An sinh xã hội bồi đắp giá trị văn hóa

Nguyễn Diệp Linh
Bất chấp nỗ lực của Việt Nam trong bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), các thế lực thù địch, bất đồng chính kiến cho rằng Việt Nam lấy ASXH, mục tiêu vì dân làm bình phong để bóc lột dân. Đây là luận điệu hết sức nguy hiểm, chia rẽ 'ý Đảng, lòng dân'. Cần phải kịp thời bóc trần và lên án mạnh mẽ luận điệu xấu này.

Không từ bỏ dã tâm

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” (Nghị quyết 15), cuối tháng 3 vừa qua, Bộ Chính trị đã họp, cho ý kiến về Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 15. Thế nhưng, chỉ sau vài giờ thông tin được đăng tải trên truyền thông thì các trang web tiếng Việt ở nước ngoài đã “chĩa mũi dùi”, phủ nhận thành quả trên lĩnh vực này. Bên cạnh đó, trên diễn đàn mạng xã hội, nhất là YouTube, nhiều tài khoản đã sử dụng chiêu bài cũ, cắt ghép hình ảnh rồi đưa ra thông tin bình luận về chất lượng, hiệu quả, mức sống nghèo khó của người dân Việt Nam hiện nay.

Nếu theo dõi sát hoạt động của các thế lực thù địch thì thấy chúng chưa bao giờ từ bỏ dã tâm chống phá cách mạng Việt Nam. Chúng thường phân tích thông tin, sự việc đơn lẻ rồi quy chụp, đưa ra đánh giá, kết luận, khẳng định Việt Nam đang bị “lỗi hệ thống”. Đây cũng là “món ăn” ưa thích của những kẻ bất đồng chính kiến trong nước.

An sinh xã hội Việt Nam là vì con người

Trong truyền thống dân tộc Việt Nam, tương thân tương ái, yêu thương con người, hỗ trợ người yếu thế, bị thiên tai, hoạn nạn… trở thành tài sản văn hóa tinh thần, được gìn giữ như những viên ngọc quý. Ngày nay, hiệu quả từ chủ trương ASXH do Đảng lãnh đạo đã hướng tới con người, nhằm bảo đảm cho con người có thu nhập tối thiểu; phòng ngừa, giảm và khắc phục rủi ro; phát triển thị trường lao động; phân phối thu nhập. ASXH ở Việt Nam góp phần bồi đắp và nâng giá trị văn hóa dân tộc lên tầm cao mới.

Giúp đỡ người khuyết tật ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), một trong những lĩnh vực an sinh xã hội Việt Nam làm tốt. Ảnh: CÔNG THIGiúp đỡ người khuyết tật ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa), một trong những lĩnh vực an sinh xã hội Việt Nam làm tốt. Ảnh: CÔNG THI

Hơn 10 năm trở lại đây, thuật ngữ “an sinh xã hội” được đề cập và phổ biến rộng rãi trong đại chúng cũng như văn bản của Đảng, Nhà nước ta. Nó được hiểu là hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước cùng các lực lượng xã hội phối hợp thực hiện, nhằm bảo đảm cho mọi công dân, đặc biệt là trẻ em, người già, người bệnh, người yếu thế và người thất nghiệp có được mức tối thiểu về thu nhập, có cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu: Giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin…

Kế thừa truyền thống văn hóa dân tộc, để bắt nhịp với xu thế phát triển của các nước trên thế giới, ngày 10-6-2012, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết 15 trong đó nhất quán quan điểm: “Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm ASXH là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Ðảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”.

