Bánh mì chay 'cô Khuyết' lan tỏa năng lượng tích cực

Nguyễn Diệp Linh
Cô gái khuyết tật nhỏ bé nhưng luôn vui vẻ bên xe bánh mì chay dễ dàng gây ấn tượng với bất kỳ ai.

Một sáng cuối tháng 3, giữa lòng TP.HCM tấp nập, chúng tôi bắt gặp hình ảnh cô gái trẻ nhỏ nhắn vui vẻ bên cạnh xe bánh mì chay tên Cô Khuyết ở địa chỉ số 68 đường Trần Quốc Thảo (quận 3).

Xe bánh mì được bày biện hết sức đơn sơ gồm giỏ bánh mì trên chiếc xe máy và chiếc bàn bên cạnh cùng các loại nguyên liệu như nấm chay.

Cô chủ gây ấn tượng bởi không có một cơ thể hoàn thiện nhưng luôn nở nụ cười trên môi, thoăn thoắt chuẩn bị bánh mì cho khách hàng tên là Anh Thư (26 tuổi).

Chị Anh Thư, chủ tiệm bánh mì Cô Khuyết cùng Lộc đồng hành từ những ngày đầu. Chị Anh Thư, chủ tiệm bánh mì Cô Khuyết cùng Lộc đồng hành từ những ngày đầu.

Anh Thư chia sẻ lúc còn nhỏ bị sốt nặng và không được đưa đi bệnh viện kịp thời nên cơ thể không phát triển được như bình thường và vẹo cột sống.

Thế nhưng, Anh Thư chỉ nhìn nhận khuyết tật là một khó khăn cần vượt qua trong cuộc sống và luôn lạc quan. Khách hàng đến với bánh mì Cô Khuyết không chỉ vì những ổ bánh mì chay thơm ngon mà còn vì năng lượng tích cực mà cô gái đem lại.

“Từ nhỏ tôi đã lớn lên trong chùa và nhận được tình yêu thương của các sư thầy, môi trường trong chùa hướng con người đến chân - thiện - mỹ và ăn chay là một thói quen cũng như là sở thích của tôi. Với tôi, việc ăn chay không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn bảo vệ cho môi trường” – Anh Thư chia sẻ.

Cùng đồng hành với Anh Thư từ những ngày đầu mở xe bánh mì là cô gái tên Lộc (21 tuổi, quê ở Quảng Trị). Cả hai gặp nhau khi Lộc đang là giáo viên dạy vẽ để gây quỹ từ thiện cho các bạn khuyết tật.

“Lộc chính là người đem lại cho mình rất nhiều năng lượng tích cực trong cuộc sống” - Anh Thư chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu bán xe bánh mì, Lộc kể: “Mới đầu bán tụi mình được người quen và bạn bè ủng hộ rất nhiều, có bạn chạy quan khắp thành phố để giao từng ổ bánh mì. Tối về mệt lã hết người nhưng tụi mình lại rất vui và có thêm động lực phát triển đứa con tinh thần này của hai đứa”.

Đến nay xe bánh mì Cô Khuyết đã mở bán được hơn 4 tháng và được nhiều người ủng hộ. Xe bánh mì đem lại một phần thu nhập cho hai bạn trẻ khoảng hơn 1 triệu/ngày.

Xe bánh mì với cách trang trí dễ thương, ấm áp.

Xe bánh mì với cách trang trí dễ thương, ấm áp.

Ngoài việc bán bánh mì, Anh Thư còn là một họa sĩ tự do “Trước khi bán bánh mì, mình cũng là họa sĩ vẽ tranh cho khách nước ngoài. Giờ bán bánh mì để có thêm thu nhập cũng vui, được các bạn biết đến, được chia sẻ câu chuyện của mình nên mình thấy khá hài lòng với cuộc sống bây giờ. Tụi mình sẽ bán bánh mì vào buổi sáng còn chiều thì sẽ vẽ tự do” – Anh Thư tâm sự.

Theo ghi nhận của PLO, có nhiều khách hàng tình cờ đi ngang qua mua hoặc biết đến xe bánh mì qua mạng xã hội nên ủng hộ.

Cô Khuyết luôn nở nụ cười trên môi.

Cô Khuyết luôn nở nụ cười trên môi.

Bạn Lê Quang Vinh (22 tuổi), đến từ Bình Dương chia sẻ biết bánh mì Cô Khuyết khi tình cờ lướt tiktok nên muốn đến mua ủng hộ.

“Khi gặp chị Khuyết ngoài đời, mình thấy chị cực kì thân thiện và mang lại nguồn năng lượng hết sức tích cực cho cộng đồng. Dù có khiếm khuyết trên cơ thể, chị vẫn luôn vui vẻ” - Vinh xúc động nói.

Chia tay xe bánh mì của Cô Khuyết, chúng tôi vẫn nhớ những lời chị nói: “Tôi cảm thấy cuộc sống của mình không quá khác so với mọi người. Chúng ta phải luôn sống tích cực hướng về phía trước chứ nếu mãi lo sợ thì mọi thứ chẳng những không thay đổi được mà còn làm chúng ta càng tiêu cực và mất năng lượng”.

THỦY TÂM - KHÁNH TRÚC