộ của các quốc gia khi Nghị quyết được thông qua

Tất cả các nước thành viên Đại Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) đều vô cùng mong muốn thông qua Nghị quyết vì “Ô nhiễm rác thải là vấn đề xuyên biên giới và không quốc gia nào có thể một mình giải quyết một cách triệt để". Thách thức chung này đòi hỏi các quốc gia trên thế giới phối hợp chặt chẽ hơn nữa nhằm đưa ra những giải pháp mang tính toàn cầu. Vì vậy, giới phân tích nhận định, việc các nước đồng thuận cùng hướng tới một hiệp ước quốc tế về xử lý tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa là một bước ngoặt có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực bảo vệ môi trường.

Ông Espen Barth Eide, Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Na Uy - Chủ tịch UNEA-5, đánh giá việc 200 quốc gia đồng thuận thành lập một ủy ban liên Chính phủ để khởi động đàm phán hiệp ước quốc tế đầu tiên về ô nhiễm rác thải nhựa là "thời khắc lịch sử rất đáng để tự hào".

5tximsomwfotfikjdc5urwmydi-1667902876.jpeg
Hình ảnh tượng đài nhựa cao 30 foot có tên “Tắt vòi nhựa” của nhà hoạt động và nghệ sĩ người Canada Benjamin von Wong, được làm bằng chất thải nhựa thu gom từ khu ổ chuột Kibera, tại địa điểm tổ chức kỳ họp thứ năm của Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc. (Ảnh: Reuters)

Ông Tsuyoshi Yamaguchi, Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản, người đã đóng góp vào dự thảo nghị quyết và bản nghị quyết cuối cùng cho biết: “Nghị quyết chắc chắn sẽ đưa chúng ta hướng tới một tương lai không còn ô nhiễm nhựa, kể cả trong môi trường biển. Đoàn kết, chúng ta có thể biến nó thành hiện thực. Cùng nhau, chúng ta sẽ cùng tiến lên khi bắt đầu các cuộc đàm phán hướng tới một tương lai không ô nhiễm nhựa.

Còn đối với ông Modesto Montoya, Bộ trưởng Bộ Môi trường Peru, người có dự thảo nghị quyết và đã đóng góp vào bản nghị quyết cuối cùng: "Chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ từ các quốc gia trên khắp thế giới trong quá trình đàm phán này. Peru sẽ thúc đẩy, xây dựng thỏa thuận mới nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm nhựa, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn và giải quyết toàn bộ vòng đời của nhựa."

Tiến sĩ Jeanne d'Arc Mujawamariya, Bộ trưởng Bộ Môi trường Rwanda, cho biết: “Thế giới đang cùng nhau hành động để chống lại ô nhiễm nhựa - một mối đe dọa nghiêm trọng đối với hành tinh của chúng ta. Mối quan hệ đối tác quốc tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề nghiêm trọng này và những tiến bộ đạt được tại UNEA đã phản ánh rõ nhất tinh thần hợp tác này. Không chỉ vậy, chúng tôi mong muốn được hợp tác với INC và lạc quan về cơ hội tạo ra một hiệp ước ràng buộc pháp lý làm khuôn khổ cho việc thiết lập, giám sát, đầu tư và chuyển giao kiến ​​thức giữa các quốc gia nhằm chấm dứt ô nhiễm nhựa.”

Việt Nam cũng là một trong số 175 nước tham gia để thông qua Nghị quyết lịch sử về rác thải nhựa tại Nairobi. Ông Hoàng Xuân Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ TN&MT cho biết: “Tôi cho rằng việc hình thành thoả thuận toàn cầu là một xu thế tất yếu của thế giới nhằm giải quyết khủng hoảng về rác thải nhựa. Ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa tại Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hướng đến môi trường sống của con người và sinh vật cả trên đất liền và trên biển, tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của người dân”.

Thu Hằng