Có thể nói, những quan điểm trên đã cho thấy tầm nhìn của Đảng trong thực hiện mục tiêu lấy con người làm trung tâm và tất cả vì hạnh phúc của con người để hướng tới mục đích tổng quát “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là rõ ràng, nhất quán.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả trong thực hiện các chính sách về ASXH. Tổng kết Nghị quyết 15, các cơ quan Chính phủ đánh giá: Trong tổng số 26 chỉ tiêu, có các chỉ tiêu vượt và hoàn thành trước thời hạn, gồm: Nhà ở cho người có công; trợ giúp xã hội; trợ giúp xã hội cho người cao tuổi; tỷ lệ đi học đúng tuổi; bảo hiểm y tế; tiêm chủng mở rộng. Có các chỉ tiêu đạt mục tiêu vào năm 2020, gồm: Mức sống gia đình người có công; mức trợ cấp người có công; thất nghiệp chung; thất nghiệp thành thị; giảm nghèo chung; giảm nghèo tại các huyện, xã có tỷ lệ nghèo cao; thu nhập bình quân đầu người hộ nghèo; trợ giúp xã hội đột xuất; trẻ em đi học trung học cơ sở đúng tuổi; tỷ lệ người biết chữ từ 15 đến 60 tuổi; lao động qua đào tạo; tiêm chủng cho trẻ dưới 1 tuổi; phòng, chống lao; phủ sóng phát thanh truyền hình; đài truyền thanh xã ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đặc biệt, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2020 có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc, từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117 năm 2020. Báo Vietnam+ đã dẫn lời bà Gulmira Asanbaeva, quyền đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam rằng, việc ban hành và triển khai Nghị quyết 15 đã đánh dấu bước đột phá lớn, tạo tiền đề cho Việt Nam tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế và thông lệ tốt nhất về ASXH.

Bồi đắp những giá trị văn hóa cốt lõi

Những giá trị cốt lõi mà ASXH đem lại rất lớn, đó là góp phần củng cố, phát huy tư tưởng lấy dân làm gốc đã có trong lịch sử; thúc đẩy công bằng, bình đẳng; thiết lập, lan tỏa tinh thần đoàn kết, nhân ái, sẻ chia, từ đó cảm hóa con người trong xã hội hiện đại hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ của cuộc sống, phù hợp với giá trị văn hóa thời hội nhập, phát triển.

Trước hết, giá trị văn hóa nổi bật trong chủ trương bảo đảm ASXH của Đảng mang lại đó là từ tư tưởng “lấy dân làm gốc”, trọng dân, giúp dân, chăm lo đời sống nhân dân. Đây là tư tưởng chủ đạo, là quy chuẩn, là “sách lược ngàn năm” trong kế sách dựng nước và giữ nước của dân tộc ta được Đảng kế thừa và phát huy.

Trong lịch sử dân tộc, tư tưởng “lấy dân làm gốc” đã trở thành đạo lý và phát triển thành văn hóa đặc trưng của dân tộc. Lý Công Uẩn từng khẳng định việc dời đô đến Thăng Long là do “trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân” nhằm “làm cho dân được giàu của, nhiều người”. Còn Hưng Đạo đại Vương Trần Quốc Tuấn thì “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước”. Triết lý sâu sắc “lấy dân làm gốc” của các tiền nhân tiếp tục được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển lên tầm cao mới để khơi dậy đoàn kết, giành độc lập, tự do. Người từng khẳng định: “Tôi chỉ có sự một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Từ giá trị tư tưởng “lấy dân làm gốc” thấm đẫm văn hóa dân tộc, trong thời hiện đại, Đảng ta đã chỉ đạo thực hiện bảo đảm ASXH nhằm mục tiêu vì cuộc sống an toàn và ổn định của mỗi người dân. Gần nhất, trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Đổi mới chính sách bảo hiểm thất nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động khu vực phi chính thức; thực hiện các biện pháp chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và tầm vóc người Việt Nam.

Thực tế chứng minh, với điều kiện kinh tế-xã hội hiện có, Việt Nam đã làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho công tác bảo đảm ASXH. Đó là những việc vì con người, phù hợp xu thế phát triển và góp phần nâng tầm văn hóa của Việt Nam thời hội nhập. Chúng ta cần tỉnh táo với những thông tin xuyên tạc, chia rẽ niềm tin của các thế lực thù địch để có bản lĩnh chính trị vững vàng và kiên định với công cuộc cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Theo qdnd.vn