Sơ cấp cứu trẻ đuối nước đúng cách làm tăng khả năng sống sót, tránh để lại di chứng

Đặng Thu Hằng
Việc sơ cấp cứu đúng cách, đúng kỹ thuật cho trẻ em bị đuối nước là việc vô cùng quan trọng, mang lại nhiều cơ hội sống sót hơn đối với trẻ.

Việt Nam không chỉ là một quốc gia có đường bờ biển dài 3.260km trải dài từ Bắc vào Nam mà còn có dày đặc những hệ thống sông ngòi. Vì vậy việc trang bị những kiến thức về sơ cấp cứu đối với những người đuối nước, đặc biệt là ở trẻ em là một trong những việc cần thiết và vô cùng quan trọng để cứu sống trẻ, tránh được di chứng não nặng nề sau này.

anh-chup-man-hinh-2022-09-24-luc-170705-1664014037.png
Hàng năm có rất nhiều trẻ em bị đuối nước. (Ảnh minh hoạ)

Dấu hiệu nhận biết trẻ đuối nước

Trẻ đang chới với dưới nước hoặc sắp có nguy cơ bị chìm. Nạn nhân có dấu hiệu bị sặc nước: ho dữ dội, sặc sụa, mặt đỏ hoặc tím, khó thở hoặc ngừng thở.

Trẻ bất tỉnh do ngừng thở, ngừng tim.

Nguyên tắc cấp cứu tại chỗ

Nếu nạn nhân còn tỉnh giãy giụa dưới nước ta cần khẩn trương tìm cách đưa họ nên bờ. Nếu không biết bơi ta phải tìm khúc gỗ, phao… ném xuống cho họ bám vào để lên bờ hoặc chạy ngay đi tìm người lớn đến cứu.

Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi. Vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, kể cả người cứu nạn. Khi cấp cứu nạn nhân ngay ở dưới nước cần phải nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, có động tác để giúp cho nạn nhân trấn tĩnh và thở.

anh-chup-man-hinh-2022-09-24-luc-170842-1664014132.png
Sơ cấp cứu đuối nước đúng cách sẽ tăng cơ hội sống cho trẻ, giảm thiểu những di chứng não về sau.

- Đối với trẻ còn tỉnh

Cởi bỏ quần áo ướt, lau khô, ủ ấm cho trẻ (Vì hạ thân nhiệt cũng là một trong những nguyên nhân gây nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt đối với nhóm trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh).

Cho trẻ uống nước đường để phòng hạ đường huyết

Nhanh chóng chuyển trẻ đến cơ sở y tế.Trên đường đi, trẻ được đặt ở tư thế nằm nghiêng để đờm nhớt chảy ra ngoài.

- Đối với trẻ bất tỉnh, ngưng thở

Ngay sau khi đưa được nạn nhân vào bờ, đặt trẻ nằm chỗ khô ráo, thoáng khí. Sau đó, người sơ cứu phải lay gọi trẻ. Nếu trẻ không đáp ứng hoặc khi quan sát lồng ngực, thấy không di động, tức là trẻ đã ngưng thở.

Nhanh chóng tiến hành cấp cứu tại chỗ bằng các biện pháp như đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng, ấn tim và hà hơi thổi ngạt cho trẻ. Ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa xương dưới ức phối hợp thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2: tức là sau 30 lần ấn tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Nếu cùng lúc có 2 người cấp cứu thì thực hiện theo tỉ lệ 15:1.

Dùng hai tay chồng lên nhau đặt ngay vào vị trí một nửa dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/1 phút, đồng thời phải khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo với phương pháp miệng thổi miệng cho nạn nhân.

Khi thổi ngạt cho trẻ, người thổi phải áp miệng thật sát vào mũi và miệng trẻ (đối với trẻ nhỏ). Đối với trẻ lớn, áp sát miệng vào miệng trẻ và dùng tay bịt mũi trẻ để hơi thở đi vào phổi. Thổi ngạt liên tiếp 2 lần, mỗi lần khoảng 3 giây. Việc ép tim, thổi ngạt nên làm trong khoảng 5-10 phút.

Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15 - 30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại việc ấn tim ngoài lồng ngực với chu kỳ 15 - 30 lần ấn tim, 2 lần hà hơi thổi ngạt.

Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh trở lại hoặc cho đến khi nạn nhân được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Cần tránh khi cấp cứu đuối nước

Thứ nhất, không được chậm trễ trong cấp cứu người bị đuối nước, thay vì tìm cách gọi xe cấp cứu, tìm cho được và đầy đủ các phương tiện cấp cứu... thì phải bằng mọi cách và khả năng hiểu biết cấp cứu nạn nhân ngay.

Thứ hai, không nên cố tìm cách cho nước trong phổi nạn nhân chảy hết ra ngoài bằng cách xốc nước (vác nạn nhân chạy vòng vòng cho nước chảy ra) vì như thế sẽ bỏ lỡ thời gian vàng cho việc làm hồi sức cấp cứu tim phổi mà chỉ cần chậm trễ 4 phút thôi là não có nguy cơ bị chết. Trong quá trình hồi sức cấp cứu tim phổi, nước trong phổi sẽ tự động thoát ra ngoài. Nếu là nước sông, hồ thì nước sẽ thấm vào hệ tuần hoàn rất nhanh do hiện tượng thẩm thấu (nước sông có nồng độ loãng hơn máu).

Thứ ba, khi làm xoa bóp tim ngoài lồng ngực, cần chú ý không quá mạnh vì có thể làm gãy xương sườn nạn nhân, nhất là trẻ nhỏ.

Để hạn chế rủi ro đuối nước

Dạy bơi cho trẻ

Không nên để trẻ chơi một mình mà không giám sát, đậy kín các chum vại nước xung quanh nhà, không cho trẻ chơi gần ao hồ, tốt nhất nên dạy cho trẻ tập bơi để tránh những tai nạn không mong muốn.

Trẻ nhỏ đi đến hồ bơi nên đi cùng người lớn, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ, đặc biệt cần tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.

Đối với trẻ lớn, cần được giáo dục tại trường học và gia đình về các nguy cơ tai nạn thương tích, cách phòng tránh. Đặc biệt, mỗi người nên tự trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cứu đuối nước để xử trí kịp thời và đúng cách khi gặp tình huống khẩn cấp, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Theo báo cáo của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trong đó có khoảng 3.500 trẻ em và trẻ vị thành niên (chiếm hơn 50%), nghĩa là trung bình mỗi ngày có khoảng 9 trẻ tử vong do đuối nước. Do đó, việc học các kỹ năng sơ cấp cứu trẻ đuối nước trên là vô cùng cần thiết.

t/h